365 NGÀY YÊU THƯƠNG – TS. THÍCH NHẤT HẠNH
1. Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương.
2. Người nào làm việc xã hội vì nhu cầu của thương yêu, vì nhu cầu của ý thức trách nhiệm, phần thưởng cho người ấy sẽ rất ngọt ngào, đó là an lạc và hạnh phúc.
3. Thương yêu là bản chất của giác ngộ.
4. An trú trong chánh niệm thì ai cũng đẹp ra và cái đẹp ấy sẽ mang an lạc, hạnh phúc, không những cho ta mà còn cho cả mọi người.
5. Bạn nên biết có những người không có tiền bạc và danh vọng, nhưng sống rất hạnh phúc, vì hàng ngày, họ có cơ hội giúp người và độ đời.
6. Càng biết thương yêu ta càng lớn lên, càng gần gũi hơn với vũ trụ, với con người, và càng thấy rõ được hòa điệu đại đồng của sự sống.
7. Chất liệu yêu thương sẽ biến khổ đau thành hoa trái ngọt ngào.
8. Ta cần tổ chức môi trường sống như thế nào để những hạt giống xấu như bạo động, giận hờn, tuyệt vọng, không có cơ hội biểu hiện trong ta.
9. Dù đẹp cách mấy thì tình yêu cũng vô thường. Ta phải học cách nuôi dưỡng tình yêu. Nuôi tình yêu bằng thực phẩm nào? Bằng cái hiểu và cái thương.
10. Được hiểu biết thương yêu hướng dẫn, ta sẽ biết cách hành xử đúng đắn, để có thể đem lợi lạc đến cho mọi người.
11. Tình thương không phải từ không mà thành có, vì hạt giống của tình thương chân thật ấy đã có sẵn trong lòng của tất cả chúng ta.
12. Tình thương chân thật phải có chất liệu của sự tự do. Người thương có tự do, và người được thương vẫn không mất tự do.
13. Hạnh phúc chân thật được làm bằng chất liệu của khổ đau.
14. Hạnh phúc chân thực chỉ có mặt khi ta có con đường lý tưởng, khi cuộc sống của ta có ý nghĩa, khi ta có khả năng hiểu biết, thương yêu, và khi ta có khả năng giúp người bớt khổ.
15. Hãy lấp đầy trái tim của chúng ta bằng tình thương – hướng về bản thân và hướng về tất cả chúng sanh.
16. Khi chúng ta tư duy về từ bi, về tình thương, thì mỗi tế bào trong cơ thể ta đều tiếp nhận nguồn năng lượng tuyệt vời ấy. Ngược lại nếu chúng ta tư duy về hận thù, tuyệt vọng, thì ngay lập tức, năng lượng tiêu cực ấy sẽ ảnh hưởng xấu lên thân thể và tâm hồn ta.
17. Khi ta sống có chánh niệm thì ta biết những gì đã xảy ra cho người thương của ta. Khi người thương của ta đang bị bệnh, đang lo lắng, buồn khổ thì ta phải có mặt cho người thương.
18. Chỉ cần lắng nghe với tâm từ bi thôi là ta đã có thể làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi.
19. Lời nói phát xuất từ tình thương yêu có thể khơi dậy những hạt giống của niềm tin và an vui nơi người khác.
20. Lấy sự thực tập để làm đẹp cho chính mình, không làm tổn hại đến sinh mạng của ai, sống ở đời tịnh hạnh, không hành xử bạo động đối với các loài chúng sinh, đó đích thực là bậc sa môn đạo nhân.
21. Nếu bạn yêu ai đó nhưng hiếm khi dành thời gian cho họ thì đó không phải tình yêu thật sự.
22. Nếu chúng ta bận rộn tới nỗi không có thì giờ tu tập theo lời Phật dạy, không có cơ hội tưới tẩm những hạt giống hiếu nghĩa có sẵn trong lòng, thì những hạt giống đó sẽ yếu đi và lòng chúng ta sinh ra nhiều thứ buồn giận, lo âu, trách móc, hận thù.
23. Tình thương đích thực vượt khỏi biên giới của quốc gia, của tôn giáo, của lý tưởng, của cá nhân, của màu da.
24. Nếu ta có tranh chấp, có chiến tranh với những người xung quanh, điều đó cũng có nghĩa là ta đang có một cuộc tranh chấp, một cuộc chiến tranh tiềm tàng bên trong bản thân.
25. Khi trong lòng ta có tràn đầy chất liệu từ và bi, thì niềm vui và hạnh phúc tự dưng có mặt.
26. Khi ta hiểu được một người thì ta có thể chấp nhận và thương yêu người đó. Mà đã chấp nhận thì ta không còn trách móc và có cảm giác bực bội với người ấy như trước. Năng lượng của cảm giác bực bội trong trường hợp này, có thể được biến thành năng lượng thương yêu.
27. Làm hại bản thân cũng là làm hại những người khác, và làm hại những người khác cũng là làm hại bản thân.
28. Khi nói đến thương yêu, ta hay nghĩ rằng đối tượng thương yêu là một người khác. Nhưng Bụt dạy rằng, đối tượng đầu tiên của thương yêu phải là chính bản thân mình.
29. Khả năng thương yêu, dịu hiền của mẹ vẫn còn đó, trong bạn, ngày hôm nay.
30. Khi thương nhau thật sự thì mình muốn người kia có mặt cho mình và mình cũng có mặt cho người kia. Còn nếu thương mà bận rộn suốt ngày suốt đêm, không có mặt cho người mình thương, thì thử hỏi đó có thật là thương hay không?
31. Hiểu được thì có thể chấp nhận được và ta bắt đầu có an. Có an mới có lạc.
32. Hãy mở rộng tình thương của mình để ôm trọn cả hành tinh này, không nên giới hạn trong phạm vi đất nước hay dân tộc mình mà thôi. Chính tôi đã nhận ra rằng, quê hương tôi là cả hành tinh này, cả trái đất này. Tôi không giới hạn tình thương của mình trong một dải đất ở châu Á có tên là Việt Nam mà thôi. Tôi đã được chuyển hóa và trị liệu rất nhiều nhờ vào cái thấy này.
33. Hãy mỉm cười đi, và hãy cười bằng đôi mắt của bạn nữa.
34. Người được hoa hồng sẽ sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa.
35. Lòng từ bi của Bụt không chỉ bao trùm đến mọi người và mọi loài trong thời đại của Người, mà còn cho cả thời đại của chúng ta nữa.
36. Nếu chúng ta không hiểu và thương được bản thân thì chuyện hiểu và thương một người khác trở nên rất khó khăn.
37. Mỗi khi khổ, bạn phải có bổn phận nói cho người bạn thương biết. Khi hạnh phúc chia sẻ đã đành, nhưng khi đau khổ cũng phải chia sẻ. Ngay cả khi bạn cho rằng người kia đã gây nên nỗi khổ của bạn, bạn cũng phải nói cho người kia biết. Điều kiện duy nhất là phải nói trong bình tĩnh, phải dùng lời ái ngữ.
38. Muốn thương ai, ta phải hiểu được người đó.
39. Những ai muốn đạt được tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái, những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn và không đua đòi theo đám đông.
40. Nếu tình thương của chúng ta có tính cách phe phái, kỳ thị, và vướng mắc thì tình thương ấy không phải là tình thương đích thực.
41. Người không biểu lộ được lòng từ bi, là người không có hạnh phúc.
42. Yếu tố lớn nhất để tạo nên hạnh phúc là ý thức về hạnh phúc.
43. Ta thử đặt một câu hỏi: Ta giận cha, ta giận mẹ, ta không muốn dính líu gì tới cha hay mẹ nữa, nhưng ta có thể lấy (trục xuất) cha mẹ ra khỏi ta không? Ta giận cha, giận mẹ, nhưng ta vẫn cứ là sự tiếp nối của cha mẹ, ta đang chính là cha và mẹ, và như vậy ta đang giận chính ta, ta đang thù hằn chính ta, và cha hoặc mẹ cũng đang tự giận mình, cũng đang tự thù hận chính mình.
