LỜI DẠY CỦA HÒA THƯỢNG VIÊN MINH
1. Thầy vui chia sẻ đạo
Con vui sống pháp thiền
Tuy cách xa ngàn dặm
Đạo Pháp vẫn vô biên.
2. Mỗi chúng ta đều muốn cuộc sống tốt đẹp hơn, hoàn hảo hơn theo ý mình, vì vậy làm sao tránh khỏi phát sinh xung đột với quan niệm hoàn hảo của người khác…
3. Hạnh phúc không đồng nghĩa với sung sướng, cũng không phản nghĩa với khổ cực. Sướng và khổ chỉ là hai mặt của bất hạnh. Vì vậy, mưu cầu hạnh phúc trong sung sướng sẽ không tránh khỏi khổ đau…
4. Cảm thấy yếu đuối tự ti là đúng, sao phải cố gắng vượt qua. Những cảm xúc hay ý niệm khởi lên đều để giúp bạn hiểu mình hơn, nên cảm ơn chúng mới phải. Muốn mình được hoàn hảo nhưng không trải nghiệm để thấy ra sự bất toàn và nguyên nhân của nó thì chẳng bao giờ hoàn hảo được.
5. Vì tất cả là vô thường, nên hãy để cho mọi kinh nghiệm của thân và tâm đều trôi qua, đừng giữ lại dấu vết nào cả. Kinh nghiệm chỉ làm tăng trưởng bản ngã mà thôi.
6. Có thể đằng sau tình thương yêu ẩn chứa mầm thù hận, đằng sau sự khiêm tốn ngấm ngầm tính tự cao, đằng sau sự nhu mì đã sẵn sàng tâm hung hãn, đằng sau nụ cười tươi có thể là lòng nham hiểm,v.v… Chỉ cần thấy ra hai mặt của Bản Ngã để không bị nó lừa là được.
7. Tình yêu thật sự là quý giá nhất trên đời. Giá trị của tình yêu ở nơi chính nó, chứ không ở nơi đối tượng mà nó muốn tìm cầu. Bạn có nhận ra điều đó không?
8. Hạnh phúc thật sự không lệ thuộc vào người khác, vào điều kiện hay hoàn cảnh bên ngoài, mà là đóa hoa vô ưu này chỉ nảy nở trong tận cùng sâu thẳm của một tâm hồn có thể vượt qua muôn vàn phong ba bão tố.
9. Trí thức không bằng trong sáng, tài năng không bằng chân tình, tiền của không bằng thanh bạch, sắc đẹp không bằng hiền thục, lo tính không bằng sẵn lòng. Kiến thức, tài năng, tiền của, sắc đẹp không cần thiết là bao cho tình yêu thương và phục vụ, trái lại có khi nó còn là trở ngại nữa.
10. Hãy bắt tay vào đời sống một cách chân thành và thiết thực. Hãy làm những điều cần thiết, giản dị và cởi mở. Hãy tự giúp mình, giúp người một cách thiết thực với khả năng sẵn có. Không buông trôi hờ hững cũng không làm quá sức mình, hoặc làm những điều không cần thiết.
11. Cứ mải mê thỏa mãn và bất mãn với những chọn lựa thích và không thích nên đã bỏ quên chính mình. Thực ra, lựa chọn nào cũng giống nhau vì gốc của tất cả các lựa chọn vẫn là chính mình. Không tự hiểu mình, tức bỏ gốc theo ngọn, dù chọn lựa điều gì cũng không bao giờ vừa ý.
12. Chẳng ai muốn gần gũi kẻ xấu ác, trừ phi đủ khả năng tiếp cận để giúp họ cải thiện. Tôn trọng kẻ xấu như một con người không có nghĩa là tôn kính họ. Nếu ai vững vàng có thể ở lại giúp họ chuyển hóa bằng chính phong cách sống lương thiện của mình, còn nếu thấy gần họ dễ bị ô nhiễm tạm thời nên tránh xa.
13. Khi thích một điều gì, đương nhiên gặp phải đối lực từ những người không thích điều ấy. Do đó, vấn đề không phải thích hay không thích mà có thấy ra Sự Thật hay không. Khi đã thấy Sự Thật, dù người khác không chấp nhận đó là Sự Thật cũng không sao.
14. Chấp nhận những gì đang xảy ra để thấy Sự Thật chứ không phải để tích lũy kinh nghiệm. Trở về trọn vẹn với chính mình cũng để thấy ra Sự Thật chứ không phải để được thực hiện bản ngã.
15. Xét cho cùng chẳng có gì bất công cả, vì trong phúc có họa, trong họa có phúc, trong được có mất, trong mất có được, v.v.. Luật cân bằng trong vũ trụ vẫn luôn được thể hiện.
16. Đạo đức là do mỗi người tự nhận ra chứ không phải khuôn mẫu để đem ra quy chiếu. Sự thật không phụ thuộc vào bất kỳ hệ quy chiếu nào vì nó chỉ như nó đang là chứ không tuân theo quan điểm của các học thuyết.
17. Ngồi thiền thì ngồi sao cũng được và đừng quan tâm tới thời gian, bởi vì quan tâm tới thời gian chính là mong đợi một kết quả - nghĩa là luôn bất an. Nếu tâm thực sự tĩnh lặng thì cả ngồi lẫn thời gian đều không còn ý nghĩa gì cả.
18. Ai cũng muốn mọi chuyện đều như ý hay ít nhất cũng phải kết thúc êm đẹp, nhưng biết đâu rằng cuộc đời này được lập trình không êm đẹp, không như ý để mỗi người thấy ra sự thật về chính mình và cuộc sống.
19. Không nên tạo ra một thói quen để rồi bị ràng buộc trong đó, nên có một tâm hồn trầm tĩnh trong sáng và linh động để biết ứng xử thích hợp với mọi hoàn cảnh.
20. Không cần cố gắng thay đổi người khác, chỉ cần thương yêu và thông cảm thì họ sẽ tự chuyển hóa. Khi cần nhắc nhở nên khéo léo giúp họ tự ý thức hơn là chỉ trích. Dù là sai không ai muốn bị chỉ trích cả, chính chỉ trích là sai lầm trầm trọng nhất.
21. Trình độ nhận thức càng thấp, càng nghĩ ra những chuyện cao siêu. Trình độ nhận thức càng cao, càng rõ ràng minh bạch, với những sự việc hết sức bình thường. Nhưng chính trở về với cái giản dị bình thường ấy mới thực sự là Đạo.
22. Làm vợ làm chồng chẳng cần biết do duyên hay do chọn, biết đâu do duyên mà chọn, hoặc do chọn mà duyên. Điều cần biết là cả hai vợ chồng có học được bài học phát huy trí tuệ và đạo đức hay không thôi.
23. Khi tâm bình, dù bên ngoài có là gì cũng không bị ảnh hưởng. Còn nếu tâm không bình, đừng mong bên ngoài được như ý.
24. Thiền không tách rời cũng không đồng hóa với bất kỳ trạng thái nào, dù đó là thiên đàng, cực lạc, hay địa ngục, mà thiền là thái độ sáng suốt, định tĩnh, trong lành để có thể ung dung tự tại trong bất kỳ trạng thái nào.
25. Sinh ra trên đời không phải để đòi công bằng mà để thấy bất công. Chính những bất công ấy giúp mỗi người thấy ra chính mình và bản chất cuộc sống, nhờ vậy mới phát huy được trí tuệ và đạo đức.
26. Mục đích của cuộc sống chính là thấy cả hai mặt thành công và thất bại, hạnh phúc và khổ đau để có thể ung dung tự tại giữa những bước thăng trầm. Chỉ khi thấy rõ cả hai mặt lợi và hại mới có sự chuyển hóa.
27. Hạnh phúc chỉ có trong tâm hồn mỗi người, không bao giờ có trong cuộc đời. Đừng đồng hóa hạnh phúc với sự thỏa mãn, vì thỏa mãn và bất mãn thường hoán đổi nhau như hai mặt của một đồng xu. Muốn thỏa mãn như ý mình đương nhiên phải đối đầu với bất mãn!
28. Chướng ngại lớn nhất chính là “cái Tôi” nơi bạn. Nó chỉ biết làm sao có lợi cho mình mà không thấy nguyên lý vận hành của sự sống. Cho nên nó luôn phản kháng cái không thích và đòi được vừa lòng. Thái độ lăng xăng ấy đã tạo ra bất an trong khi chính “cái Tôi” luôn muốn được bình an.
29. Học hỏi là hoạt động đầy hứng thú, là khám phá mọi sự luôn mới mẻ. Luôn bắt đầu từ không biết gì cả, chứ đừng bắt đầu bằng kiến thức đã tích lũy được. Cái mới mẻ không bao giờ là cái đã biết. Hãy viết lên trang giấy trắng những vần thơ vô ngôn đầy cảm hứng và sáng tạo, rồi để gió cuốn đi không để lại dấu tích gì.
30. Người nào chịu thiệt thòi về vật chất là người được ưu thế về mặt tinh thần. Người hiếu thắng chứng tỏ sự yếu hèn nhu nhược. Người khiêm cung chứng tỏ nội lực thâm hậu.
31. Đừng quá bận tâm đến hạnh phúc ở tương lai, vì hạnh phúc chỉ có ngay đây và bây giờ nơi chính mình.
32. Năm tháng vẫn qua đi
Nhưng mỗi ngày một mới
Chỉ có nỗi sầu bi
Ôm niềm đau đã cũ.
33. Khi còn căm ghét điều ác tức vẫn còn chưa thấy ra hết bản thân mình. Nếu biết trở về tự lắng nghe, chiêm nghiệm lại chính mình một cách trọn vẹn thì sẽ có lòng thông cảm và bao dung.
34. Đời sống xã hội luôn có hai mặt như thăng trầm, vui khổ, được mất, hơn thua… Chính là để con người có cái nhìn toàn diện (bất nhị) mà thấy ra bản chất của chính mình và cuộc sống chứ không phải để chọn mặt này bỏ mặt kia rồi rơi vào cái nhìn phiến diện, một chiều (nhị nguyên).
35. Cứ đặt ra mục tiêu, cứ phấn đấu để từ đó học ra nhiều bài học từ cuộc đời, đồng thời phát huy trí tuệ và những phẩm chất cao quý đang tiềm ẩn nơi chính mình. Nản chí và phiền não, hay hứng thú thỏa lòng đều chỉ là những sự kiện để qua đó thấy ra sự thật nơi chính mình và cuộc sống. Thấy ra sự thật mới là mục tiêu tối hậu của đời sống.
36. Con cứ hỏi nhưng đừng chờ đợi câu trả lời của Thầy, bởi có khi trong yên lặng, câu trả lời sẽ tự đến trong con. Như vậy, có khi tốt hơn ngàn lần câu trả lời của Thầy.
