VÔ NGÃ LÀ NIẾT BÀN
Tác giả: HT. Thích Thiện Siêu
Sau đây là những ghi chép của chúng con khi đọc tác phẩm “Vô ngã là Niết Bàn” của Hòa thượng. Kính cầu nguyện cho tất cả chúng sinh đều được sự gia hộ của Hồng Ân Tam Bảo, ai ai cũng sống vô ngã, từ bi, trí tuệ - Ai ai cũng hạnh phúc, ai ai cũng chứng được Niết Bàn an vui!
1. Phật giáo là nền đạo lý dẫn dắt chúng sanh đến giác ngộ giải thoát, do đức Phật dày công tu luyện khám phá rồi dạy lại cho chúng sanh…. Phương pháp: Chánh đạo, nhằm dứt trừ khổ đau và nguồn gốc của khổ đau là Tham, sân, si, chấp ngã, chứ không để cho sa ngã vào lối sống hưởng lạc, cũng không theo đuổi lối khổ hạnh, ép xác.
2. Con người nào cũng đều cấu tạo bằng bốn đại đất nước gió lửa. Con người nào cũng có những tâm lý tốt, những tâm lý xấu. Ở người nào cũng có những hành động tốt, hành động xấu.
3. “Không ai làm cho anh cao thượng, cũng không ai làm cho anh thấp hèn, mà chỉ có hành động của anh làm cho anh cao thượng hay thấp hèn mà thôi!”.
4. Con đường thoát khổ, cốt tủy là: Trí tuệ giải thoát, từ bi, bình đẳng, vô ngã, vị tha.
5. Phương tiện (hình thức) hỗ trợ cho cứu cánh (giải thoát).
6. Dân tộc và sự gắn bó giữa đạo Pháp và dân tộc.
…Mỗi câu chuyện như Tấm Cám,… đã nói lên mỗi khía cạnh bế tắc của cuộc sống đều có Bụt hiện ra, giúp cho giải quyết.
7. Cửu huyền thất tổ đây là ai? Chính là các bậc tiền bối trong đó có các chiến sĩ anh hùng hữu danh và vô danh của chúng ta, đã sanh ra và chết đi trên mảnh đất này, chứ không phải ai đâu xa lạ. Họ đã sanh và đã chết, nhưng nhờ họ mới có ta, và cả sự nghiệp, phong tục, giang sơn, tín ngưỡng, văn hóa mà ta thụ hưởng trong ngày hôm nay, đều do bàn tay khối óc, con tim của họ gây dựng nên… Vậy thì, trong khi thắp ba nén nhang, tụng kinh tưởng niệm cho họ được siêu thoát, đồng thời chúng ta cũng phải đem bàn tay khối óc con tim giữ gìn vững chắc sự nghiệp của họ để lại, có như thế thì ý nghĩa báo hiếu của chúng ta mới được trọn vẹn.
8. Sự sống thật là bấp bênh, nhưng cái chết lại là rất chắc chắn.
9. Chọn cách chết nghĩa là chọn cách sống. Muốn chết cho thanh tịnh, nhẹ nhàng, được mọi người thương mến, phải chọn lấy cách sống hiền lành, đạo đức, ích lợi cho mình, cho gia đình và tất cả những người khác.
10. Sống hiền lành là thế nào? Không làm khổ mình, không làm khổ người.
Sống đạo đức, theo lẽ phải, sống thế nào để đem lại an vui, hoan hỷ, không gieo rắc tai họa, khiếp hãi; biết sống thế nào để đem lại hân hoan cho kẻ khác chứ không sống mà đem lại sự e dè, sợ sệt cho người. Luôn tạo dựng cuộc sống cho mình và người. Sống là giúp đỡ, yêu thương nhau, xây đắp cho nhau. Nhẫn nhịn là yêu thương. Quên đi cái ngã của bản thân mình thì mới có thể sống an lạc với quần chúng.
11. Ngược lại với lối sống hiền lành, là:
+ Buông xuôi, lêu lổng, lười biếng, cờ bạc rượu chè, say sưa đắm đuối, ỷ lại buông thả cuộc đời mình theo con đường xấu xa, hẹp hòi tối tăm, không có lợi ích. Sanh tâm đảo điên, xấu xa độc ác, phỉnh gạt, lấy của người khác về làm của mình, sát hại người, không biết sự đau khổ của người khác chính là sự đau khổ của mình.
+ Không có đạo đức, không có lý tưởng, không có nhân nghĩa. Sống với tâm tính nhỏ hẹp, xấu xa, vị kỷ, làm những việc độc ác để bồi bổ cho béo cái thân mình, nói những lời độc ác để thu lợi về mình, phỉnh gạt, lừa đảo, giết chóc, không tôn trọng tài sản, sự sống của kẻ khác. Chiếm đoạt tài sản của người, giết hại người thì đâu có lợi gì cho mình?