44. Tâm từ bi bị hao mòn thì ta sẽ khổ đau và sẽ đánh mất liên hệ tốt giữa ta và những người khác.
45. Muốn có tình yêu đẹp đẽ và bền chặt, những người yêu nhau phải biết xây dựng cho nhau. Nếu không, tình yêu sẽ được giới hạn lại trong sự ưa thích mới lạ về hình thức và trong hưởng thụ đổi chác.
46. Tình thương chuyển hóa hận thù và khổ đau.
47. Thương mà chỉ biết nghe tiếng gọi của đam mê, không biết nghe tiếng gọi của trí tuệ, thì ta sẽ làm khổ và gây thương tích cho người ta thương.
48. Từ bi là nguồn năng lượng làm động lực cho hành động bố thí.
49. Yêu thương mà không hiểu được đối tượng thương yêu, không giúp được đối tượng thương yêu tự bảo tồn được tính cách đáng yêu, không làm phát sinh được nơi đối tượng một sức mạnh đi tới để thêm đẹp, thêm sáng, để kịp thời lên cao một lần với mình, thì chủ thể cũng có lỗi.
50. Từ bi phải được thể hiện cụ thể hơn qua cách ta ăn ở đối xử với những người xung quanh.
51. Thương yêu bản thân là làm cho rã bớt những nỗi sầu khổ và tưới vào bản thân những niềm vui.
52. Thương ta được tới đâu thì thương người được tới đó.
53. Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ.
54. Nhìn với con mắt chánh niệm, ta sẽ thấy được mọi vật sâu sắc hơn, đẹp đẽ hơn, từ bi hơn.
55. Nếu trái tim ta nhỏ bé, ta sẽ không có khả năng chấp nhận và tha thứ những lỗi lầm của người kia. Nhưng khi trái tim ta rộng lớn, có nhiều hiểu biết và thương yêu, thì ta có thể ôm ấp được người kia.
56. Nếu không hiểu thì không thể thương. Bụt là người hiểu thấu được tâm sự thế gian cho nên Bụt là người thương đích thực của thế gian.
57. Nếu ta tin ngày mai sẽ tốt đẹp hơn thì hôm nay ta có thể chịu đựng mọi khó khăn.
58. Nếu trong tình thương mà không có yếu tố niềm vui thì tình thương đó không thể gọi là tình thương đích thực.
59. Một người không có lòng từ bi thì không thể có hạnh phúc. Cho nên, tu tập là làm cho lòng từ bi càng ngày càng lớn, để hạnh phúc của mình cũng được lớn lên.
60. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất.
61. Nếu em có cảm giác rằng, em không thương ai, em ghét tất cả mọi người và cả chính bản thân em, thì đó chỉ là ảo giác. Sự thực, em rất cần thương yêu và được thương yêu.
62. Nếu không thương yêu được bản thân thì ta không thể thương yêu được bất cứ một loài nào khác.
63. Mẹ là giáo sự dạy về lòng thương yêu, phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học của cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu.
64. Khi tâm ta đầy lòng yêu thương thì dù ta không làm gì cả, tình thương ấy cũng tỏa rạng ra xung quanh và làm tình trạng thay đổi. Tình thương luôn dẫn đến chánh nghiệp.
65. Khi bạn học được nghệ thuật để làm cho một người được hạnh phúc, chính bạn cũng đang học cách thương yêu với toàn thể nhân loại.
66. Hãy luôn luôn có ý muốn đem tới sự an lành cho quần sinh, mà đừng đem tới thêm cho họ những bạo động. Để cho trong hiện tại, không ai bị tàn hại và để cho sau này ai cũng được sống an ổn lâu dài.
67. Em mới có hai mươi mốt tuổi trên vai. Tình thương sẽ cho em thấy tình trạng đất nước, nhân loại, tình thương sẽ dạy cho em hành động. Hành lý của em đã đầy đủ. Hiên ngang trong tự do, em hãy lên đường.
68. Em bé xinh tươi đang đứng trước mặt bạn. Đôi mắt long lanh. Bạn có thể mở rộng hai cánh tay. Ôm em bé vào lòng.
69. Đừng xem thường cái thiện nhỏ, cho nó không phải là phước đức. Nước giọt tuy ít nhưng lâu cũng đầy bình lớn, nếu phước đức sung mãn là do tích lũy từng chút lâu ngày.
70. Được ngồi thảnh thơi, ăn chung với nhau, là một niềm vui lớn.
71. Dù lớn bao nhiêu ta vẫn là con của mẹ.
72. Đau thương đã lớn quá rồi, chúng ta đừng gây nhiều thêm nữa. Chỉ có lòng xót thương mới có thể giữ cho chúng ta còn là chúng ta, mới có thể giúp cho chúng ta đủ bình tĩnh và thương yêu để tự lái con thuyền chúng ta ra khỏi cơn bão táp.
73. Chúng ta không cần phải giàu sang mới thực tập bố thí.
74. Chính chúng ta gieo mầm tách biệt thì chúng ta không nên phàn nàn về sự cô đơn. Ta phàn nàn rằng không ai hiểu ta thì chính lúc đó, ta không hiểu được ai. Chính những phàn nàn đó biểu lộ rõ nét sự ích kỷ của chúng ta và cả sự độc tài của chúng ta nữa.
75. Càng nhìn càng thấy rõ, biết lắng biết thương sâu.
76. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương, hiếu chỉ là giả tạo, khó khăn, vụng về, cố gắng mệt nhọc.
77. Chừng nào bạn hết niềm tin nơi con người thì chừng đó bạn sẽ chết. Mình phải tin rằng, trong mỗi con người đều có Phật tính, mà Phật tính đó không bao giờ tiêu diệt được. Dẫu người nào có độc ác, có nham hiểm đến đâu, thì mình vẫn tin rằng, một ngày nào đó con người ấy sẽ vươn lên.
78. Cái thấy và cái hiểu đưa tới cái thương, vì vậy, trí tuệ là chất liệu để làm nên Từ bi.
79. Bất bạo động không có nghĩa là không hành động. Bất bạo động có nghĩa là chúng ta hành động với tình thương và lòng từ bi. Giây phút mà chúng ta ngừng hành động là chúng ta đang phá hoại nguyên tắc bất bạo động.
80. Cái thương nằm trong cái Hiểu
81. Cái thấy đúng đưa tới hòa giải và thương yêu, mà không đưa tới sự kỳ thị, chia rẽ, hận thù.
82. Chỉ có Từ bi mới đáp lại được hận thù thôi.
83. Ơn nghĩa có bốn: ơn cha mẹ sinh dưỡng, ơn sư trưởng giáo huấn, ơn bè bạn nâng đỡ, ơn chúng sinh tương liên tương quan.
84. Thức dậy miệng mỉm cười, Hăm bốn giờ tinh khôi, Xin nguyện sống trọn vẹn, Mắt thương nhìn cuộc đời.
85. Chăm sóc tự thân là chăm sóc người thương. Có khả năng thương mình mới có khả năng thương người khác.
86. Đức Phật trước hết là một người như tất cả chúng ta, Ngài cũng có những khó khăn, đau khổ, bế tắc, nhưng nhờ tìm ra con đường nên đã tháo gỡ được những khó khăn, bế tắc, chuyển hóa được những khổ đau, đạt tới trình độ hiểu biết, thương yêu rất lớn. Hiểu biết lớn là đại trí, thương yêu lớn là đại bi.
87. Dùng ái ngữ, chúng ta có thể tạo hạnh phúc cho người khác.
88. Có sự thông cảm, chúng ta mới đánh tan được ảo giác cô độc.
89. Đất Mẹ là vị Bồ tát của vững chãi và bao dung.
90. Chúng ta phải làm sao để trong các đoàn thể, mỗi người đều có cơ hội học cách xây dựng tình huynh đệ, chế tác hiểu biết và thương yêu, chứ không phải chỉ là nơi để tìm kiếm lợi nhuận mà thôi.
91. Đức Tin cần phải có tình thương.