37. Đừng tìm biết quá nhiều thứ bên ngoài để không còn biết mình đang như thế nào.
38. Thiền không phải là lập đi lặp lại ngày này qua ngày khác một phương pháp nào đó để “Cái Ta” được an toàn, mà thiền chỉ là khám phá chính mình trong các mối quan hệ với đời sống bên ngoài để không còn bị “cái Ta” ảo tưởng đánh lừa nữa.
39. Nguyên tắc đạo đức cơ bản nhất của thương trường là không cá lớn nuốt cá bé, người khôn lợi dụng người dại, mà là sự trao đổi nhu cầu thiết yếu của đời sống cho nhau một cách công bằng. Nhiều người văn minh đến nỗi quên mất đạo đức giản dị và cơ bản này rồi!
40. Sự sống là đa chiều gắn kết chặt chẽ với nhau và luôn biến động không ngừng. Vì vậy, không thể tìm giải pháp hoàn hảo cho một vấn đề, khi chưa khám phá ra được nguyên nhân rốt ráo của tất cả các vấn đề trong cuộc sống.
41. Hãy học bài học cuộc đời với trình độ của mình, không nên đua theo những mẫu người lý tưởng để rồi mặc cảm tự ti hay tự tôn. Không có cái sai thì ta không thể nhận ra cái đúng, vì chỉ có cái đúng từ chỗ nhận thức ra cái sai, chứ không thể bắt chước theo cái đúng lý tưởng. (Đoạn này, theo ý của chúng tôi, Hòa thượng dạy thế này: Nếu ta máy móc học đòi theo một hình mẫu mà không hiểu tại sao họ làm thế, thì trong quá trình rập khuôn theo họ, ở hoàn cảnh của mình, khác họ, ta sẽ gặp phải nhiều trục trặc, nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề mới. Lúc ấy, nếu mình không có sẵn một nền tảng kiến thức, tư duy chuẩn mực, mình sẽ không thể giải quyết được vấn đề một cách rốt ráo. Cuối cùng, mình chỉ rập khuôn bề ngoài một cách mong manh, hình tượng ấy, thần tượng ấy đổ vỡ bất cứ lúc nào).
42. Tuy cần quan tâm đến mọi người nhưng cũng đừng quá bận tâm đến mối quan hệ bên ngoài. Thực ra, chúng không ràng buộc bạn mà chính bạn tự ràng buộc mình trong ước mong có những mối quan hệ hoàn hảo. Không có sự hoàn hảo trong mối quan hệ, chỉ có sự hoàn hảo trong tâm bạn mà thôi.
43. Luôn cảm thấy trống rỗng và vô nghĩa là đúng, vì mọi thứ trên đời đâu có ý nghĩa như mình mong muốn. Ý nghĩa duy nhất của đời sống là giúp cho con người thấy ra sự thật mà thôi. Chỉ cần trở về trọn vẹn tỉnh thức nơi thực tại thân – tâm – cảnh mới không còn chán chường, vô nghĩa nữa.
44. Nếu bạn cứ bắt chước theo người khác mà không tự mình thấy ra sự thật, dù có tốt cũng chỉ là đạo đức giả mà thôi.
45. Người tự do ở trong đoàn thể vẫn tự do. Người không tự do thì dù ở một mình cũng vẫn tự cô lập. Vậy vấn đề không phải là ở trong hay ở ngoài một tổ chức hay đoàn thể, mà vấn đề là tâm bạn có tự do hay không?
46. Tự do là ung dung trong ràng buộc. Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau.
47. Của Trời trả cho Đất
Bàn tay luôn mở ra
Cho đi nào có mất
Mất vì giữ cho ta.
48. Không có sự bình an trong cuộc đời mà chỉ có sự bình an trong tâm hồn. Đừng trách đời, trách người, cũng đừng tự trách mình. Quan trọng là thấy ra được chính mình dù trải qua bao nhiêu gian khó. Cuộc đời là bài toán khó mà đáp số không thể tìm thấy trong đó vì nó chỉ có trong lòng mỗi người.
49. Sự màu nhiệm của cuộc sống chính là mỗi người được tự do lựa chọn bài học qua cách sống của mình. Nhưng dù lựa chọn cách nào rồi cũng phải qua bài học nhân quả của pháp mới thấy ra Sự Thật.
50. Không phải đời đáng chán
Chỉ tại lòng chán đời
Không vọng cầu ảo tưởng
Thực tại thật tuyệt vời.
51. Ngồi yên không can thiệp
Mới biết việc nên làm
Lăng xăng muốn áp đặt
Chỉ biểu hiện lòng tham.
52. Không có phiền não nào theo bạn cả, đó chỉ là ảo tưởng bạn tự buộc vào thôi. Giống như người sợ ma tưởng ma bu quanh mình, còn người không sợ dù có ma xung quanh cũng thấy bình thường.
53. Càng ước mơ hạnh phúc
Càng thấy nhiều khổ đau
Cả hai đều mộng ảo
Đâu có khác gì nhau.
54. Chỉ nên sợ lòng mình phức tạp
Hơn là sợ lòng người rắc rối.
55. Không muốn làm gì chưa hẳn đã xấu. Khi ngoài xã hội ai cũng đấu tranh, cũng lăng xăng tạo tác không ngơi nghỉ, khiến ngày càng căng thẳng, bất an, xáo trộn, thì một giây phút hoàn toàn độc lập tự do, ngơi nghỉ, an bình thật quý giá vô cùng. Sao lại cho đó là tiêu cực, sai xấu?
56. Đời sống hiện tại của mỗi người đã bao hàm toàn bộ thông tin về quá khứ và tương lai của người ấy. Người đi con đường nào sẽ đến đích đó nên tương lai là những gì họ đang tạo trong chính đời sống này.
57. Một học sinh muốn thoát khỏi bài toán khó, cách duy nhất là giải bài toán ấy, chứ không phải muốn không có nó trong bài tập của mình.
58. Sớm muộn gì bạn cũng sẽ nhàm chán thành tích đã đạt được, bởi vì cái gì có sinh tất có diệt, cái gì có được từ lòng tham sẽ không bao giờ thỏa mãn, và lòng tham ấy sẽ tiếp tục tìm cầu cái chưa có.
59. Gặp khó khăn cứ vui lòng nhẫn chịu ắt sẽ thấy gánh nặng lại trở nên nhẹ nhàng. Phản kháng lại khó khăn tức phản kháng lại chính mình. Hãy chiêm nghiệm để thấy ra chân lý đó.
60. Hãy can đảm đối diện với sự thật, vì chỉ có sự thật – dù nghịch ý – mới giải thoát chúng ta ra khỏi ý nghĩ sai lầm của chính mình.
61. Bồ Tát khi chưa hoàn toàn giác ngộ có khi phải đọa cả vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh,…, phải trải qua vô số sai lầm đủ thứ để học ra toàn bộ sự thật mới giác ngộ được. Nếu các Ngài chỉ biết THIỆN không thôi thì khó có thể giác ngộ toàn bộ sự thật ở đời.
Nhiều người cứ nghĩ rằng chỉ cần đạo đức là giác ngộ, trên thực tế, người sống rất ư đạo đức vẫn khó có thể giác ngộ, nhưng người giác ngộ thì luôn có đạo đức.
62. Trong thời kỳ Tượng Pháp như hiện nay, Phật là hình ảnh biểu tượng cho Tánh Giác, còn Bồ tá biểu tượng cho những đức tính xuất phát từ Tánh Giác, như Trí Tuệ, Từ Bi, Hỷ, Xả,… Chúng sinh tượng trưng cho những phiền não, tham, sân, si… Bồ tát cứu độ chúng sanh có nghĩa là chính những đức tính Trí Tuệ, Từ Bi, Nhẫn Nại… nơi Tánh Giác của mỗi người giúp chuyển hóa phiền não của họ thành giác ngộ giải thoát.
63. Hãy yêu cho đến chết rồi sẽ giác ngộ, hơn giả bộ làm “thầy tu” để chết trong ảo tưởng! Nếu chưa hoàn toàn giác ngộ về tình yêu thì cứ yêu cho đến chết may ra mới giác ngộ tình yêu là gì, còn hơn vừa muốn yêu, vừa sợ khổ. Có thể mong chờ một tình yêu giới tính không có khổ đau được sao?
64. Sám hối là để tâm trở lại thanh tịnh trong sáng chứ không phải để chạy tội. Đã gieo nhân thì phải gặt quả để học ra bản chất cái đúng cái sai, cái tốt cái xấu. Vì vậy, sám hối thật sự phải là hành động biểu hiện sự chuyển hóa trong nhận thức do đã thấy ra được nguyên nhân lầm lỗi chứ không phải do lo sợ hậu quả của nó.
65. Nên chỉ thương yêu chứ không can thiệp. Can thiệp và khai thị là hai chuyện khác nhau. Khai thị là chỉ bày cho đối tượng thấy ra sự thật, còn can thiệp là bắt đối tượng phải làm theo ý mình. Người đạt đạo tuy khai ngộ cho đời nhưng không động gì đến đời cả. Vì người ấy biết rõ chúng sinh đang tự học chân lý qua nhân quả nghiệp báo của chính họ, dù làm sai xấu thì cũng chỉ có nhân quả ấy mới có thể dạy họ thấy ra sự thật để tự điều chỉnh nhận thức và hành vi nơi họ mà thôi.
66. Dù tình yêu thương cao khiết nhất đến đâu vẫn đứng sau trí tuệ. Vì khi yêu thương không hẳn có trí tuệ, nhưng khi có trí tuệ thì liền có lòng yêu thương.
67. Từ bi không phải là ra tay cứu vớt người ác vào thiên đàng. Đó là Bi không Trí. Đem người ác vào thiên đàng đó là tình thương dung tục của kẻ ngu, vì hậu quả tất nhiên là… thiên đàng dậy sóng. Từ bi của bậc Trí là chỉ khai thị cho người ác biết rõ nguyên nhân đau khổ mà họ tự làm ra. Nhưng ngay cả việc khai thị cũng phải tùy căn, tùy duyên chứ không phải bất kỳ ai cũng khai thị được.
68. Một người biết rèn luyện cơ thể và tâm hồn cho tốt thì có thể không bệnh, nhưng lại khó mà giác ngộ vì đang củng cố một cái “Ta” lý tưởng. Ngược lại một người nhiều bệnh tật có thể nhờ thế mà mau giác ngộ, và giác ngộ xong bệnh tiếp, nhưng bấy giờ anh ta không còn khổ nữa.
69. Sao lại mong muốn gia đình đầm ấm khi biết đời vô thường, khổ và vô ngã? Nếu mọi chuyện đầm ấm thì làm sao giác ngộ được bản chất không như ý của cuộc đời? Khi nào thật sự thấy ra cuộc đời là vô thường, khổ đau và vô ngã thì mới có thể sống ung dung tự tại giữa cuộc đời thăng trầm dâu bể này.
