Tại sao có những người luôn được người khác trân trọng nhưng ngược lại lại có người luôn bị đối xử tệ hại? Đừng đổ lỗi cho kẻ đối xử tệ hại với ta. Là ta đã đối xử thế nào với bản thân mình vậy?
Có một hiện tượng tâm lý được gọi là “hiệu ứng cửa kính vỡ”. Từ một thí nghiệm năm 1969, khi người ta để hai chiếc xe giống hệt nhau ở hai khu phố. Một trong hai chiếc tháo biển số và mở trần xe và nó bị đánh cắp ngay lập tức. Chiếc còn lại không ai lấy dù để đó cả tuần. Và khi người ta dùng búa đập một lỗ lớn trên cửa kính chiếc xe ô tô đó thì nó cũng bị đánh cắp chỉ sau vài giờ. Điều tương tự xảy ra khi một hình vẽ graffiti xuất hiện trên một con phố nếu người ta không xoá đi, những bức tường lân cận cũng sẽ bị bao phủ rất nhanh bởi những hình vẽ lộn xộn. Ở một nơi sạch sẽ, mọi người sẽ rất ngại xả rác. Nhưng nếu chỉ cần một nơi có nhiều rác trên mặt đất, mọi người sẽ không còn ngại ngần mà vứt rác.
Là thế! Là ta để mình tệ đi nên kẻ khác cũng đối xử với ta tệ đi vậy. Mọi người vốn chỉ làm theo những gì họ thấy ở mình thôi mà. Mình không giữ được tôn nghiêm nên mình hay gặp người cợt nhả. Mình tệ đến đâu, đời tệ đến đó.
Mình đừng bỏ mặc mình nữa được không? Trân trọng lại mình đi. Bằng dọn dẹp lòng mình cho sạch sẽ, lấy lại những tôn nghiêm. Là mình phải tự thôi, đừng mong ai giúp mình. Đối đãi với mình cho tốt, nghiêm khắc với mình hơn đi, đừng thế nào cũng được. Những người luôn gặp người tôn trọng họ không phải vì họ may mắn gặp đúng người đâu. Mà là bởi họ như những khu phố sạch sẽ, tự khắc mà không ai dám xả rác vào họ. Và họ cũng dọn rác trong họ mỗi ngày thay vì cứ lười biếng để đó. Họ giữ tôn nghiêm bằng việc tôn trọng bản thân mình cũng như tôn trọng bất cứ ai họ gặp, bất kể kẻ đáng ghét hay đáng thương. Rời đi cũng là một sự tôn trọng nhau mà. Họ tuyệt đối không ném rác vào kẻ khác ngay cả khi họ bị ném rác.
Chúng ta vẫn cứ hay đổ lỗi kiểu đời sao ta vậy. Để rồi đời tệ ta cũng tệ theo. Rồi làm đời mình tệ hại. Hôm nay, mình đừng bỏ mặc mình nữa được không?
(Tác giả Hoàng Anh Tú)