92. Giây phút nào ta có ý thức tới hơi thở là giây phút ta sống với chánh niệm, với trí tuệ, và từ bi.
93. Khi mình có những tư duy đầy từ bi, tha thứ, đầy hiểu biết thì mình đang hiến tặng sự sống rồi.
94. Lẽ giản dị là muốn được yêu thì phải đáng yêu. Tự hủy bỏ tính cách đáng yêu nơi mình đi tức là tự ý thôi không muốn được yêu thương nữa.
95. Phải thấy được tính Bụt nơi người đối diện.
96. Nếu ngày đêm đều có thực tập chánh niệm về Từ, thì trong tâm không còn ý muốn trách phạt ai nữa. Thực tập pháp vô hại đối với tất cả chúng sanh, đó là hạnh nguyện không oán cừu.
97. Sở dĩ lắm lúc con người tỏ ra bất nghĩa, vô tình là vì có những cái màn vô minh nào đó, hoặc một tâm trạng u sầu, lo lắng, bực dọc hay ham mê nào đó tới che lấp đi mà thôi. Những tâm trạng đó lắng xuống, những tấm màn kia lột đi, thì nhu yếu thương yêu ấy lại được phát hiện rõ ràng trở lại.
98. Ta đã làm gì hôm nay cho người ta thương hạnh phúc?
99. Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ.
100. Thông điệp truyền thông của bạn không phải chỉ ở lời nói mà ở nơi dáng dấp của bạn, với đôi mắt từ bi, với cử chỉ dịu dàng.
101. Yêu mến tất cả mọi người, xem ai cũng là bạn hiền, thương xót mọi loài chúng sinh, luôn luôn hành xử với tâm từ bi thì đi đến đâu cũng gặp an lành.
102. Tâm dạ chí thành, phong độ an nhiên từ tốn, miệng không nói lời thô ác, không nổi giận với kẻ khác, đó là nếp sống phạm hạnh.
103. Thiền có mục đích giúp hành giả đạt tới một cái thấy sâu sắc về thực tại. Cái thấy này có khả năng giải phóng cho mình ra khỏi sự sợ hãi, lo âu, phiền muộn, có khả năng chế tác chất liệu trí tuệ và từ bi, nâng cao phẩm chất của sự sống, đem lại cho mình và kẻ khác nhiều thảnh thơi và an lạc.
104. Ta sống an lành không có thù hận, người kia có thù hận nhưng ta không thù hận ai.
105. Tâm đi mười phương thế giới. Có ai thân thiết bằng ta. Đã biết thân thương tự ngã. Thì đừng làm khổ người ta.
106. Tất cả chúng sanh đều có chất liệu giác ngộ và từ bi ở trong tâm.
107. Thường thường khi mất đi một hạnh phúc, người ta mới biết là hạnh phúc đó quý giá.
108. Ta nên học cách thương yêu không điều kiện đối với mọi loài chúng sanh trên trái đất để chúng có cơ hội vui hưởng trọn vẹn đời sống của chúng.
109. Nếu thương nhau thật sự thì khi có nỗi khổ niềm đau, mình phải chia sẻ với nhau.
110. Mỗi giây phút trong ngày đều có thể là một sự hiến tặng. Tư duy từ ái, ngôn ngữ từ ái và hành động từ ái là những gì ta có thể hiến tặng cho nhau.
111. Khi thương, mình phải có sự thông minh, đừng để cho người kia lợi dụng tình thương đó để đi vào nẻo không chính đáng.
112. Khi thương nhau, chúng ta phải cam kết một điều là làm sao cho tình thương giữa hai chúng ta, hay ba chúng ta, hay bốn chúng ta đừng mang tính chất chiếm hữu và độc tài.
113. Lời nói có thể xây dựng một thế giới an lạc, trong đó mọi người tin cậy và yêu thương nhau.
114. Là con, ta phải học cách tỏ lộ tình thương của mình đối với cha, với mẹ. Ta phải có sự tươi mát, có sự dịu dàng, phải biết nhìn cha bằng cặp mắt thương yêu, phải biết nói với cha những lời nhẹ nhàng và ân tình, phải nhìn mẹ bằng con mắt biết ơn, bằng cái nhìn biết ơn và phải biết nói với mẹ những lời dịu dàng ái ngữ.
115. Mọi loài chúng sinh đều có chỗ đứng thảnh thơi trong trái tim của Bụt.
116. Bội bạc thật ra chỉ là hậu quả của sự mờ ám, dại khờ. Chỉ cần một sự lắng lòng, chỉ cần một sự trở về là lòng ta lại tràn ngập yêu thương, và ta lại tìm thấy nguồn hạnh phúc.
117. Khi mình nói những lời dễ thương, đem lại sự tự tin, an vui và hy vọng cho người khác, tức là mình đang tạo khẩu nghiệp lành.
118. Hiệp ước hòa bình của bạn phải là một bản hiệp ước thuần túy yêu thương.
119. Hạnh phúc chân thực chỉ có được khi ta được hiểu, được thương; khi có khả năng hiểu, thương những người khác.
120. Hễ thấy ai khổ thì ta thương. Sở dĩ ta ghét người kia, ta không thể thương được họ là vì ta không thấy được nỗi khổ của họ.
121. Hạnh phúc là yêu thương và được yêu thương.
122. Khi lâm vào tình trạng khó khăn, người có hạnh phúc vẫn có đủ khả năng tạo ra ánh sáng, cũng như niềm vui cho mình và cho người chung quanh.
123. Đóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó, anh hãy sung sướng đi!
124. Giữ giới Bồ tát là chẳng những không làm những điều ác, mà còn phải làm những điều lành, và trong tâm luôn có ý nguyện thực hiện những điều có an lạc, có hạnh phúc cho tất cả các loài hữu tình.
125. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không lớn lên được.
126. Giận hờn là một tai nạn, và khi giận hờn, ta thấy bao nhiêu an lạc của ta tan biến hết.
127. Hạnh phúc của mình tùy thuộc vào chỗ mình có lòng từ bi hay không.
128. Khi đã cảm thông niềm đau, nỗi khổ của người khác, thì bạn không còn có ý muốn trừng phạt nữa, mà chỉ muốn giúp đỡ. Làm được như vậy thì bạn biết mình thực tập đã thành công. Bạn là một người làm vườn giỏi.
129. Hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân.
130. Khi nhìn vào bản thân với con mắt quán chiếu, ta thấy được mình chính là sự tiếp nối của cha mẹ, tổ tiên, ông bà, nền văn hóa dân tộc, văn hóa thế giới, hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội,… Ta có thể thay đổi chính mình để có thể cống hiến cho tương lai những điều tốt đẹp hơn những gì ta đã nhận.
131. Hiểu biết là nền tảng của thương yêu.
132. Hòa bình, hòa giải và hạnh phúc bắt đầu từ chính bạn.
133. Hiểu được gốc cơn giận. Đã phát sinh nơi người. Tâm ta sẽ thanh tịnh. An lành và thảnh thơi.
134. Khi ta thực tập Từ bi quán, ta làm cho thân tâm nhẹ nhàng, thoải mái và an lạc.
135. Hạnh phúc không thể nào có được nếu ta không có tình thương.
136. Muốn làm một nhà tâm lý trị liệu giỏi thì ta phải học nghệ thuật lắng nghe sâu.
137. Lắng nghe với tâm từ bi là phép thực tập rất quan trọng trong đạo Bụt, là phép tu có công năng làm vơi bớt khổ đau cho người, và giúp người vượt qua được những khổ đau ách nạn, phá tan được màn vô minh, vọng tưởng.
138. Nếu ta có hướng đi ý nghĩa cho cuộc sống, hướng đi ấy thể hiện được lòng từ bi của ta, thì ta sẽ biết cách giúp cho chính mình và mọi người quanh mình bớt khổ.
139. Nụ cười giúp cho năng lượng chánh niệm phát sinh và từ đó, giúp ta ôm ấp cơn giận.
140. Thắng thì gây thù, bại thì bẽ mặt; bỏ tâm hơn thua, không còn tranh chấp nữa thì tự nhiên được an.
141. Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ một cái gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù.