70. Ở đâu phát sinh phiền não, thì ngay đó phiền não chấm dứt, vì vậy đừng tìm kiếm đâu xa mà chỉ trở về nơi chính mình để thấy ra sự tương tác giữa mắt – tai – mũi – lưỡi – thân – ý với sắc – thanh – hương – vị - xúc – pháp. Đó chính là thấy ra nguyên lý vận hành của sự sống nơi chính mình.
71. Khi sinh – diệt được nhìn qua khái niệm và thời gian thì thấy có sinh – diệt, nhưng khi không còn khái niệm và thời gian thì sinh diệt cũng chính là không sinh – diệt. Điều này chỉ có thể thực chứng, không thể suy luận được.
72. Tùy phước của mỗi người có thể được gặp bậc thiện tri thức hay không và khi gặp vị ấy có hợp duyên hay không mới được. Không nên bỏ công đi tìm thiện tri thức mà cần thường chánh niệm tỉnh giác để tìm ra chính mình. Nếu người học Pháp trình độ căn cơ non kém thì dù gặp các bậc thánh hiền cũng không học được gì ở họ. Ngược lại, người có trình độ căn cơ thâm hậu thì có thể học hỏi từ bất cứ đối tượng nào.
73. Nếu ai biết ngồi xem tất cả hạnh nghiệp nhân quả của các chúng sinh bên trong chính mình đang hoạt động như thế nào mà chỉ thấy biết như thị, tức đang chịu khổ thay cho tất cả những chúng sinh ấy và đang độ chúng được giải thoát rồi đó.
74. Vị thầy chỉ là người trợ duyên chút ít thôi, chính PHÁP mới là vị thầy cao quý và vĩ đại nhất luôn ở trong mỗi người. Tuy nhiên, quan trọng hơn hết vẫn là người học trò. Người học trò biết học, biết hành, biết chứng ngộ mới là niềm vui của PHÁP, của PHẬT và của những vị Thầy.
75. Không có ranh giới cho người giác ngộ. Họ có thể ở trong bất cứ hàng ngũ nào, Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo, Bà La Môn, Hồi Giáo, v.v.. hay không ở trong hàng ngũ tôn giáo, chánh trị, phe phái nào cả. Ai có thể sống và thể nghiệm đời sống bằng chính sự trong sáng, chân thực, trọn vẹn và an nhiên tự tại nơi chính mình là người ấy giác ngộ hoặc đang đi trên đường giác ngộ.
76. Cái biết của trí tuệ qua thấy biết trực tiếp khác xa với cái biết của lý trí qua kiến thức gián tiếp. Kiến thức có được nhờ học hỏi qua chữ nghĩa còn trí tuệ lại nhờ biết trở về trọn vẹn trong sáng với thân tâm mà sáng ra. Trí tuệ chỉ chiếu sáng lúc tâm không bị che lấp bởi những kiến thức đầy khái niệm chữ nghĩa. Vì vậy, đừng “thiền” như một cố gắng để đạt được hiểu biết của lý trí hay sở đắc của ham muốn, mà tâm càng rỗng lặng trong sáng thì trí tuệ càng phát huy.
77. Tâm hồn của mỗi người vốn rỗng lặng và hồn nhiên, chỉ khi nào nghĩ rằng “ta đã biết” thì liền không còn hồn nhiên chất phác nữa. Đừng lựa chọn lấy bỏ theo quan niệm chưa chắc chắn của mình mà tốt nhất là có đủ sáng suốt, định tĩnh, trong lành để học ra bài học giác ngộ trong mọi tình huống khi duyên pháp đến như thị.
78. Bước nhảy từ ý thức tục đế qua trực nhận chân đế là mấu chốt trong tu học đạo Phật. Nếu không thì cứ mãi lăng xăng trong khuôn khổ đạo đức tục đế, khó mà giác ngộ được sinh tử đại sự. Không thoát khỏi vòng kim cô của bản ngã lý trí nên dù có tu lên tột đỉnh tam giới thì vẫn trong ngôi nhà lửa của vô minh, ái dục, phiền não khổ đau.
79. Hạnh phúc là biết thưởng ngoạn vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống, chứ không phải chọn cho mình một cái đẹp lý tưởng để đạt tới và sở hữu. Nếu một người chọn một vẻ đẹp lý tưởng để mong sở hữu, thì người đó sẽ thấy tất cả những cái khác còn lại đều là đau khổ. Phải nhận thức được rõ điều này, nếu không sẽ bị cuốn trôi theo những ảo tưởng.
80. Pháp tròn đủ ngay đây
Chỉ cần lắng nghe lại
Tánh biết chính là thầy
Là quán âm tự tại.
81. Hãy đau khổ cho đến tận cùng đi! Bởi vì bản ngã không đau khổ đến chỗ tột cùng thì không thể nào giác ngộ giải thoát. Không phải bản ngã được giải thoát, mà được giải thoát khỏi bản ngã ảo tưởng.
82. ĐỘ nghĩa trong nhà Phật là đưa tất cả chúng sinh qua khỏi bờ mê đến bến giác. Nhưng thật ra, tất cả chúng sinh ở đây chính là các tâm bất thiện Sinh, Hữu, Tác, Thành ở nơi mỗi người đang tạo ra sông mê biển khổ, sinh tử luân hồi, nên mỗi người phải tự mình soi đường, dẫn lối để đưa những chúng sinh si mê lầm lạc ấy trở về với tâm Không Sinh, Không Hữu, Không Tác, Không Thành. Đừng hiểu lầm là cứu độ chúng sinh bên ngoài mà hoài công vô ích.
83. Trong kinh Tứ Niệm Xứ, Đức Phật dạy thấy thân – thọ - tâm – pháp như nó đang là, bao gồm cả tham – sân – si – khổ - lạc – xả, v.v.. chính là thấy thực tánh. Không phải mong đừng có tham – sân – si để thấy thực tánh của các pháp nào khác. Thấy tham – sân – si như nó đang là – không phải cho là, nghĩ là – mới thấy được thực tánh.
84. Tâm yên chưa chắc đã thanh tịnh, nhưng tâm thanh tịnh thì yên hay không yên đều thanh tịnh.
85. Có trí tuệ mới tự nhiên có từ bi. Cố hành động từ bi. Mà thiếu trí tuệ thì chỉ hại mình hại người mà thôi. Trước hết soi sáng lại chính mình mới là gốc, còn việc giúp người là ngọn. Như Đức Phật cũng phải tự giác mới giác tha. Gốc ngọn phải đầy đủ mới có thể đơm hoa kết trái cống hiến cho đời.
86. Tu học không phải đi tìm một cõi giới thanh tịnh nào khác, mà chỉ là sự thanh tịnh ở nơi tâm mỗi người. Thật ra, chỉ có sự thanh tịnh ngay trong nhận thức và hành vi chứ không có sự thanh tịnh ở nơi nào khác. Vì vậy mới có câu “Tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh” – khi tâm thanh tịnh thì ngay đó chính là cõi Phật.
87. Một khi đã thiết lập mối quan hệ thì luôn có tin và không tin đi kèm. Tin và không tin đều xuất phát từ sự sợ hãi: Sợ không an toàn, sợ sự biến đổi, sợ không như ý mình, sợ sự mất mát, thất bại, sợ đau khổ, sợ bị chê cười, sợ bị phản bội, v.vv.. Vì lựa chọn thường dựa trên cái tốt, cái xấu, cái thích, cái ghét, nên bản thân sự lựa chọn vốn đã bất toàn.
88. Năng lực lớn nhất của người tu là có thể chịu được sự rỗng không – không cần một năng lực nào cả! Thay vì cố tu luyện để tìm cầu sở đắc một năng lực lý tưởng nào đó thì người chân tu buông hết mọi nỗ lực mong cầu trở thành bất cứ thứ gì, dù với đức tin tha lực hay với khả năng tự lực.
89. Cứ khổ nữa đi may ra mới thấy được thực tánh của khổ là gì! Điều kiện tất yếu, không thể thiếu để giác ngộ giải thoát là thấy khổ. Được khổ để thấy rõ thực tánh khổ vốn vô thường, vô ngã là may mắn lắm đó! Vậy hãy mỉm cười với khổ đi, đừng trầm trọng như thế!
90. Ái dục chỉ được loại trừ khi thấy ra sự khổ, vì vậy KHỔ là một sự thật rất màu nhiệm có khả năng đánh thức cơn mê của cái Ta ảo tưởng. Chưa thấy khổ thì vẫn chưa thực sự giác ngộ được Sự Thật.
91. Những điều Đức Phật truyền dạy là cốt lõi, nhưng đó chưa phải là tất cả những gì Ngài biết, cho nên người nào chỉ tin vào giáo lý mà Đức Phật dạy thôi vì cho rằng đó là tất cả, thì khó thấy pháp giới mênh mông. Còn người nào tưởng những điều Phật dạy là chưa đủ, còn cần tìm kiếm sở tri qua lý trí thì khó thấy được cốt lõi của chân lý.
92. Làm cha mẹ tức là giúp các con được tự do phát triển theo thiên hướng của chúng, chứ không phải áp đặt mong ước của mình lên cuộc đời các con. Vì vậy, làm cha mẹ cũng là thiền, cũng cần cẩn trọng chú tâm quan sát, lắng nghe và cảm thông tâm tư và nguyện vọng của con trẻ, từ đó phát hiện ra khả năng và thiên hướng của chúng, để có thể hỗ trợ chúng một cách phù hợp. Nếu ai thông suốt được đạo lý trong thử thách này thì cũng tiến rất xa trên con đường giác ngộ.
93. Nghe pháp thoại để thấy ra sự thật, không phải ghi nhớ để áp dụng giáo điều. Nếu chưa thấy sự thật, quên đi càng tốt, nhưng ngay khi trải nghiệm thực tế thì liền nhớ ra. Ngược lại, cố ý nhớ để ôm giữ kiến thức sẽ trở thành sở tri chướng. Khi đã thấy ra sự thật, không cần nhớ, nhưng không bao giờ quên, vì sự thật đã quá hiển nhiên.
94. Tu học đúng hướng thì tâm tự định, tinh tấn chánh niệm tỉnh giác đúng mức thì tự động sống vô ngã, vị tha.
95. Bất kỳ ai sống hướng thượng, vị tha, trong sáng, chân thật và thanh tịnh, người ấy đang theo Đạo Phật, đang quy y Tam Bảo, đang giác ngộ chân lý, cho dù họ chưa chính thức làm lễ quy y, hay không đứng trong hàng ngũ Phật giáo. Nhiều người tỏ ra lo ngại mai đây Phật giáo sẽ không còn tồn tại. Nhưng hãy tin rằng chân lý sẽ luôn hiện hữu ở bất cứ nơi đâu, cho những ai có mắt để thấy, có tai để nghe, và có tâm hồn để thể hội.