+ Tất cả tội lỗi, cũng vì thiếu hiểu biết! Họ Không hiểu được chân lý mà Đức Phật đã dạy:
- “Ai cũng sợ gươm đao, ai cũng sợ sự chết, vậy hãy lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết, chớ bảo giết”
- “Ai cũng muốn xa tránh điều khổ, ai cũng muốn có hạnh phúc. Vậy hãy lấy lòng mình suy lòng người, đừng gây điều khổ cho người khác, đừng phá hoại hạnh phúc của người khác”;
- “Ai cũng có gia đình, thân nhân muốn bảo bọc, muốn duy trì hạnh phúc được tốt đẹp. Vậy thì đừng phá gia đình, đừng phá thân nhân của người khác”;
-“ Ai cũng muốn của cải của mình được trọn vẹn yên ổn, vậy hãy lấy lòng mình suy lòng người, giữ gìn của cải của người khác, đừng xâm phạm, đừng gian tham, đừng bóc lột, đừng cướp giật”.
Vì ít người hiểu điều đó, nên đời sống đa phần gây nhiều tội lỗi, xấu xa, ít đem lại niềm vui cho mình, cho người, mà gieo rắc xấu xa, gieo rắc khổ đau, gieo rắc rối loạn cho mình, cho người, và cho gia đình.
+ Tất cả tội lỗi, cũng vì cái Ngã, cái bản Ngã, cái Tôi không thật có; tâm trí bệnh hoạn, hẹp hòi, vô minh, điên đảo.
12. Cái tên ta chỉ là một danh từ suông, nhưng khi ta cố chấp vào nó là ta phải bị khổ lụy theo nó. Rồi thân ta, chỉ cấu tạo từ đất nước gió lửa, đâu có ở mãi với ta muôn đời muôn kiếp? Vậy mà do ngu si thiếu trí, cứ ngỡ nó là của mình! Nên ai động vào là không xong rồi! Phải đảo điên, phải mưu thù, tính toán trả thù! Lại có lý thuyết trả thù 10 năm chưa muộn! Trời đất ơi! Cố chấp vào cái Tôi không có thật này, mà chúng sinh phàm phu điên đảo vì nó! Khổ đau vì nó! Tạo nghiệp vì nó! Luân hồi sanh tử theo nó!
13. Chúng sanh chìm nổi trong bể khổ luân hồi, ngập tràn tham, sân, si, tật đố, ngã mạn! Bể này có phải ai cũng thích ở trong đó? Không! Có những con người tinh hoa muốn bứt phá, vươn lên, thoát khỏi ngục tù bể khổ này!
14. Con đường thoát khỏi trầm luân khổ? - Dứt trừ Tham, Sân, Kiêu Mạn, Tật đố, Ganh tị! Ai tát cạn được bể ái, người ấy thoát hẳn khỏi bể trầm luân! Ai không tát cạn bể trầm luân, thì người ấy chìm đắm trong luân hồi sanh tử!
15. Tu là cải sửa tâm mình. Mỗi ngày bỏ đi một ít những tính ích kỷ, hung ác, thô lậu, xấu xa, nhỏ nhen nơi mình. Ai đó mắng chửi, nhục mạ ta, đánh đập ta: Ta mãi mãi không hận họ! Ta vượt lên những thứ nhỏ mọn, lặt vặt hàng ngày. Không cố chấp, không níu kéo, không dính mắc, không sa lầy vào những điều làm cho tâm ta tiêu cực, khổ đau, căng thẳng. Đức Phật dạy chúng ta lối sống phóng khoáng, giải thoát khỏi tất cả nỗi khổ niềm đau như thế, mà chúng ta không học theo, không làm theo, thì đời chúng ta sao giải thoát? Tu tập theo Đức Phật, đời chúng ta sẽ giải thoát từng phút giây! Làm được như thế, ta là hạng người làm vui mình, vui người!
16. Đời người như gió qua! Thân người như hạt sương mai! Vô thường, cái chết có thể đến với mỗi con người trong từng phút giây, vậy thì tại sao, ta tiêu tốn thời gian tranh cãi, hơn thua, bóc lột, đánh nhau, giết hại nhau, làm khổ nhau làm gì? Gặp nhau là duyên tốt, không làm cho mối quan hệ tốt đẹp lên, nghĩa là ta đã tạo duyên xấu. Duyên tốt đưa ta tới an vui. Duyên xấu đưa ta xuống khổ đau. Ta học Phật, hiểu rõ như vậy, chúng ta nguyện chỉ sống làm vui mình, vui người, giải thoát cho mình và người, báo ơn Đức Phật, cha mẹ, quốc gia, sư trưởng, xã hội! Đời ta vô cùng ý nghĩa!
17. Đạo binh ma: Phiền não ma, ngũ ấm ma, tử ma, thiên ma. Ai chiến thắng sẽ làm Phật!
18. Đức Phật thấy rõ chúng sinh có ba hạng căn cơ, nhưng bình đẳng nơi Phật tánh.
19. Bố thí diệt tận lòng tham mới gọi là Bố thí đích thực!
20. Tứ Thánh đế:
+ Khổ: Sanh, già, bệnh, chết, sầu bi, ưu não, oán gặp nhau, ái biệt ly, cầu không được! Năm thủ uẩn là khổ. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là khổ.