142. Từ bi là tình thương đích thực không kỳ thị, vướng mắc, nên không gây khổ đau phiền não.
143. Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương. Nhìn lại để thấy rằng, người đã làm mình khổ cũng đau khổ lắm. Vì họ đau khổ nên họ mới vung vãi khổ đau của họ lên ta.
144. Yêu thương là một nghệ thuật.
145. Bài học quan trọng nhất trong cuộc đời là bài học yêu thương.
146. Tỉnh thức đưa tới khả năng hiểu biết, khả năng thương yêu và một nhân phẩm cao đẹp.
147. Thương có nghĩa là hiến tặng niềm vui.
148. Thấy được nhau, thấy được ước nguyện sâu sắc của nhau thì mình sẽ trở nên tri kỷ của nhau.
149. Nếu trong trái tim của ta có chất liệu của từ bi, ta mới thật sự là con người hạnh phúc.
150. Thực tập nhân từ, đem lòng bác ái mà tế độ chúng sinh thì sẽ thành tựu được mười một điều đáng khen ngợi, do đó, phước và đức sẽ theo mình suốt đời.
151. Người không có khối giận trong tâm thì ai nói gì cũng mỉm cười.
152. Nói “Tôi yêu bạn” có nghĩa là “Tôi có thể mang tới cho bạn sự bình yên và hạnh phúc”. Để làm được điều đó, trước tiên, chính bạn phải là người có được những phẩm chất ấy.
153. Nhờ có cái nhìn rộng rãi, ta trở nên bao dung và có nhiều thương yêu hơn.
154. Lặng lẽ chiên đàn nhả khói thơm. Đỉnh trầm xông ngát ý thiền môn. Lung linh nến ngọc ngời sao điểm. Thanh tịnh trần gian sạch tủi hờn.
155. Nếu không có niềm tin, sự hiểu biết và lòng thương yêu thì cuộc đời sẽ khô cằn và nhiều đau khổ.
156. Hiểu biết và thương yêu làm ra chất liệu của hạnh phúc chân thật.
157. Khi nói một câu hung dữ hay hành động trả thù thì cơn giận càng tăng thêm. Ta sẽ làm người kia khổ và người ấy sẽ tìm cách trả đũa để cho bớt giận. Xung đột vì thế sẽ leo thang.
158. Hành trì giới bất sát chính là bản chất của từ bi.
159. Khi trái tim mình ứa ra được một giọt nước từ bi thì giống như là ta được uống nước cam lộ, mình sẽ thấy lòng nhẹ xuống, bớt khổ.
160. Hãy sống như thế nào mà mỗi hành động trong ngày của chúng ta đều là những hành động của yêu thương.
161. Dửng dưng là thái độ chúng ta cần buông bỏ. Ghét bỏ cũng là thái độ chúng ta cần phải buông bỏ.
162. Có chánh kiến và chánh tư duy thì tự nhiên có tình thương.
163. Em sẽ không bao giờ mất người yêu nếu em sốt sắng với lý tưởng của người yêu.
164. Có lòng từ bi thì không bao giờ làm hại đến mạng sống, lại có khả năng bảo hộ mạng sống, luôn cư trú trong thế giới bất tử và đi đến đâu cũng không gặp tai ương hoạn nạn.
165. Hiểu biết là chìa khóa để mở cửa thương yêu.
166. Đôi khi mình giận cha, giận mẹ, mình không trân quý sự có mặt của cha mẹ. Ngày mai, cha mẹ không còn nữa thì mình tiếc.
167. Dửng dưng là một thế giới buồn thảm.
168. Lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ngôn từ hòa ái là hai khía cạnh thực tập thiết yếu để tái lập truyền thông, phục hồi an lạc và hòa giải trong xã hội.
169. Làm hạnh phúc cho người tức là làm hạnh phúc cho mình.
170. Nhờ tiếp xúc được với khổ đau, lắng nghe khổ đau, ta mới có thể làm phát hiện được những hiểu biết và thương yêu. Hiểu biết và thương yêu là chất liệu làm nên hạnh phúc.
171. Muốn hiểu sâu, ta nên tập nhìn mọi loài với con mắt từ bi.
172. Nếu trong tình thương, chỉ có đam mê ích kỷ, và ý muốn chiếm hữu thì đó chưa thực sự là tình thương.
173. Hãy thôi là nguồn khổ đau cho nhau.
174. Dọc đường em đi, hoa trí tuệ và tình thương sẽ nở, có thể là trên chông gai, nhưng là những bông hoa đẹp nhất của hiện hữu, những cống hiến quý giá nhất của một cuộc đời.
175. Khả năng thương yêu người khác tùy thuận nơi khả năng thương yêu được chính bản thân ta.
176. Dưới cái nhìn của tuệ giác tương tức, không có ai là kẻ thù của ta.
177. Em không thể sống nếu không yêu thương. Em cần được thương yêu như cây lá cần ánh sáng mặt trời.
178. Chúng ta tìm niềm vui cho bản thân và cho người chúng ta thương hăm bốn giờ một ngày chứ không ít hơn.
179. Có tình thương là có đủ hết rồi.
180. Có khi ta có cảm tưởng rằng, cha mẹ không còn thương yêu ta nữa, và ta cũng không còn thương yêu và ân nghĩa gì nữa với cha mẹ; nhưng cảm tưởng ấy chỉ là một cảm tưởng do khổ đau chồng chất quá nhiều trong quá khứ gây ra. Sự thực thì tình thương vẫn còn đó, nhưng nó không phát hiện được nữa, vì biết bao nhiêu tầng lớp của khổ đau, bực bội, hiểu lầm, và oán hận, đã chồng chất trên nó, đè nén lên nó, vì vậy cho nên ta mới có cảm tưởng là nó đã “chết” rồi!
181. Bạn phải thường xuyên đặt mình vào xương, vào da, vào tâm hồn và hoàn cảnh của người khác để có thể hiểu được họ.
182. Cái giận làm tôi xấu.
183. Ba tôi mất đã từ lâu rồi nhưng mỗi ngày tôi có thể nói chuyện được với người, vì tôi biết ba tôi đang có mặt trong từng tế bào cơ thể của tôi. Có một bữa ngồi thiền, tôi thấy khỏe quá, tôi thấy nhẹ nhàng quá, lòng rất bình an, không ước mơ gì hết, không chạy theo cái gì hết. Tôi có hạnh phúc rất lớn. Tôi nói: “Cha con mình thành công rồi. Mình giải thoát rồi. Mình nhẹ nhàng rồi”.
184. Có thể thấy được kết quả của lòng từ bi ngay khi lòng từ bi được phát khởi.
185. Dừng lại hận thù và bạo động là việc lành lớn nhất trong tất cả các việc lành.
186. Đừng la mắng những con chim bé nhỏ. Vì tiếng hát ca cần thiết cho cuộc đời. Đừng ghét bỏ thân thể em. Vì đó là đền thờ linh thiêng của linh hồn nhân loại.
187. Khi thương, ta muốn có hạnh phúc cho ta và cho người ta thương.
188. Hàng rào chia cách giữa các truyền thống tâm linh hầu hết là giả tạo. Đức tin không có ranh giới.
189. Nếu chúng ta hiểu rằng, con người và thiên nhiên không thể tách rời nhau, thì ta sẽ biết cách đối xử với thiên nhiên như đối xử với chính bản thân mình, với tất cả sự cẩn trọng nhẹ nhàng, với tất cả tình thương yêu, không có sự bạo động.
190. Làm lành được lành, cũng như gieo hạt giống ngọt thì được quả ngọt.
191. Làm hạnh phúc cho người, nhưng khi người có hạnh phúc thì tự nhiên niềm vui đó sẽ trở về với ta một cách rất mau chóng.
192. Luật lệ nhiều khi như màn lưới sắt, giam người trong kiếp trầm luân thương đau. Nhưng lòng nhân ái như bàn tay Phật, phá tan địa ngục, đập nát u sầu.
193. Nếu chúng ta chọn đứng về phía này hay phía kia, chúng ta đang mất đi cơ hội để mang đến sự hài hòa bình an chung. Sự hòa giải để đi đến hòa hợp cần đến sự thấu hiểu ở cả hai phía.