96. Nếu có chán nản, hãy lắng nghe trong yên lặng tuyệt đối “đây là chán nản”. Nếu có khổ đau, hãy lắng nghe trong yên lặng, yên lặng tuyệt đối “đây là khổ đau”… Khi nào thấy như thực khổ đau phát sinh như vậy, an trú như vậy, hủy diệt như vậy, tự nhiên sẽ thoát ly đau khổ. Tuy rằng chúng vẫn đến và đi nhưng không bao giờ có thể chi phối tâm được nữa.
97. Không phải sống trong thực tại để tránh khổ đau mà để thấy ra ngay ở đó toàn bộ sự thật về chính mình và cuộc sống. Khó khăn thật nhưng không có cách nào khác, vì mọi cách khác càng khó khăn hơn.
98. Thiền là soi sáng trong tự tri, tự giác. Thiền không bắt chước, bắt chước thì không phải là thiền.
99. Không cần phải luyện Yoga, Thiền định hay Thái cực quyền tới mức thâm hậu nào đó mới khả dĩ đối phó với đời. Bao lâu còn cầu viện tới một sở đắc nào, một điều kiện nào, một trang bị nào, một kiến thức nào, thì vẫn còn hướng ngoại cầu huyền, hay ít ra vẫn còn bị nô lệ bởi những triền phược do chính những sở đắc ấy tạo nên. Ai rồi cũng sẽ phải đối phó với đời bằng hai bàn tay trắng, hay bằng những gì có sẵn mà thôi. Vũ khí của mỗi người chỉ là sự giản dị. Giản dị nên không có vấn đề. Không có vấn đề mới sáng suốt, trong lành và tĩnh lặng.
100. Có một vị thiền sư đã nói rất chính xác: “Tâm không, Tuệ chiếu” – tức khi tâm rỗng lặng trong sáng thì trí tuệ tự chiếu. Lúc đó, tuệ tự chiếu nên tâm tự giác ngộ, chứ có “cái Ta” bản ngã nào có giác ngộ được đâu. Tánh biết sẵn có nơi mỗi người tự giác ngộ, đâu phải là “Ta” giác ngộ.
101. Trong tục đế cần phấn đấu để đạt được mục đích, trong chân đế lại buông bỏ mọi mục đích mới giác ngộ thực tại. Sống Trung Đạo là vẫn nhiệt tình trong tục đế nhưng không chấp thủ bất kỳ điều gì. Nếu không, dù có an trú trong chân đế vẫn còn chấp thủ.
102. Ở đời cô đơn thật là bất hạnh, nhưng trong Đạo thì cô đơn là điều kiện tất yếu để trở về thầm lặng khám phá chính mình. Khi thật sự trở về trọn vẹn với chính mình mới thấy ra cô đơn là tuyệt diệu, vì chỉ khi cô đơn đến tận cùng thì tâm mới thật sự mở ra vô lượng. Ngược lại, khi cố tìm nơi nương tựa bên ngoài thì tâm liền bị ràng buộc trong những mối quan hệ nhỏ hẹp nên rất dễ bị tổn thương.
103. Khoan nói tới thương yêu ai khác, trước hết phải biết thương yêu chính mình. Hãy rải tâm từ cho chính mình, lắng nghe và thông cảm với những nỗi đau bên trong để giúp thân tâm được mát mẻ, dịu dàng. Sự trầm tĩnh, nhẫn nại sẽ giúp tâm nhẹ nhàng, thanh thản, ngọt ngào, hiền dịu. Sự ngọt ngào ấy sẽ lan tỏa ra xung quanh làm môi trường sống trở nên thật êm đềm, thanh thản.
104. Khi không còn ảo tưởng về cái Ta thì tâm tự nó trọn vẹn với thực tại đang là, đó gọi là chánh niệm. Sự sống là những chuỗi diễn biến liên tục không bao giờ dứt, và chánh niệm vô vi, vô ngã, cái thấy biết tự nhiên không qua khái niệm ấy cũng không bao giờ dứt. Nếu niệm (thấy biết) mà bị chấm dứt thì đó không phải là chánh niệm, mà là niệm qua khái niệm, chưa phải cái thấy trọn vẹn với thực tại đang là.
105. Nên khám phá sự thật một cách lặng lẽ vô ngôn hơn là tìm định nghĩa tiêu chuẩn trên ngôn từ sáo ngữ. Chỉ thấy sự thật như nó đang là, đừng vội kết luận gì cả. Những từ như Phật Tánh, Chân Tâm, Bản Thể, Thanh Tịnh… chỉ tạo ra những quan niệm, những chủ thuyết không thực để rồi tự giam hãm nhận thức trong những kết luận khô chết nên không thể thấy được mọi sự, mọi vật một cách mới mẻ và sáng tạo được. Đó chính là lý trí bóp chết trí tuệ vậy.
106. Nếu một người nhận ra hạnh phúc đã sẵn có ngay tại đây và bây giờ thì người ấy sẽ không cần phải lang thang tìm kiếm, còn người nào chưa thấy ra thì sẽ cứ đi, đi mãi, nhưng rồi người đó sẽ lại trở về! Vì tất cả những gì người đó đang tìm kiếm đều bất toàn và không hoàn hảo, nên người đó chắc chắn sẽ trở về với cái hoàn hảo đang là ngay đây và bây giờ.
107. Ngộ rồi chẳng thấy có ngộ chi
Tâm, Pháp đều không, biết ngộ gì
Chỉ thấy ngay đây “là” như vậy
Không dừng, không đến, cũng không đi.
108. Đối mặt với sự cô đơn là một thử thách lớn trên đường giác ngộ giải thoát. Về phương diện tâm lý, khi còn lệ thuộc vào người khác thì vẫn chưa thực sự tự do, chưa thong dong tự tại được, nên Đức Phật đã dạy không nương tựa, không bám víu vào bất kỳ điều gì ở đời. Khi biết trở về trọn vẹn với chính mình sẽ thấy sự cô đơn thật màu nhiệm biết bao!
109. Nên tập quan sát và tư duy đúng đắn về bản thân và cuộc sống để phát hiện cái sai trong nhận thức và hành vi của mình chứ không nên rập khuôn theo cách nghĩ của người khác. Tự mình thấy sai và không làm sai nữa, tức là đúng chứ không nên bắt chước cái đúng của người khác mà mình chưa thật sự nhận ra hoặc thấu hiểu.
110. Chính vì trong quá khứ thiếu thận trọng và chú tâm quan sát nên đã để lại những vùng mù, những lầm lạc trong ký ức. Không thể giải quyết những gì đã xảy ra trong quá khứ, mà chỉ giải quyết bằng cách thận trọng, chú tâm vào hiện tại mà thôi. Trọn vẹn trong sáng với hiện tại thì quá khứ và tương lai đều được giải quyết ổn thỏa.
111. Nhẫn là sự bình thản trong lòng, còn ứng xử bên ngoài thì tùy lúc nên nói, nên dừng, hay nên im lặng. Quan trọng là thấy ra sự thật để ứng xử sao cho đúng pháp, im lặng đúng pháp, nói năng đúng pháp. Và điều quan trọng hơn nữa là nhẫn để thấy ra sự thật, để giác ngộ giải thoát chứ không phải nhẫn chỉ để được bình an.
112. Các nghi lễ cúng bái, thờ tự, cầu kinh, tụng niệm, nhang đèn, chuông mõ cũng có những lợi ích nhất định nào đó, nhưng hầu hết lại dễ dàng trở thành những ràng buộc mà Đức Phật gọi là giới cấm thủ. Chúng sinh tự khởi vọng mà trói buộc chính mình, cho nên tu học chỉ là cởi bỏ những trói buộc ấy ra thôi.
113. Đạo chẳng thể chỉ học bằng thân, bằng tâm hay bằng trí. Không thể tách riêng cái toàn thể rồi chỉ ngộ một phần là đủ, vì chỉ có giác ngộ trong sự tương giao giữa tâm lý, sinh lý và vật lý, giữa nội và ngoại, chứ không thể giác ngộ đơn phương hay phiến diện.
114. Quan sát cuộc đời giống như xem một cuốn phim, có thể thấy được diễn biến và ý nghĩa của cuốn phim nhờ biết không có mình trong phim, nên không khổ vui theo những nhân vật trong đó. Nhưng nếu ai tự đồng hóa mình với nhân vật trong phim thì ngay đó cũng sẽ vui buồn chìm đắm theo họ. Ngã và vô ngã cũng vậy, nếu thấy pháp là ngã thì sẽ trầm luân theo pháp, nếu thấy pháp chỉ là pháp thì còn ai để trầm luân khổ não nữa đâu.
115. Trong đau khổ vẫn có thể sống với một tâm hồn cao thượng, với một tình yêu vượt ngoài giới hạn nông cạn của khái niệm “chồng tôi”, “con tôi” để vươn tới một chân trời vô hạn. Hãy sống trọn vẹn với chính mình để không còn lệ thuộc vào bất kỳ mối quan hệ ràng buộc nào. Có như thế mới cảm nhận được ý nghĩa thật sự của hạnh phúc, của tự do.
116. Không cần xác định đúng hay sai trên khái niệm, chỉ ngay nơi sự kiện mà thấy ra sự thật để điều chỉnh nhận thức và hành vi. Hữu ý và vô tư, hữu ngã và vô ngã, tục đế và chân đế v.v… là hai mặt của đời sống. Trung Đạo là thấy cả hai mà không chấp bên nào. Đó chính là ý nghĩa của sự điều tiết quân bình giữa động và tĩnh, hữu và vô trong Thất Giác Chi.
117. Sự thật luôn có mặt ở khắp mọi nơi, những gì mắt đang thấy, tai đang nghe… đều là sự thật, là chân lý. Vì chưa thấy sự thật luôn có mặt ngay tại đây và bây giờ, tức còn vô minh, nên mỗi người mới khởi tâm tìm kiếm để đạt được chân lý. Nhưng chỉ cần sống trên đời vài chục năm thôi, ai cũng sẽ phát hiện ra rằng tất cả những gì đạt được rồi cũng sẽ nhàm chán. Vì cái cho là “đạt được” ấy chỉ là ảo tưởng mà thôi.
118. Cứ đau khổ đi! Không đau khổ làm sao hiểu ra chính mình. Có dính mắc rồi mới hiểu được tự do là gì. Tu không phải là quyết tâm bỏ cái này lấy cái kia, vì sợ hãi mà lẩn tránh sự thật. Tu là can đảm trải nghiệm bản chất của cuộc sống. Hãy trọn vẹn cảm nhận những nỗi khổ niềm vui, những thăng trầm vinh nhục… mới có thể thấu triệt được “Niết Bàn sinh tử thị không hoa”, từ đó mới thấy ra ý nghĩa đích thực và toàn diện của pháp giới kỳ diệu này.