+ Lý do sanh khổ: Ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia, tức là dục ái, hữu ái, vô hữu ái.
+ Lý do Khổ diệt: Đoạn diệt, ly tham, không có dư tàn khát ái, quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không chấp trước.
+ COn đường đưa đến Khổ diệt: Con đường 8 chánh đạo!
21. Nhận cho ra cái khổ của người cũng là cái khổ của mình: Khổ đế đích thực
22. Trước mọi hoàn cảnh, trước mọi sự việc, bình tĩnh quan sát, bình tĩnh tìm nguyên nhân, không hốt hoảng.
23. Khi được khen, khoan sung sướng đã, vì nếu hân hoan trước lời khen đó, thì các người sẽ bị hại, bị chìm đắm. Khi bị chê trách cũng chớ buồn phiền, vì buồn phiền cũng bị chìm đắm.
24. Khi nghe khen chê, các ngươi nên sáng suốt, bình tĩnh nhận định điều đó đúng với chúng ta hay không đúng với chúng ta.
25. Người nào nhẫn được, thì thắng cho mình và người. Người nào không nhẫn được, thì người đó hại cả hai.
26. Phải trừ diệt bản ngã trước, mới trừ diệt được cái tham.
27. Ta thường nhìn nhận vấn đề dựa trên cái ngã của mình.
28. Chấp ngã đi liền với vô minh, nên còn tạo nghiệp, còn sinh tử luân hồi.
29. Ngã giả, phân biệt giả, đối đãi giả.
30. Vạn vật tướng có, tánh không.
31. Như hòn núi vững chắc, không bị gió lay, cũng vậy, tiếng thị phi không làm lay động người có trí. Người có trí là người đã giác ngộ lý duyên sinh vô ngã.
32. Một người phát tâm trở về bản tính chân thật thì mọi sự phân biệt ngã chấp đã chấm dứt hết, chẳng còn tồn tại.
33. Nếu gạn lọc cái tướng sai biệt, chỉ còn cái thấy không thôi, thì cái thấy đó “Nhất như bình đẳng”. Hiểu biết này làm nền cho hiểu biết vi diệu: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh! Tất cả chúng sanh nếu tu thiện giống như Đức Phật, cũng sẽ đến ngày thành Phật!
34. Tôn kính tha nhân chính là kính sự hiểu biết nơi mình!
35. Muốn thoát khỏi sân, si, tật đố, phải tu pháp nhu hòa, nhẫn nhục.
+ Nại oán hại nhẫn: Nhẫn trước lời sỉ nhục thù hằn, chuyên gây khó khổ của người khác với mình.
+ Kham thọ khổ nhẫn: Nhẫn đối với vật vô tình làm ta khổ mệt: Nóng lạnh, đói khát;
+ Vô sanh pháp nhẫn: Nhẫn cao nhất vì biết các pháp vốn vô sanh. Các pháp vốn không thật. Không thật thì sao còn chấp thật có, để rồi tham muốn nó, khổ đau vì nó, u mê vì nó?
36. Từ bi không phân biệt. Giảng nói pháp không phân biệt. Tôn trọng không phân biệt.
37. Đức Phật ở trong tất cả, Ngài không xa rời chúng sanh, nhưng Ngài đã hết mê hoặc, đã giải thoát, và viên mãn lòng từ bi cứu độ chúng sanh!
38. Quá khứ xây dựng trên ngã chấp chỉ là quá khứ xấu xa. Hiện tại xây dựng trên ngã chấp chỉ là hiện tại hẹp hòi. Tương lai xây dựng trên ngã chấp chỉ là tương lai tăm tối.
39. Nếu xây dựng trên nền trí tuệ vô ngã, thì cả ba thời đều là tốt đẹp, sự tốt đẹp của một tâm cảnh giải thoát giác ngộ, phổ cập lợi lạc cho tất cả quần sanh như một vị Phật đại từ, đại bi, đại giác ngộ!
40. Hãy làm mọi việc lành, tu tập mọi công đức với tâm thật trong sạch, không chấp ngã, không chấp nhân, không chấp chúng sanh, không chấp thọ giả, ắt chứng được vô thượng Bồ đề! (Kinh Kim Cang)
41. Phá ngã chấp là tạo công đức lớn lao, đem lại giải thoát cho mình và tha nhân, tiến tới ngày hoàn toàn viên mãn, không còn mảy may vọng tưởng tạo nghiệp luân hồi và gây đau khổ cho ai, đây là từng bước trọn thành Đạo quả!
42. Tâm phải vắng bặt tham ái, tri kiến hẹp hòi cố chấp, mới có thể vào biển pháp của Phật!
43. Tâm phải xa rời thói quen tự tôn, áp đảo người khác; tự ti, không dám bỏ những tập tính vị kỷ hẹp hòi – khi đó, mới có thể thênh thang bước trên đường an vui, đường giải thoát!