194. Lắng nghe trong chánh niệm, lắng nghe với tâm từ bi sẽ đưa tới sự hiểu biết chân thực.
195. Ngày nào ta không bồi đắp cho tình yêu thì ngày đó ta làm cho tình yêu yếu đi.
196. Đừng để tình yêu trở thành một dòng suối khô cạn bởi vì khi đó, sự phụ bạc sẽ tới một cách tự nhiên.
197. Ta không có tiền, không có địa vị và quyền hành trong xã hội nhưng ta luôn có một quyền năng rất lớn là quyền thương yêu.
198. Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ.
199. Tỏ bày thái độ cung kính, tĩnh mặc vô vi, không gây tàn hại đối với các loài chúng sinh, không gây phiền não và nhiễu hại cho bất cứ loài nào, đó là nếp sống phạm hạnh.
200. Với năng lượng chánh niệm, ta có thể nhìn rác và nói: “Ta không sợ. Ta có khả năng chuyển rác thành hoa, chuyển thù hận thành yêu thương”.
201. Tu học tức là làm cho tình thương trong ta lớn lên, nở hoa và vững mạnh.
202. Thực tập thiền giúp ta xóa bỏ thái độ cố chấp, hết bám víu vào những giáo điều, trở nên bao dung, độ lượng, biết hiểu, biết thương sâu sắc hơn, và chuyển hóa được nhiều đau khổ trong tâm, như thèm khát, vướng mắc, kỳ thị, hận thù, nhỏ nhen, ích kỷ, sợ hãi, tuyệt vọng.
203. Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên, như khát thì uống nước.
204. Tôi biết trong lòng em có thương yêu, nhưng bề ngoài em lại có vẻ ngúng ngẳng, bất cần, đôi khi tàn nhẫn nữa.
205. Sự có mặt một cách tươi mát, độ lượng, đẹp đẽ và quảng đại đã là tình thương đích thực rồi.
206. Nếu anh không thương được anh thì anh không thương được người nào khác.
207. Không giết hại sinh mạng, không tán thành sự chém giết. Phải tìm mọi cách có thể để bảo vệ sinh mạng, ngăn chặn chiến tranh và xây dựng hòa bình.
208. Kiên nhẫn là dấu ấn của tình yêu đích thực. Nếu muốn thương yêu bạn phải tập kiên nhẫn.
209. Đừng nói lời thô ác với ai. Khi nói phải thấy được hậu quả của lời mình nói. Lời nói ác nào được phát ra cũng sẽ đem tai họa tới, và gươm giáo sẽ trở về hủy hoại chính thân thể mình.
210. Hoạt động cho hòa bình là phải nhổ gốc rễ của chiến tranh từ chính trong lòng ta.
211. Khi năng lượng của từ bi, của trí tuệ, của chánh niệm khởi dậy rồi, thì chúng ta có thể thay đổi được tình trạng, thay đổi được hoàn cảnh. Thay đổi không phải bằng cá nhân của ta mà thôi, mà bằng cả tâm thức cộng đồng.
212. Cái thấy với cái thương đi đôi với nhau, cái thấy với cái thương là một.
213. Bản chất của Bồ Tát Quán Thế Âm là tình thương. Mà tình thương là cái gì có thật ở trên đời này. Với hình tướng này hay hình tướng khác, là đàn bà hay đàn ông, là em bé hay nhà chính trị, hễ tình thương có mặt là có mặt Bồ Tát Quán Thế Âm.
214. Chúng ta có thể sống 24 giờ một ngày trong thương yêu. Đi, đứng, nằm, ngồi đều là thương yêu cả.
215. Biết thực tập thiểu dục, biết ham muốn học hỏi, không bị lợi lộc thế gian làm mê hoặc, không làm tổn hại đến đức từ bi của mình, như thế thì trên đời ai cũng ngợi khen.
216. Con biết ba má còn đó cho con nên con rất hạnh phúc.
217. Bụt cho chúng ta nhiều dụng cụ rất hữu hiệu để dập tắt ngọn lửa đang thiêu đốt tâm ta. Đó là hơi thở chánh niệm. Đó là bước chân chánh niệm. Đó là thực tập ôm ấp sân hận, quán chiếu tri giác. Đó là phương pháp nhìn sâu vào người đã làm ta giận, để nhận ra rằng, người kia cũng đang đau khổ và cần được giúp đỡ.
218. Đặt niềm tin nơi Bụt tức là đặt niềm tin nơi Phật tánh, tức là nơi khả năng tỉnh thức, giác ngộ và thương yêu nơi chính con người.
219. Bao dung có nghĩa là mở trái tim của mình ra và chấp nhận được tất cả mọi người.
220. Nếu không có hiểu biết thì không có thương yêu và ta sẽ không thể chung sống với mọi người, mọi loài.
221. Phải có niệm, phải có định, phải có tuệ, và phải có tình thương, thì mới có hy vọng thành công trong sự cầu nguyện.
222. Những lúc khó khăn và nguy nan nhất, đòi hỏi nhiều bình tĩnh và kiên nhẫn nhất. Em đừng bực bội, đừng thất vọng, đừng oán trách. Dù sao thì chúng ta vẫn còn là chúng ta, vẫn còn có thể nở được nụ cười.
223. Thương nhau, chúng ta sẽ tìm thấy con đường. Thương nhau, chúng ta sẽ làm nên lịch sử.
224. Ta mang ơn mọi người và mọi loài, ta nguyện đền ơn ấy bằng cách sống một đời sống xứng đáng, có tình thương và có trí tuệ, ta làm tất cả những gì ta có thể làm để giúp đỡ và cứu độ mọi người và mọi loài.
225. Tình yêu là thần dược màu nhiệm có thể chữa lành những thương tích tâm hồn của em.
226. Ý thức là người làm vườn, người làm vườn phải biết điều phục khu vườn của mình, phải biết cày bừa, phải biết nhổ cỏ, phải biết chọn hạt giống, phải biết vun bón, phải biết tưới tẩm thì mới có những hoa trái của hạnh phúc, của thương yêu và của giác ngộ.
227. Tình thương không bao giờ nói rằng đây là lần cuối.
228. Tu là tu cho cha, tu cho mẹ, cho ông bà tổ tiên. Nếu mình có an lạc, có giải thoát, có lòng từ bi, thì tổ tiên, ông bà mình, cha mẹ mình cũng có an lạc, giải thoát và từ bi. Mình là đứa con có hiếu.
229. Phải sống giản dị, và phải biết chia sẻ thời giờ, khả năng và tài vật mình có với những kẻ thiếu thốn.
230. Nếu không còn lòng tương kính thì tình yêu chân thật sẽ không thể bền lâu.
231. Những lời trách móc không đưa đến đâu hết, không xây dựng được gì hết. Chỉ có sự hiểu biết, thái độ ân cần và những lời ái ngữ mới có tác dụng bồi đắp và biến cải mà thôi.
232. Nếu có một chí hướng cao đẹp thì dù nếp sống vật chất của bạn có đạm bạc, bạn vẫn có hạnh phúc rất lớn.
233. Những màu nhiệm của sự sống đang được biểu hiện trước mắt ta trong mỗi phút mỗi giây.
234. Những đau khổ của ngày hôm nay có thể rửa sạch được những đau khổ của ngày hôm qua. Chịu đựng khổ đau trong tình thương và tỉnh thức là một thứ tịnh thủy màu nhiệm có thể xóa bỏ tất cả oán thù trong muôn kiếp.
235. Mỗi hành động, mỗi cái nhìn, mỗi tư tưởng và mỗi lời nói đều có thể thấm nhuần thương yêu và biểu lộ thương yêu.
236. Khi mình có khả năng lắng nghe với tâm từ bi, thì mình sẽ hiểu được nỗi khổ và niềm đau của người khác, lúc ấy, tự nhiên lòng mình êm dịu lại và chất liệu từ bi trong trái tim được phát sinh.