119. Nếu con thay đổi hình thức sinh hoạt từ một Tôn giáo khác qua Phật giáo nhưng không thay đổi được nhận thức và hành vi đúng với chân lý, nghĩa là không đúng Bát Chánh Đạo thì vẫn xem như chưa thay đổi gì cả. Còn khi con hiểu đúng và sống đúng Bát Chánh Đạo thì dù con ở đâu cũng vẫn đang theo Phật giáo.
120. Khi nhận ra tánh biết
Tánh biết tự sáng trong
Không người tu người đắc
Động tịnh đều thong dong
121. .Sống chạy theo bên ngoài gọi là buông lung
.Sống quên mất chính mình gọi là thất niệm
.Sống không biết rõ chính mình gọi là mê muội không tỉnh thức
.Không buông lung theo lòng ham muốn bên ngoài mà biết trở về với chính mình, gọi là tinh tấn.
.Sống trọn vẹn với chính mình, không quên mất chính mình nữa, gọi là chính niệm.
.Sống biết mình một cách rõ ràng trong sáng gọi là tỉnh giác.
122. Khi mê cứ tưởng ta tu
Tỉnh ra mới biết pháp tu một mình
Cái Ta ảo tưởng vô hình
Lăng xăng tạo tác, tử sinh luân hồi.
123. Tâm vốn thường chiếu sáng
Hơn vô lượng mặt trời
Dù xa, gần, sau, trước
Tánh thấy vẫn sáng ngời.
124. Lăng xăng tra cứu nghĩa không
Muôn đời chẳng gặp mất công kiếm tìm
Trở về tâm trí lặng im
Bỗng nghe tiếng hót con chim gọi đàn!
125. Khi tâm đã mở ra trí tuệ thấy thực tánh pháp thì sẽ không còn xem bất kỳ trạng thái nào là lý tưởng nữa.
126. Nói, làm thường thận trọng
Luôn trọn vẹn chú tâm
Lắng nghe quan sát rõ
Đến đi pháp lặng thầm.
127. Con buông chẳng khác nào đã buông con chuồn chuồn ra cho nó bay đi, nhưng vẫn còn muốn biết nó sẽ bay đi về đâu vậy. Nếu con buông một cách tự nhiên thì con chỉ để mọi thứ như nó là, không can thiệp gì cả, chính khi không còn có con can thiệp thì tánh biết sẽ tự biết phải làm gì.
128. Khi đi, con nghĩ là “Ta đi”, nhưng thực ra đi là sự vận hành của danh-sắc (ngũ uẩn).
Con nghĩ trái tim là “của Ta” nhưng dù con ngủ nó vẫn đập và nếu nó ngưng đập thì con chết.
Con nghĩ tâm là “tự ngã của Ta” nhưng nó tuân theo định luật tâm (citta niyama) chứ không tuân theo ý muốn của con.
Vì vậy, Đức Phật dạy “Tất cả các pháp là vô ngã”. Cái con tự cho là “Ta, của Ta, tự ngã của Ta” đều chỉ là ảo tưởng.
129. Con xuống núi với hành trang giản dị
Thầy tiễn đưa duy chỉ một nụ cười
Con cứ đến cứ đi tình lặng lẽ
Dẫu muôn trùng đâu phải đã xa xôi.
Cứ vào đời với trái tim rộng mở
Lòng chân thành, tỉnh thức giữa tha nhân
Tuy cuộc đời nhiều thăng trầm biến đổi
Tâm sáng ngời vẫn thấy pháp như chân.
130. Lẳng lặng nơi đâu mà chẳng có
Loay hoay chẳng có ở nơi đâu.
131. Nếu con “thấy” với tâm rỗng lặng trong sáng tự nhiên, tùy duyên phát hiện, thì thực tánh pháp sẽ tự hiển bày như nó đang là… Đang là chứ không cho là, phải là, sẽ là… chân không hay diệu hữu gì cả.
Nếu con thấy với cái thấy, dù con có nhìn hay không thì pháp vẫn đang là, thì đó mới là cái thấy của thiền Vipassana hay Kiến Tánh.
132. Không phải vì an lạc
Mà tu luyện miệt mài
Khi giáp mặt cuộc sống
Thấy khổ, không, mới tài.
Pháp đến đi vô ngã
Sao muốn thành của ta
Khổ, lạc đều hư ảo
Tìm kiếm chỉ tâm ma!
133. Đừng nghĩ đến chuyện giác ngộ lý tưởng mà chỉ cần biết mình như mình đang là, tức chính là đang giác ngộ. Giác ngộ là thấy ra thể trạng, cảm giác, cảm xúc, tâm trạng, sự tương giao tương tác giữa thân – tâm và cảnh.
134. Không phải là đem chính mình thể nhập vào thực tánh chân như của vạn pháp, vì như vậy chỉ là bỏ tiểu ngã để lấy đại ngã làm Ta, của Ta, hay tự ngã của Ta.
Thực tánh chân đế là pháp như nó đang là, chứ không phải cái mình cho là, phải là, sẽ là… để rồi cố gắng thể nhập vào đó.
135. Tu nghĩa là lặng lẽ chiếu soi từ trong thâm tâm để trước hết là biết mình, khi đã phát hiện được hoạt động của thân tâm thì chúng có thể tự chuyển hóa, và khi thân tâm đã được chuyển hóa thì sẽ tự ứng ra những hành động, nói năng, suy nghĩ đúng tốt, mà không để lại dấu vết nào, nên mọi người không thấy có gì để có thể đối lập cả. Đó gọi là vô tướng tu tập.
136. Pháp pháp vốn như chân
Chỉ cái “Ta” mới vọng
Không giác được Pháp Thân
Nên thấy toàn huyễn mộng
Tánh giác tự hành thâm
Không phải “Ta” lập nguyện
Hết vọng là chân tâm
Chẳng do ai rèn luyện.
137. Khi con sống thuận pháp
Tự tánh sẽ mở ra
Như hoa đúng thời tiết
Tự nở tỏa hương xa.
138. Thực tánh chẳng đâu xa
Ngay vạn pháp đang là
Khi tâm không trước ý
Không tạo tác bôn ba.
139. Sóng xao thì thấy sóng xao, sóng lặng thì thấy sóng lặng. Và mọi sự cũng bình thường như nó là vậy thôi. Dù “CÁI đang là” là ảo hay thực thì “CÁI THẤY” vẫn rỗng lặng trong sáng.
140. Tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta và trong cơ thể chúng ta đều đang sống, luôn biến đổi trong từng sát na. Mọi thứ đều sống động vô cùng, không có cái gì dừng lại để mình có thể áp dụng một công thức, khuôn mẫu nào được cả. Mình muốn hành thiền theo một công thức nào đó chẳng khác gì mình tự giết mình.
141. Không nương tựa (anissita), không bám víu (anupadayati) vào đâu thì năng lực tâm mới phát huy toàn diện. Còn khi con “luyện năng lực” bằng bất kỳ kinh, chú nào thì con cũng sẽ bị lệ thuộc vào đó, làm sao phát huy được năng lực tự nhiên vốn là vô lượng? Sống trọn vẹn tỉnh giác với tâm rỗng lặng trong sáng tự nhiên chính là năng lực cao nhất của tâm.
142. Đời vẫn thế (c’est la vie), nhưng là Bể khổ hay Niết bàn lại chỉ có trong lòng con, chứ không phải ở bất cứ điều gì con thấy. Nếu những thị phi con thấy chi phối con đến thế, thì làm sao con có thể sống tùy duyên, thuận pháp, vô ngã, vị tha?
143. Hạnh phúc chỉ có trong tâm hồn mỗi con người, không bao giờ có trong cuộc đời. Đừng đồng hóa hạnh phúc với sự thỏa mãn, vì thỏa mãn và bất mãn thường hoán đổi nhau như hai mặt của một đồng xu. Muốn thỏa mãn như ý mình thì đương nhiên phải đối đầu với bất mãn.
144. Tu tập là để được bình an – không thay đổi? Là để được hỷ lạc – không khổ đau? Là để được… cái này, cái kia như ý muốn của mình? Hiểu như vậy thì thật là nhầm lẫn. Nếu muốn thường được bình an, không thay đổi giữa cuộc đời vốn là vô thường này thì chỉ chuốc thêm bất an mà thôi.
145. Cuộc đời là vị thầy
Dạy biết bao chân lý
Chính nước mắt vơi đầy
Là những lời khai thị.
146. Sự yên lặng của thái độ trước mọi sinh diệt của trạng thái mới là sự tịch tịnh của Niết bàn.
147. Con đừng cố gắng lý giải về Phật, đó không phải là chuyện của con hay của thầy, chủ yếu là con nên thấy được Phật trong tâm mình.
148. Ai bảo thiền phải chậm?
Ai buộc làm phải nhanh?
Phải chăng toàn bản ngã?
Còn đâu chỗ Tinh Anh?
149. Pháp tự nó không Ảo cũng không Thực, không Có, cũng chẳng Không. Vì vậy, việc đến thì cứ khởi tâm mà ứng tiếp, việc đi thì tâm trở về rỗng lặng sáng trong. Người giác ngộ không chấp giữ bên nào, đó chính là sống tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha vậy.
150. Không manh động là giới
Không phân tâm là định
Không vọng tưởng là tuệ
Từ đó có nhẫn nại, nhu hòa, thương yêu, buông xả, và an lạc.
151. Thấy tức là Buông.
152. Vì tất cả pháp có sinh thành, có hình tướng đều vô thường nên thấy rõ bản chất vô thường của các pháp tướng mà không còn chấp thủ vào bất kỳ một hình tướng nào, thì gọi là Vô Tướng Giải Thoát.
Khi một người nỗ lực luyện tập vì nghĩ rằng sẽ đạt được một cảnh giới, một sở đắc, một trạng thái thường hằng lý tưởng, mà người ấy ảo tưởng là đang tinh tấn tu hành, nhưng thật ra chỉ rơi vào Hữu Tướng Hệ Lụy chứ không phải là Vô Tướng Giải Thoát.
153. Vì tất cả các pháp do mong cầu, do tạo tác mà có đều khổ, nên khi thấy rõ bản chất khổ của các pháp tác thành mà không mong cầu sở đắc bất kỳ một điều gì nữa thì gọi là Vô Nguyện Giải Thoát. Khi một người nỗ lực tạo tác để trở thành vì mong cầu sở đắc trạng thái an lạc lý tưởng nào đó, mà người ấy ảo tưởng là đang tinh tấn tu hành, nhưng thật ra chỉ rơi vào Hữu Nguyện Hệ Lụy chứ không phải là Vô Nguyện Giải Thoát.
154. Dù nói cả ngàn lời
Chẳng bằng ngồi yên lặng
Nghe âm thanh sâu lắng
Từ Pháp tánh muôn đời.
155. Bản ngã luôn sai lầm để tánh biết có thể biết được, thế nào là sai lầm, để điều chỉnh nhận thức, hành vi, cho đến khi thấy ra bản chất đích thực của vạn pháp. Đó chính là sự hoàn hảo trong sự bất toàn của đời sống.
156. Khi tâm bặt dứt niệm
Thấy trong ngoài rỗng rang
Ai tìm cầu phước tuệ
Ai còn mãi lang thang?
157. Con có biết không, tự tử, ẩn trú trong thiền định và muốn mau “giải thoát” ra khỏi cuộc đời đều là những cách trốn học có bản chất hoàn toàn giống nhau. Hãy can đảm đối diện với sự thật, vì chỉ có sự thật, dù là không vừa lòng, nghịch ý, mới giải thoát con ra khỏi ý nghĩ sai lầm của chính mình.
158. Xuất gia, xuất giá cũng đều tu
Không tùy thuận pháp khác chi mù
Chớ đợi xuất gia rồi hạ thủ
Đừng chờ nhập thế mới công phu!
Hiện tại chẳng am tường thật giả
Tương lai sao thấy rõ cương nhu
Đâu đâu cũng chỉ thân, tâm, cảnh
Giác liền ngay đó độ Xuân, Thu!
159. Chính sự tỉnh thức từng giây phút với thân tâm mới là cách duy nhất vượt khỏi lòng tham muốn, kể cả lòng tham muốn cầu toàn. Giác Ngộ ra sự bất toàn chính là giác ngộ ra sự hoàn toàn đó, con có biết không?
160. Không bờ này, bờ kia
Chỉ ngay nơi thực tại
Tâm, pháp chẳng ngăn chia
Đến đi đều vô ngại.
161. Học Đạo quý vô tâm
Làm, nghĩ, nói không lầm
Sáng trong và lặng lẽ
Giản dị mới uyên thâm.
162. Khi con thấy mình là (hay có) một cái gì đó thì xem như con đã mất tất cả, nhưng khi con thấy mình không là (hay không có) gì cả thì con là (hay có) tất cả!
163. Coi chừng, “ghét của nào trời trao của ấy” đó!
Khi con thích một điều gì thì con đương nhiên gặp phải đối lực của những người không thích điều ấy. Do đó, vấn đề không phải là thích hay không thích, mà là con có thấy ra sự thật của việc mình thích hay không thích ấy không.
Ví như khi con thấy rõ sự thật, đây là vàng, thì dù người ta nói không phải vàng cũng đâu có sao!
164. Không có phiền não nào bu theo con cả, đó chỉ là ảo tưởng con tự buộc vào thôi. Giống như người sợ ma thì thấy ma bu xung quanh, còn người không sợ thì chẳng thấy ma nào cả, mà có thấy đi nữa thì cũng như không.
165. Con đừng so sánh mình với ai, đừng bắt chước người xưa, cũng không cần phải theo một mẫu tu sĩ lý tưởng nào cả. Vì như thế, chỉ làm con thêm tự ti, mặc cảm thôi.
Con là con đúng như căn cơ, nghiệp duyên của mình, nên cứ ngay đó mà thấy ra diễn biến của thân hành, của những cảm giác cảm xúc, những trạng thái tâm và sự tương giao của thân – tâm với hoàn cảnh bên ngoài thì mọi sự đều sẽ sáng rõ mà không cần phương tiện thiền, mật, hay tịnh gì cả!
166. Con lại sai nữa rồi!
Con lại muốn làm chủ mình, muốn kiểm soát thân tâm, muốn mọi sự ổn định, bình an và tích cực, nhưng liệu có thể nào đạt được như ý con nghĩ không. Tại sao con phải định giá và chọn lựa? Chọn lựa theo bảng giá trị nào hoặc hệ quy chiếu nào đây? Và nỗ lực để đi đến đâu, trở thành cái gì?
167. Đừng sợ bản ngã vì bản ngã cũng là những giai đoạn đương nhiên phải trải qua trên hành trình giác ngộ giải thoát.
168. Không nên theo công thức nào để tu hay nhận thức cả. Tốt nhất là khi “tâm không” thấy “tâm không”, khi “tâm hữu” thấy “tâm hữu”, chứ không trụ vào trạng thái nào. Khi trụ vào “tâm không” tức là thấy “có” tâm không rồi. Tính chất của tâm là thấy biết chứ không phải là có hay không.
169. Con cứ đặt ra mục tiêu, cứ phấn đấu, để từ đó học ra nhiều bài học của cuộc đời, đồng thời phát huy trí tuệ và những phẩm chất cao quý tiềm ẩn trong con. Nản chí, phiền não hay hứng thú, thỏa lòng… đều là những sự kiện mà con cần phát hiện, qua đó mới thấy ra sự thật nơi chính mình và cuộc sống. Mọi mục tiêu phấn đấu cuối cùng chỉ là cơ hội để học ra sự thật mà thôi. Thấy ra sự thật mới là mục tiêu tối hậu của đời sống.
170. Chân lý muôn đời vẫn ở đó cho con thấy ra chứ nó không chạy đi đâu mất mà phải nhờ ai kiếm giúp. Vẫn đề ở chỗ học đạo, sống đạo với nhu cầu khẩn thiết hay cũng chỉ là sắm hàng xa xỉ để trang điểm thêm cho cái ngã ham muốn sở tri, sở đắc? Đói ăn, khát uống thì thấy hiệu quả ngay, còn chưng đầy tủ thì đã hao tiền, tổn sức mà còn tổn thọ vì sợ mất hoặc không bao giờ thấy đủ!
171. Đạo đức là do mỗi người tự nhận ra chứ không phải là khái niệm khuôn mẫu mà họ đem ra quy chiếu. Sự thật không phụ thuộc vào bất cứ hệ quy chiếu nào, bởi vì nó chỉ như nó đang là chứ không tuân theo quan điểm của các học thuyết.
172. Muốn thoát khỏi nỗi sợ hãi cũng chính là sợ hãi, và sợ hãi sẽ càng được gia cố thêm vì con thấy nó với ý đồ kiểm duyệt, đối kháng, chưa có sự cảm thông với chính mình.
Nếu con thương yêu và cảm thông với nó thì con sẽ hiểu ra thông điệp mà nó đang mang lại cho con. Hiểu thấu nỗi sợ hãi tốt hơn là muốn hủy diệt nó, vì hủy diệt nó là con đang hủy diệt chính mình.
173. Được thân người là khó
Đạo làm người phải thông
Nếu chưa thật giác ngộ
Sao nghĩ đến hư không?
174. Không buông lung thất niệm tức là đã tinh tấn chính niệm rồi, nhưng cố gắng chính niệm lại chính là đang buông lung thất niệm. Vì không đủ tinh tế để thấy ra điều này mà nhiều người cố gắng để giữ chính niệm sao cho thật tích cực miên mật bằng cách tìm kiếm, theo dõi, ghi nhận, hòng nắm bắt đối tượng để trụ tâm! Thật là một nhầm lẫn tai hại!
175. Tuy cần quan tâm đến mọi người nhưng con đừng quá bận tâm với mối quan hệ bên ngoài, thực ra chúng không ràng buộc con mà chính con tự ràng buộc mình trong ước mong có những mối quan hệ không hoàn hảo.
Không bao giờ có sự hoàn hảo trong mối quan hệ, chỉ có sự hoàn hảo trong tâm con hay không mà thôi. Vì vậy, nên sống trọn vẹn tỉnh giác với những hoạt động của thân và tâm để thấy rõ chính mình, để không bị đồng hóa mình với ai trong mối quan hệ gia đình, xã hội.
176. Dù có vô lượng Phật
Phải thấy Phật trong tâm
Phật ngoài không hay có
Giác ngộ mới không lầm.
177. Đến thời Mạt Pháp, Phật Giáo biến thành Tín Ngưỡng nhân gian và người ta không còn xem những vị Phật và Bồ tát là biểu tượng của trí tuệ xuất phát từ Tánh Biết nữa mà trở thành những vị Thần linh ban ơn cứu khổ để tôn thờ và cầu nguyện như đa thần giáo.
178. Mục đích của tu tập là giác ngộ ra Sự Thật, chứ không phải để cầu an. Nếu bất an, cần trọn vẹn cảm nhận để thấy ra nguyên nhân sâu xa và nó xuất phát từ đâu, thì ở đó sẽ thấy ra Sự Thật muôn đời.
179. Tất cả pháp môn chỉ là phương tiện, vì thế phương tiện nào thích hợp thì cứ theo. Nhưng tu tập không phải để đạt được điều gì mà cốt yếu là thấy ra sự thật mà thôi.
180. Tu tập không phải là để được bình an mà là đủ trầm tĩnh sáng suốt để sống trong mọi hoàn cảnh, dù đó là hoàn cảnh bất an.
Mong hoàn cảnh bình an chính là bất an, vì chỉ có bình an nơi thái độ nhận thức chứ không có bình an bên ngoài.
181. Du sĩ ngoại đạo Kassapa đến hỏi "...Du sĩ ngoại đạo Kassapa đến hỏi Đức Phật rằng có phải mục đích tu tập dưới sự hướng dẫn của Ngài là thoát khổ được lạc hay không? Phật trả lời "KHÔNG" trước sự ngạc nhiên của đạo sĩ ấy. Ông ta kinh ngạc hỏi nếu không phải thoát khổ được lạc thì mục đích tu hành là gì? Phật ôn tồn nói: "Là thấy khổ, biết khổ, hiện quán khổ và thực chứng khổ". Bởi vì đơn giản khổ là do ham muốn lạc, cố gắng đạt được lạc, chấp thủ lạc mà ra. Chính nhờ thấy khổ, biết khổ, hiện quán khổ, thực chứng khổ mới chấm dứt được tà kiến và tham ái muốn thủ đắc lạc này. Tu tập đúng nghĩa chính là để chết đi cái bản ngã ảo tưởng luôn tìm cầu lạc ấy..."
182. Chỉ thấy sự thật thôi, còn định nghĩa chỉ là mô tả về sự thật ấy. Con mô tả sự thật thì được nhưng không nên tìm cách xác định hay kết luận gì cả.
183. Phật chỉ khai thị cho người hữu duyên thấy ra sự thật, khi đã thấy ra sự thật, người ấy tự mình tìm chỗ thích hợp để tu tập, chứ Ngài không mở trường thiền để mọi người phải tu chung một kiểu bao giờ. Mỗi cá thể là duy nhất không ai giống ai, do đó mỗi người tự mình phải trở về trọn vẹn tỉnh thức nơi thực tại thân thọ tâm pháp để giác ngộ, không thể nương tựa ai khác.