237. Khi yếu tố của thương yêu, của lòng từ bi trong ta được gởi đi, thì đó chính là một sự cầu nguyện.
238. Cuộc đời đáng sống trước hết vì ta có bạn, ta có những người sống chung quanh ta.
239. Càng biết thương yêu, ta càng thấy ta lớn hơn lên. Ta sẽ không còn bị giam hãm trong một cái ta bé nhỏ và ích kỷ.
240. Bụt trong con có đủ hạnh phúc không?
241. Bàn tay của mẹ chính là bàn tay của bạn hôm nay. Nếu có chánh niệm, bạn sẽ nhận ra rằng, bàn tay của mẹ vẫn đang còn sống động trong bàn tay mình. Khả năng thương yêu, dịu hiền của mẹ vẫn còn đó trong bạn ngày hôm nay.
242. Chúng ta cũng không cần đến siêu thị mua quà, cách chúng ta nhìn đã là một món quà rồi. Trong đôi mắt của ta có chứa đựng từ bi.
243. Hành động bất bạo động được sinh ra từ nhận thức về đau khổ, được nuôi dưỡng bởi tình thương và chính là cách hiệu quả nhất để đối đầu với nghịch cảnh.
244. Cái khôn ngoan cần thiết nhất là ý thức về sự quý giá của hạnh phúc, của sự may mắn. Có sự khôn ngoan ấy rồi, em trở nên một người yêu chín chắn và tình yêu sẽ bền vững.
245. Khi nói, chỉ nên sử dụng những lời lành. Như một cái chuông câm, nên chấm dứt mọi tranh luận. Như thế ta sẽ độ đời dễ dàng hơn.
246. Nếu chưa chấp nhận được những người xung quanh, nghĩa là ta chưa chấp nhận được chính mình.
247. Hãy dành thì giờ để viết xuống những ân tình yêu thương.
248. Người nào có khả năng buông bỏ, có khả năng quán chiếu, có khả năng tha thứ và thương yêu là những người hạnh phúc nhất, là những người có khả năng làm hạnh phúc cho rất nhiều người chung quanh.
249. Tâm từ bi phát xuất từ hạnh phúc và hiểu biết. Khi tâm từ bi và hiểu biết được thắp sáng thì bạn sẽ được an toàn.
250. Phải biết ngăn ngừa những kẻ tích trữ và làm giàu bất lương, không kể gì đến đau khổ của những kẻ bị áp bức và thua thiệt.
251. Người nào không biết hiểu, không biết thương, thì không thể có được hạnh phúc.
252. Ta học cách sử dụng thời gian cho thông minh để chế tác thương yêu và hiểu biết, để nói những lời hay ý đẹp gây niềm tin và hy vọng, giúp mọi người biết tha thứ nhau, che chở cho nhau, và biết bảo vệ trái đất.
253. Tình thương đích thực phải có công năng làm cho người được thương có an lạc và hạnh phúc.
254. Qua lời nói, ta có thể bày tỏ lòng thương yêu, không kỳ thị phân biệt, khiến người khác cảm thấy dễ chịu, bình an, thoải mái.
255. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương.
256. Nụ cười trầm tĩnh và thương yêu bao giờ cũng đẹp đẽ và thường tạo nên những phép lạ.
257. Thường biết thực tập phép bất hại, thì suốt đời mình không bị hại. Nếu tiếp tục hành xử với lòng từ bi đối với tất cả, thì sẽ không còn có ai là kẻ thù của mình.
258. Thương nghĩa là hiến dâng hạnh phúc. Thương không có nghĩa là nhốt người kia vào trong nhà tù chiếm hữu.
259. Trong tâm thức ta có rất nhiều nguồn năng lượng lành mạnh như từ bi, hiểu biết, tha thứ, và bao dung… Ta nên trở về vun trồng và tưới tẩm để cho những nguồn năng lượng tốt đẹp ấy trong ta được phát triển mỗi ngày.
260. Phải thấy và hiểu, ta mới có thể có từ và bi.
261. Khi đã cảm thông niềm đau, nỗi khổ của người khác thì bạn không còn có ý muốn trừng phạt nữa, mà chỉ muốn giúp đỡ.
262. Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý, thì họa chăng có làm Ngọc Hoàng Thượng Đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết, Ngọc Hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc Hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.
263. Cái hiểu không thể có được nếu ta không thực tập nhìn sâu và lắng nghe với tâm thương yêu.
264. Giá trị của những công tác xã hội không phải là những vật dụng mà người cứu trợ đem tới, mà đó là cái nhìn, là hai bàn tay và tình thương của người đã chịu đi tới, tiếp xúc với những người kém may mắn.
265. Đôi khi ta chỉ cần nói một câu thôi, người kia cũng đã có thể tươi lên như một bông hoa.
266. Hình hài mà ta tiếp nhận được từ tổ tiên, cha mẹ, ta phải bảo hộ cho lành lặn, khỏe mạnh để trao truyền lại cho con cháu.
267. Không có tình thương, không có từ bi thì ta sẽ rất cô đơn, vì ta không kết nối được với người khác.
268. Nếu người kia không có hạnh phúc thì ta cũng khó mà có hạnh phúc, vậy nên ta làm thế nào cho người đó được an, được lạc, và được hỷ, thì chính ta cũng sẽ được an, được lạc, và được hỷ.
269. Tàn phá sự sống quanh mình tức là tự hủy diệt chính mình, ta làm tổn hại đến lòng từ bi trong tự thân và cướp đi môi trường sống của kẻ khác, của các thế hệ tương lai.
270. Tình thương chân thật có khả năng chuyển hóa và trị liệu.
271. Tình thương vô ngã là tình thương không phân biệt giữa mình và người. Vì vậy, khi mình thương mình được thì mình cũng thương người.
272. Ta và Đất Mẹ không phải là hai thực tại riêng biệt. Đất Mẹ chính là ta, ta là Đất Mẹ. Đất Mẹ không phải chỉ là môi trường. Sống như thế nào để cho Đất Mẹ tiếp tục được xanh tươi, bởi Đất Mẹ khô héo thì ta cũng khô héo.
273. Khi nào anh còn chưa thương được anh thì anh mới chưa thương được kẻ thù của anh thôi.
274. Bụt dạy chúng ta nhiều phương pháp để đối trị cơn giận. Tặng quà là một trong những phương pháp ấy. Khi giận ai, chúng ta hãy tặng cho người đó một món quà. Chúng ta thực tập lòng bao dung và độ lượng.
275. Cơn giận và tình yêu cũng có tính chất hữu cơ, nghĩa là cả hai đều có thể thay đổi.
276. Hạnh phúc chân thật là sự có mặt trong giây phút hiện tại, khả năng tiếp xúc được với những màu nhiệm của sự sống có mặt trong giây phút ấy và khả năng hiểu biết, thương yêu, chăm sóc, và làm hạnh phúc cho những người chung quanh.
277. Thương mà không biết cách thương thì gây thương tích cho người ta thương và gây thương tích cho chính mình.
278. Văn hóa dân tộc chắc chắn là văn hóa của tình yêu. Tình yêu nhân loại, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu tổ tiên. Tình yêu đã nuôi dưỡng chúng ta và sẽ còn nuôi dưỡng chúng ta.
279. Thường lấy lòng từ bi thương xót chúng sinh, tịnh hóa tự tâm như lời Bụt dạy, thực tập tri túc, biết dừng lại lúc cần dừng lại, như vậy là có cơ duyên vượt qua sinh tử.
280. Sở dĩ người là nguồn đau khổ cho người là tại vì người đã thiếu hiểu biết, người đã vô minh, nghĩa là không sáng suốt để trông thấy nhân tính nơi người.
281. Không đổ lỗi cho ai, không tranh cãi, chỉ đơn giản là hiểu. Nếu ta hiểu vấn đề, và thể hiện ra điều đó, ta sẽ luôn có thể yêu thương, và vấn đề đó sẽ được giải quyết.
282. Ai thật sự tu học thì người ấy có cùng một bản chất của tình thương, của chánh niệm, của tuệ giác với Bụt, với Chúa.
283. Khi ta phát khởi một ý nghĩ đầy hiểu biết, thương yêu, bao dung, thì ý nghĩ ấy tức khắc có ảnh hưởng chữa trị đối với thân tâm ta và những người chung quanh mình.