184. Nguyên tắc tốt nhất chính là hợp tình, hợp lý, không phải một nguyên tắc cứng nhắc, chủ trương giáo điều. Vì khi có chủ trương, lập trường, nguyên tắc cứng nhắc thì tự rước lấy sự đối nghịch. Cứ sống tùy duyên nhưng thuận pháp, nghĩa là tùy hoàn cảnh, tùy tình huống mà ứng xử uyển chuyển linh hoạt, sao cho hợp tình hợp lý là được.
185. Thấy có, thấy không rồi cũng chết
Ngay đây thực tại chỉ đang là
Ngôn thuyết một đời không nói hết
Chân Không, Diệu Hữu vẫn còn xa!
186. Không sao, cứ cảm nhận trọn vẹn khổ đau như thế để rồi khi nguôi dần sẽ thấy ra biết bao ý nghĩa trong đó. Đừng cố gắng loại trừ nó, vì như thế sẽ không thấy ra sự thật mà chỉ căng thẳng thêm thôi. Đau khổ là một trong bốn sự thật vi diệu mà Đức Phật đã dạy.
187. Ít ai thực sự biết rõ mục đích của mình là đúng hay sai nên luôn phân vân do dự, nên tất nhiên khi thì nỗ lực, khi thì nản lòng! Nếu biết mục đích không phải ở phía trước, mà ở ngay đây thì mọi rắc rối sẽ không còn tồn tại.
188. Chúng sinh có nhiều căn cơ trình độ khác nhau, ai thấy tới đâu tu tới đó, không thể muốn ai cũng tu theo cách của mình được. Đừng bận tâm, việc này đã có Pháp lo rất chính xác, chỉ nên tu học bài học hợp với trình độ của mình là tốt nhất.
189. Cuộc đời được lập trình một cách kỳ lạ, chỉ lập trình trên nguyên lý thôi, còn ứng dụng thì mỗi người tự do chọn lựa. Nhưng rốt cuộc chọn lựa đường nào thì cũng phải học cho ra nguyên lý vận hành của pháp mới thôi, chứ không phải muốn gì theo ý mình cũng được.
190. Chớ tìm kiếm mỏi mòn
Đừng nghĩ phàm, nghĩ thánh
Pháp vốn sẵn trong con
Hồi đầu là thấy tánh.
191. Trả Kinh lại cho Kinh
Về chiêm nghiệm chính mình
Không tìm cầu mong đợi
Thấy pháp vốn vô sinh.
192. Nếu không thấy ra sự thật mà chỉ nghe người khác nói thì làm sao biết được đúng hay sai? Khi tâm tịch tịnh thì cứ cảm nhận trọn vẹn như nó là, không cần định nghĩa hay gọi tên, cũng không cần tìm lại, vì nó vốn là như vậy. Nó sẽ đến khi tâm buông mở, rỗng lặng, hồn nhiên. Và nó đi khi khái niệm chủ quan kéo đến. Thực ra nó không đến, không đi, chỉ là tâm mở ra hay khép lại mà thôi.
193. CÓ hay KHÔNG chẳng có gì quan trọng, có cũng được mà không cũng được. Quan trọng là ở chỗ CÁI THẤY.
Nếu cái thấy là ảo tưởng vọng thức thì có/không đều là ảo ảnh, như người nằm mộng, thấy có thấy không, đều là ảo ảnh.
Nếu cái thấy là Tuệ Không Quán Chiếu, tức là trong thấy chỉ có thấy, thì có/không đều như thị. Không/Có chẳng rời, có/không chẳng khác.
194. Ai cũng có nỗi khổ riêng, nên sớm bớt dầu bớt củi thì lửa sẽ tắt. Ai chịu thua, người ấy thắng, vì thắng mình mới là chiến thắng cao đẹp nhất. Người nào chịu được thiệt thòi trên đời, người ấy sẽ sớm được giải thoát.
195. Bắt chước người giác ngộ
Không bằng tự thấy mình
Liễu tri Bốn Sự Thật
Mới xứng bậc hiền minh.
196. Chỉ có tâm từ bi, không có người từ bi, nên khi một người muốn tu luyện để sở hữu tâm từ bi thì đã sai rồi.
197. Không phải là buông bỏ niềm vui hay nỗi buồn, mà là buông bỏ thái độ lăng xăng của bản ngã đối với trạng thái vui buồn đó. Cái ta luôn tạo ra mục đích để giải quyết, để đạt tới, để trở thành. Buông, chính là buông tất cả các tiểu xảo ấy để tánh biết trong sáng tự nhiên thấy ra bản chất của thực tại đang là.
Như vậy, buông bỏ chính là mục đích chứ không phải buông bỏ là phương tiện đạt đến mục đích nào khác. Khi buông bỏ thì không có bản ngã, không có bản ngã thì ngay đó đã là chân đế rốt ráo rồi.
198. Hướng “tử” là hướng tốt nhất để niệm sự chết. Mỗi ngày ra hay vào “cửa tử” ấy, hãy mỉm cười và nghĩ rằng “hôm nay ta có thể chết với tâm thật bình an”, bảo đảm tử sẽ trở thành bất tử.
199. Chỉ là mưa vẫn cứ rơi
Chỉ là lá rụng tơi bời trước hiên
Chỉ là chẳng ngộ chẳng thiền
Chỉ là tâm chẳng đảo điên kiếm tìm.
200. Biết sau khi chết mình đi về đâu không quan trọng, biết tâm mình hiện giờ đang đi về đâu mới là điều vô cùng cần thiết!
201. Khi con hỏi “hành thế nào” là đã khởi lên ngũ uẩn rồi. Không hành gì cả, chỉ thấy thực tại thân-tâm-cảnh như nó đang là thì ngay đó ngũ uẩn giai không.
202. Tôn giáo có hai loại:
Một là tôn giáo mang tính siêu hình với nhiều Thần linh ban ơn giáng họa, chi phối toàn bộ đời sống con người, an bài định mệnh của mỗi người, nên tín đồ phải cầu xin để được ban phúc.
Hai là tôn giáo mang tính thiết thực hiện tại trong đời sống, phát huy trí tuệ và đạo đức, giúp con người biết sống thuận theo nguyên lý vận hành của đời sống.
203. Thấy ra cái sai của mình, không đau buồn mới lạ. Đau buồn khi mình sai trái là chuyện rất bình thường, thậm chí rất cần thiết. Sao phải dẹp đau buồn đi khi đó là cơ duyên để thấy ra sự thật cách phản ứng của thân, của cảm xúc, của thái độ nội tâm trong sự tương giao với cuộc sống.
Mong ổn định trạng thái hơn là thấy ra sự thật sao?
204. Pháp vốn tự hoàn hảo
Trong chính sự bất toàn
Khi thấy pháp như thị
Thoát khỏi mọi cực đoan.
205. Chánh pháp ở nơi tâm, tự mình hộ trì tâm và giúp người khác biết cách hộ trì tâm, tức là đang hộ trì chánh pháp. Những người phạm giới chỉ có thể hủy hoại bản thân họ mà thôi, chứ không thể hủy hoại chánh pháp được.
206. Nguyên lý kỳ diệu của Đạo là chỉ thấy biết tự nhiên thực tại, thân tâm cảnh đang là. Càng tự nhiên vô tâm càng dễ thuần thục mà không mong cầu thuần thục.
Giống như người đã biết đúng đường thì cứ thong thả mà đi, bởi vì Đạo ở ngay nơi mỗi bước đi chứ không phải ở nơi mình mong tới mà phải vội vàng.
207. Khi yêu thương những người thân sao lại ao ước cho họ được những hạnh phúc thế gian? Yêu thương họ, hãy tập có nụ cười khi thấy họ đang đối đầu với đau khổ, vì chỉ ở đó họ mới giác ngộ giải thoát. Và sự giải thoát mới là hạnh phúc cuối cùng.
Hãy tập yêu thương chính mình và mọi người với tình thương đau buốt ấy rồi mới hiểu được thế nào là lòng từ bi vô lượng của Chư Phật. Phải dũng cảm lên mới có được tình thương như thế.
208. Không có đạo đức hoàn hảo trong đời sống vốn tương đối, chỉ khi trong đời sống tương đối này giác ngộ ra cái tuyệt đối thì đạo đức mới thực sự hoàn hảo. Vì vậy, chỉ cần giác ngộ Sự Thật, không cần trở thành cái “Ta” hoàn hảo.
209. Mỗi người chỉ có một pháp tu thích hợp với mình thôi. Pháp tu thích ứng nhất với mỗi người chính là trở về tự tri, tự giác để thấy ra Sự Thật.
Đó cũng gọi là tùy duyên mệnh của mình mà tu.
210. Khi pháp đến thì tâm tự ứng, khi pháp đi thì tâm trở về rỗng lặng như hư không. Luôn tự biết mình rõ ràng trong mọi hoạt động thân tâm là tu chứ có gì nghiêm trọng quá đâu! Chỉ cần nghiêm túc, không cần nghiêm trọng.
211. Đừng tìm kiếm đâu xa, vì chân lý ở ngay đây!
212. Tu không để hết khổ
Hết khổ lấy gì tu?
Thấy khổ tâm không động
Mới chính là công phu.
213. Cái cho là biết rồi chỉ là cái biết tục đế, cái chưa biết và không thể biết (bất khả tri) mới là chân đế. Tuệ tri khác với thức tri và tưởng tri ở chỗ biết mà như không biết gì cả, hay biết dừng lại ở chỗ không thể biết mới là trí tuệ.
214. Không thiền, không tịnh, Ta cũng không
Chẳng kiếm, chẳng tìm, Pháp liền thông
Chỉ tại phân vân Tâm khốn khổ
Sao bằng rỗng lặng Tâm thong dong.
215. Đừng bận tâm giải quyết vấn đề nội tâm, càng giải quyết càng đổ dầu vào lửa. Chi bằng lặng lẽ quan sát tự nhiên để thấy ra tâm cũng vô thường, khổ, vô ngã, nên không còn muốn phải là… sẽ là… như ý mình làm chi cho mệt?
216. Có kiếp sau hay không có kiếp sau không quan trọng bằng biết rõ mình và cuộc sống hiện tại. Nếu không tự thắp sáng ngọn đèn trí tuệ ngay đây và bây giờ thfi mãi mãi đắm chìm trong bóng tối của vô minh ái dục, và đương nhiên chỉ chuốc lấy khổ đau phiền lụy, dù có hay không có kiếp sau. Kiếp sau chỉ tốt đẹp khi có thể sống đúng tốt ngay trong hiện tại này mà thôi.