284. Bạn và con bạn là những giọt nước trong cùng một dòng sông của sự sống. Hạnh phúc hay đau khổ của bạn cũng là hạnh phúc hay đau khổ của các con bạn và ngược lại. Vì thế chúng ta phải dốc toàn lực vào việc tái lập truyền thông.
285. Cái quý giá nhất mình có thể cống hiến cho cuộc đời là nụ cười, là sự có mặt tươi mát và màu nhiệm của mình.
286. Nhờ có những tư tưởng từ bi, khoan dung, mà thân tâm mình khỏe nhẹ, con người mình trở thành một khối thương yêu, ai tới gần cũng cảm thấy thoải mái.
287. Nếu cầu nguyện mà không có năng lượng của đức tin và tình thương, thì cũng giống như một đường dây không có điện, hành động cầu nguyện sẽ không đưa tới một kết quả nào hết.
288. Nếu trong trái tim của ta có chất liệu của từ bi thì ta mới thật sự là con người có hạnh phúc.
289. Thương yêu không phải chỉ là ngọt ngào. Thương yêu còn là nỗ lực, nhẫn nhục, can đảm, hy sinh.
290. Tu chẳng qua là học thương. Mỗi ngày thương nhiều hơn một chút là đã tu đúng rồi.
291. Yêu thương là chịu trách nhiệm, là che chở, là lo lắng, là hy sinh; tất cả những thứ đó đều là những yếu tố cần thiết để thương yêu, nghĩa là để thỏa mãn nhu yếu thương yêu, nhu yếu vươn tới đồng nhất với đối tượng.
292. Tình thương là phải có mặt trong khi người kia đau khổ. Cái đó mới gọi là Bi.
293. Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.
294. Chúng ta đang thừa hưởng được cả một gia tài giàu có của giác ngộ, của hiểu biết lớn, và thương yêu sâu; thế nhưng chúng ta vẫn hành xử như thể chúng ta là những người nghèo khó cùng cực. Đã đến lúc, chúng ta cần phải trở về để tiếp nhận lấy kho báu mà chúng ta được trao truyền.
295. Khi mình làm những việc tốt, mang lợi lạc tới cho những người xung quanh, tức là mình đang tạo thân nghiệp lành.
296. Khi cần dịu ngọt thì dịu ngọt, khi cần cay đắng thì phải cay đắng, khi cần mềm dẻo thì phải mềm dẻo, khi cần cứng rắn thì phải cứng rắn, nhưng bất cứ lúc nào lòng ta cũng được hướng dẫn bởi tâm từ bi.
297. Cách chúng ta nói cũng là một món quà, vì những gì chúng ta nói đều có chất liệu nuôi dưỡng, ngọt ngào, giải thoát.
298. Không trừng phạt, không giết hại, không đốt cháy, cũng không mong cầu vượt thắng kẻ khác, biết thương yêu mọi người thì sẽ cảm thấy thoải mái, không còn oán hận.
299. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi.
300. Thiền tập vừa nuôi dưỡng thân tâm, vừa khơi mở cái thấy. Cái thấy đó làm cho hành giả không tham đắm cũng không chán ghét cuộc đời, ngược lại nó làm hành giả an vui, trầm tĩnh, độ lượng, và từ bi.
301. Tư duy có từ bi thì đưa tới hành động có từ bi, tư duy mang chất thù hận sẽ đưa tới hành động thù hận.
302. Nếu ngon thì phải khen ngon, đừng chờ tới khi canh hơi mặn thì nói: Canh hôm nay sao mặn quá! Mình phải học chánh ngữ bằng những lời nói đem lại hạnh phúc cho người thương ngay trong giây phút hiện tại.
303. Thương yêu có liên hệ mật thiết đến hạnh phúc, vì thương yêu chân thật sẽ đưa tới hạnh phúc chân thật.
304. Ta hãy thực tập chánh ngữ, chỉ nói những lời đẹp đẽ, chân thực, thương yêu và mang tinh thần xây dựng. Đó chính là những bông hoa thơm từ trong vườn tâm ta có thể hái tặng cho mọi người xung quanh.
305. Những người có hiểu biết, thương yêu và tự do là những người có hạnh phúc và khả năng ban phát hạnh phúc.
306. Nếu không có đại nguyện thì không có sức sống, nếu không có đại bi thì sẽ không có hạnh phúc. Đại bi và đại nguyện là hai nguồn năng lượng mình phải nuôi dưỡng trong đời sống hàng ngày.
307. Tình thương chân thật chỉ có mặt khi ta thấy rõ được những gì người ta thương cần hay không cần.
308. Nếu các em biết thương yêu và tha thứ thì hồn nước cũng sẽ giật mình, đời chúng ta sẽ lên sức sống, tủi hờn sẽ lắng xuống và niềm kiêu hãnh sẽ vươn lên.
309. Tâm thức của chúng ta chứa đủ tất cả các loại hạt giống, có hạt giống khổ đau nhưng cũng có hạt giống hạnh phúc, có hạt giống của thù hận nhưng cũng có hạt giống của thương yêu.
310. Ta không cần nói thương hay kêu gọi tình thương. Hãy sống như bông hoa, hãy sống như chiếc lá, hãy sống như đám mây. Đó là tình thương đích thực.
311. Nếu tôi thương bạn thành công, tôi sẽ có thể yêu thương tất cả mọi người và tất cả mọi loài trên trái đất.
312. Em nên nhắc em và nói cho người yêu của em biết là em đang sung sướng và may mắn hơn rất nhiều kẻ khác. Để em thận trọng đừng vụng dại làm đổ vỡ những gì quý báu em có trong tầm tay.
313. Là cha, là mẹ, chúng ta phải lắng nghe con cái. Điều này rất quan trọng bởi vì con ta chính là ta, là sự tiếp nối của ta.
314. Chỉ có một cách làm tình yêu bền vững mãi, đó là giữ cho người yêu mãi mãi là nguồn cần thiết và ngọt ngào của mình.
315. Khi người thương của quý vị đang khổ, quý vị nên tới an ủi, vỗ về, bày tỏ sự yêu thương, ân cần và nâng đỡ của mình cho người đó bớt khổ thay vì đem tâm phiền giận để la rầy, trách móc.
316. Không có món quà nào quý hơn là sự có mặt tươi mát của mình cho người thương.
317. Làm sao bạn có thể thương yêu và chăm sóc một ai khác nếu như bạn không biết thương yêu và chăm sóc chính bản thân bạn? Thương yêu chính mình là nền tảng để thương yêu người khác. Vì vậy, ta cần phải học cách chăm sóc thân thể, cảm thọ và tri giác của mình.
318. Phải làm thế nào để trái tim của mình ngày càng lớn, để có thể bao dung được những người mình không ưa, những người không hợp với mình.
319. Trong mỗi chúng ta đều có hạt giống của tài năng, của tình thương và của hạnh phúc. Nếu các hạt giống ấy được nuôi dưỡng, được tưới tẩm hằng ngày thì không những ta có được hạnh phúc mà còn mang lại hạnh phúc cho người khác.
320. Hy vọng là điều rất quan trọng, nó giúp cho hiện tại bớt khắc nghiệt.
321. Thấy được ta, hiểu được ta, thì ta mới có thể thương ta được. Thấy được người, hiểu được người, thì ta mới có thể thương người được.
322. Từ bi có nhiều mặt, từ bi có thể được tỏ lộ dưới nhiều hình thức, có khi là ngọt ngào, có khi không ngọt ngào, nhưng không ngọt ngào không có nghĩa là không thương.
323. Trong cô đơn, bạn mới trân quý trọn vẹn sự có mặt của người kia.
324. Ta nên thực tập ôm ấp khổ đau với lòng từ bi và trực tiếp nhìn sâu vào bản chất của nó để khám phá cho được chân tướng đích thực của nó và khi hiểu được rồi, thì con đường thoát khổ sẽ hiện rõ ra trước mặt.
325. Tình thương chân thật không bao giờ là sự yếu đuối. Đại bi là đại dũng. Đại từ cũng là đại dũng.
326. Tin tức có thể được truyền đi xa vạn dặm trong nháy mắt, nhưng tại sao truyền thông giữa chúng ta, giữa cha và con, giữa chồng và vợ thì lại rất khó khăn? Nếu không thiết lập được truyền thông giữa ta và những người khác thì không thể nào có được hạnh phúc.
327. Khi ta bắt đầu biết chăm sóc ta và thương yêu ta thì năng lượng của Từ và của Bi mới bắt đầu có thật.
328. Nếu quan hệ của ta gặp khó khăn là vì ta đã nuôi quan hệ ấy bằng tâm trách móc, giận hờn, mà không phải bằng tâm thương yêu.
329. Đất Mẹ không chỉ là môi trường, đất Mẹ là chúng ta. Nhìn bằng tuệ giác tương tức đó, tất cả những gì chúng ta làm vì lợi ích của đất Mẹ sẽ mang lại sự an cho chính ta.
330. Nếu tình yêu mà mang dáng dấp của đau ốm, của u sầu, của sự chết, thì đó là triệu chứng của một sự phá đổ. Như tình yêu mà khiến cho ta yêu đời, hăng hái, can đảm, cường tráng, biết hy sinh, thì sự xây dựng đã hiện diện!
331. Chỉ cần một sự lắng lòng, chỉ cần một sự trở về, là lòng ta lại tràn ngập yêu thương, và ta lại tìm thấy nguồn hạnh phúc.
332. Có bốn thứ ngôn từ đáng mến: thứ nhất là trình bày được sự thật một cách đẹp đẽ, thứ hai là thuyết pháp, thứ ba là nói lời ái ngữ, thứ tư là nói lời thành thật không dối trá.
333. Gia tài quý giá nhất cha mẹ truyền lại cho con không phải là tiền bạc, của cải, mà chính là hạnh phúc của cha mẹ.
334. Ta đứng nhìn Bụt như một vị thần linh. Bụt là một con người như ta, nhưng là một người có nhiều hiểu biết và thương yêu, có thể hiến tặng niềm vui cho người và giúp người bớt khổ.
335. Tình thương chân thật cần nhiều can đảm bởi đó là một cam kết để làm vơi đi nỗi khổ và hiến tặng niềm vui đến cho mọi người.
336. Ít ham muốn, bằng lòng với một nếp sống giản dị và lành mạnh để có thì giờ sống sâu sắc từng phút giây của sự sống hàng ngày và chăm sóc thương yêu cho những người thân, đó là bí quyết của hạnh phúc chân thật.
337. Trong tình thương chân thật không có chỗ đứng cho sự tự ái. Nếu tự ái có mặt thì tình ấy chưa phải là chân tình.
338. Tình yêu phải nương vào điều kiện mà hiện hữu. Ngày nào em không bồi đắp cho tình yêu thì ngày đó em làm cho tình yêu mòn yếu.
339. Con mình chính là sự tiếp nối của mình, con mình cũng chính là mình. Trong tình mẹ con, con là mẹ, mẹ là con. Hai mà là một. Tình thương ấy là tình thương không phân biệt chủ thể và đối tượng.
340. Sự kỳ thị, thiếu bao dung, thiếu độ lượng, và sự đàn áp là do tri giác sai lầm, thiếu hiểu biết, và thiếu từ bi đưa tới.
341. Khi ta còn khước từ bản thân ta, khi ta còn mỗi ngày làm hại bản thân ta thì ta đừng nói đến chuyện thương yêu và chấp nhận những người khác.
342. Phải quán từ bi để giải tỏa oán thù, và phát tâm hoan hỷ đối với những người đã gây nên tâm niệm sân hận và oán thù của mình, ngay sau khi tâm niệm ấy phát sinh. Nên lấy con mắt từ bi để nhìn mọi người.
343. Người có từ bi có thể hy sinh thân mạng của mình để cứu độ chúng sinh.
344. Tâm từ bi phát xuất từ sự hiểu biết. Khi nhận thấy rằng người ấy chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh thì ta không còn chê trách, phê phán hay buộc tội nữa. Người ấy không đáng bị trừng phạt. Người ấy cần được giúp đỡ.
345. Trong chúng ta, không ai không có khả năng tỉnh thức, hiểu biết và thương yêu.
346. Tình thương đang là động lực thúc đẩy bạn học cho giỏi, làm việc cho siêng năng. Trong cuộc đời, ta phải phấn đấu. Nhưng ta phải biết được lòng ta, ta phải có một ý niệm thật rõ ràng về hạnh phúc, đừng tin tưởng một cách mù quáng rằng chỉ khi nào có danh vọng, quyền hành, tiền bạc và sắc dục thì ta mới có hạnh phúc.
347. Trong đạo Phật, lòng từ bi không chỉ ôm lấy con người mà còn ôm lấy các loài động vật, thực vật, và khoáng vật nữa.
348. Phải lấy bệnh mình mà thương bệnh người. Nếu không có bệnh, mình sẽ không thấy được, không hiểu được những đau khổ của những cơn bệnh.
349. Nỗi cô đơn của con người chỉ có thể biết mất một cách tuyệt đối khi con người thấy mình sống trong hòa điệu lớn của vũ trụ, nghĩa là hiểu biết tất cả và thương yêu tất cả.
350. Không gì có thể dập tắt cơn giận bằng tâm từ bi. Do vậy, thực tập từ bi là một phép thực tập rất màu nhiệm.
351. Chúng ta ai cũng có hạt giống từ bi, và nhờ thực tập quán chiếu “thương người như thể thương thân”, ta triển khai những hạt giống này thành những nguồn năng lượng dồi dào.
352. Kẻ sĩ biết thực tập từ bi sẽ không đi lạc vào tà đạo, được sống an lành và lắng dịu, được chư thiên bảo hộ, bởi vì ai có trí tuệ đều yêu thích lòng từ.
353. Bồ Tát lắng nghe Quán Thế Âm phải là một con người thật mà không phải là một ý niệm. Khi bạn biết lắng nghe một người với tâm từ bi để giúp cho người kia được nói ra những niềm đau nỗi khổ, thì lúc đó bạn chính là Bồ Tát Quán Thế Âm.
354. Hãy tôn trọng sự khác biệt của kẻ khác và sự tự do nhận thức của họ.
355. Hài hòa là làm thế nào để có tình thương, làm thế nào để có sự hòa điệu giữa mình và người mình thương, giữa mình và gia đình mình, giữa mình và xã hội mình. Đây là một yếu tố khác của hạnh phúc.
356. Chúng ta có thể thực hiện hòa bình ngay trong giờ phút hiện tại, bằng cái nhìn hiểu biết, bằng nụ cười, bằng những lời từ ái và những hành động thương yêu.
357. Không biết xót thương thì con người không thể là con người. Vì vậy, những nỗi khổ đau do lòng xót thương đem lại là những khổ đau cần thiết và có lợi ích lớn.
358. Thực tập nhẫn nhục, bao dung, cốt là làm sao cho trái tim ta ngày càng lớn hơn. Muốn được như vậy, chúng ta phải tập hiểu, tập thương.
359. Chúng ta phải xử sự như một người làm vườn. Người làm vườn còn có khả năng tiếp xúc, nhận diện, gieo trồng và tưới tẩm những hạt giống tốt.
360. Nếu ta có thể loại bỏ tri giác sai lầm, thì bình an và hạnh phúc sẽ phục hồi và ta có thể lại thương yêu người khác.
361. Vũ trụ cười khi hai mắt em cười.
362. Anh là tôi và tôi là anh, anh không thấy sao, rằng chúng ta tương tức, anh nuôi dưỡng đóa hoa trong tim anh để cho tôi xinh đẹp, tôi chuyển hóa rác phiền não trong tôi để cho anh không phải nhọc nhằn.
363. Thương yêu là kính ngưỡng, là bảo vệ, là không xâm phạm. Kính ngưỡng và bảo vệ, đó là tình tôi.
364. Tiếng nói thương yêu sẽ cứu chúng ta.
365. Mỗi phút giây tôi học làm người yêu chân thật. Mỗi phút giây tôi làm phát hiện chân tình.