217. Sao con biết đó là vọng tưởng? Khi con kết luận đó là vọng tưởng tức là con có ý phê phán rồi, cho nên con mới muốn làm sao để xử lý nó. Đó là thái độ nhận thức và hành vi thiếu trung thực.
Cái gì đến đi nơi thân tâm con đều là pháp, nếu là chân lý thì tự nó là chân, nếu là vọng thì tự nó là không, vậy con đâu cần xử lý.
Chủ yếu giác ngộ là thấy pháp chứ không phải là loại bỏ pháp này, tìm kiếm pháp kia theo ý mình.
218. Tu thân không phải là cố gắng giữ thân không bệnh, mà là thân không làm điều ác, chỉ làm những việc lành.
Tu tâm không phải là cố gắng rèn luyện thiền định mà là tâm không tham sân si, không có dục tưởng, sân tưởng và hại tưởng.
Tu tuệ không phải là tích lũy cho nhiều kiến thức, mà là thấy biết đúng bản chất vô thường, khổ, vô ngã của thân tâm và cuộc sống.
219. Đừng nghe theo bất kỳ trường phái thiền nào, đừng tự ràng buộc mình vào phương tiện của người khác, đừng mong cầu sở đắc. Không có người thầy nào bằng chính sự vận hành của pháp đang đến đi sinh diệt ngay nơi thực tại thân tâm, mà qua đó thấy ra được cái không sinh diệt, đến đi.
220. Không phải cố gắng vượt qua những bài học đau khổ để loại trừ khổ đau, vì như vậy, sẽ rất căng thẳng. Thực ra đau khổ giúp chúng ta thấy rõ bản chất thật của nó, và thấy ra nó xuất phát từ đâu. Khi thấu suốt đau khổ thật sự là gì, thì đau có thể vẫn còn, nhưng sẽ không còn khổ nữa. Khổ chỉ là thái độ tâm lý của bản ngã thôi.
221. Thua không sai mà là rất đúng. Chỉ khi nào chịu thua và đầu hàng mọi sự trên đời thì bản ngã lý trí mới bớt lăng xăng đối phó và tạo tác, mới có thể trở về trọn vẹn tỉnh thức với chính mình khi đối mặt với mọi tình huống.
Hãy chấp nhận “thua” không trốn chạy, không đối kháng. Rồi sẽ thấy mọi sự ở đời đều có lý do tồn tại của nó, mà lý do chịu thua quan trọng nhất, là giác ngộ giải thoát khỏi những ràng buộc của chính mình! Đó là nỗi đau rất kỳ diệu!
222. Không mê là thiền, không lầm là ngộ, chứ chẳng có thiền, chẳng có ngộ nào khác. Nếu có thiền gì khác, thường là do cái “Ta” ảo tưởng đánh lừa, nếu có ngộ gì đặc biệt thì cũng chỉ là hoa đốm giữa hư không. Đơn giản bởi vì đâu cũng là Chân Lý, chỉ vì không thấy nên cứ mãi kiếm tìm.
223. Không nên chủ trương ăn chay, cũng không nên chủ trương ăn mặn, mà nên học ăn học uống bằng cách tự quan sát, chiêm nghiệm để biết ăn gì đúng với vệ sinh và thích hợp với cơ thể của mình. Mục đích của đời sống là học tập, khám phá để thấy ra sự thật đúng tốt, chứ không phải ép mình theo một khuôn mẫu quy định sẵn.
224. Tất cả chân lý đều có sẵn trong mỗi người, hãy thấy như nó đang là, đừng tìm kiếm mà hóa thành ảo tưởng. Đừng quan tâm ngộ hay chưa, cứ sáng suốt biết mình để chuyển hóa nhận thức và hành vi cho đúng tốt là được.
225. Tinh tấn chỉ là buông bỏ mọi nỗ lực, ý chí tham vọng để trở về trọn vẹn tỉnh thức với hiện tại hiện tiền.
Còn nỗ lực, cố gắng, siêng năng, là con dao hai lưỡi. Nỗ lực làm ác cũng nó, nỗ lực làm thiện cũng nó, nỗ lực củng cố bản ngã cũng nó, nỗ lực buông bỏ bản ngã cũng nó.
226. Tâm vốn là đạo, nhưng khi bị che chắn bởi vô minh ái dục của cái “Ta” ảo tưởng nên mất bình thường, khi đó “Ta” lại muốn trở thành phi thường nên tâm càng mất bình thường thêm. Thực ra, chỉ cần để tâm trở lại bình thường thì ngay đó là đạo.
227. Quy y Tam Bảo không phải là quy y ai, mà chính là trở về với ba đức tính sáng suốt, định tĩnh, trong lành, vốn sẵn có nơi chính mình, ba đức tính đó chính là Tam Bảo.
228. Nguyên lý của thiền là luyến ái thấy luyến ái, dính mắc thấy dính mắc, khổ đau thấy khổ đau, xấu hổ thấy xấu hổ… chỉ thấy mọi sự mọi vật như vậy thôi, đừng lý luận hay kết luận điều gì.
Khi không còn cần rèn luyện để trở thành, hay đạt được bất cứ điều gì, chỉ thấy biết trong sáng thì tuệ tri sẽ xuất hiện.
229. Không phải thay đổi tính cách mà là học ra bài học giác ngộ từ tính cách ấy. Dù có đổi được tính cách thì cũng chỉ là đổi thành một bản ngã khác mà thôi.
230. Nếu trong quá khứ đã trọn vẹn trong sáng và thông suốt từng giây phút, thì sẽ chẳng bao giờ cần suy ngẫm lại. Cũng vậy, nếu trọn vẹn trong sáng với thực tại ngay đây và bây giờ, thì sẽ không cần tính toán tương lai, bởi hiện tại hoàn mãn thì tương lai cũng hoàn mãn.
231. Vui thấy vui, buồn thấy buồn, chán thấy chán… nhờ thế mới thấy tâm là vô thường, khổ và vô ngã nên không còn chấp trước, không bám víu bất cứ điều gì ở đời. Nhờ vậy, tánh biết luôn tự tại vô ngại trước mọi sự sinh diệt, đến đi.
232. Khi thân đã thư giãn, tâm đã buông xả thì còn gì để làm nữa đâu, ngay đó chỉ còn tánh biết tự soi chiếu mọi sự đến đi thôi. Lúc đó, nỗ lực làm thêm gì đều sai hết.
233. Không phải bận tâm sẽ đi về đâu mà cần phải biết rõ đường đi ngay dưới chân mình.
234. Con nghĩ một cái cây cứ lặng lẽ sống trọn vẹn trong từng giây phút thì nó không phát triển đến lúc ra hoa kết trái sao?
Con nghĩ sao nếu cái cây đó cứ nghĩ đến việc ra hoa kết trái mà quên đi những giây phút đang sống của mình, thì liệu cái cây đó sẽ như thế nào?
235. Dù tu trăm ngàn cách
Không bằng tự biết mình
Mỗi phút giây trong sáng
Mới thật là chân minh.
236. Ái chính là lực hấp dẫn thúc đẩy ý muốn hướng tới mục đích dự phóng.
Thủ chính là sự lặp đi lặp lại ý muốn đó và
Hữu là sự thực hiện hành động tạo tác để đạt đến mục đích ấy.
Toàn bộ tiến trình này gọi là nghiệp, là luân hồi sinh tử.
237. Giúp đỡ người đau khổ thì có, khai thị cho người khác giác ngộ cũng có, nhưng trong Phật giáo, hoàn toàn không có quan niệm cứu độ. (Cứu độ muốn gì cho nấy! - Hactue)
Như giúp một em học sinh nghèo học hành tốt để lên lớp thì được, nhưng em không học mà cầu xin mỗi năm được lên lớp thì tuyệt đối không ai có thể cho được.
238. Có thể thân không xuất gia nhưng ngay bây giờ tâm xuất gia cũng vẫn được mà con! Quan trọng là con biết sống chính niệm tỉnh giác với chính mình là xuất gia rồi đó.
239. Đích này không thể đến
Muốn đến ắt phải đi
Đi chính là sinh tử
Đến chỉ là sầu bi!
Không đi, không dừng lại
Như Lai thoát bộc lưu
Ai còn đi, còn đến
Sao khỏi vướng khổ ưu!
240. Sự giác ngộ giải thoát chỉ có trong thái độ tâm hồn con. Hãy hiểu chính con thật rõ thì mới thấy ra được những phẩm chất đích thực của bản thân và cuộc sống.
241. Chính niệm chỉ có nghĩa là trọn vẹn một cách tự nhiên với thực tại đang là.
242. Khi tâm đã mở ra trí tuệ thấy thực tánh pháp thì sẽ không còn xem bất kỳ trạng thái nào là lý tưởng nữa.
243. Chính sự tỉnh thức từng giây phút với thân tâm, mới là cách duy nhất vượt khỏi lòng tham muốn, kể cả lòng tham muốn cầu toàn. Giác Ngộ ra sự bất toàn, chính là giác ngộ hoàn toàn đó, con có biết không?
244. Càng chấp nhận khó khăn phức tạp thì tâm càng dễ dàng đơn giản, mà tâm càng dễ dàng đơn giản thì càng mau giác ngộ. Đó chính là cái tâm mà Đức Phật dạy.
245. Không có sự bình an trong cuộc đời mà chỉ có sự bình an trong tâm hồn con. Đừng trách đời, đừng trách người, cũng đừng trách mình. Điều quan trọng là thấy ra được chính mình dù trải qua bao nhiêu gian khó.
Cuộc đời là bài toán khó mà đáp số không thể tìm thấy trong đó, vì nó chỉ có ở trong lòng con!
246. Con tu cách sao, thờ Phật cách nào chỉ cần tự biết trong lòng, còn con cái và người ngoài chỉ thấy con ngày càng sống đúng tốt hơn, lợi mình lợi người hơn, an lạc tự tại hơn, chứ không thấy con tu gì cả, thì mới đúng là con tu theo Phật!
247. Muốn tình yêu mãi mãi như ban đầu, điều đó không bao giờ có. Lúc đầu thì chỉ là cái bẫy đầy vị ngọt để hai người chui vào mà học ra vị đắng của cuộc đời. Thực ra, chính vị đắng giúp hai người trưởng thành, hiểu mình, hiểu người, và bản chất của cuộc sống. Vì vậy, vị đắng có giá trị hơn nhiều so với tình yêu mật ngọt ban đầu đầy ảo mộng.
248. Tình yêu và thù hận, hạnh phúc và khổ đau, đam mê và chán ngán… là hai cực của thỏi nam châm không thể tách rời nhau. Vì vậy, không phải là chọn lựa cực nào mà chủ yếu là học ra hai mặt của cuộc sống.
Nếu chọn lựa mặt này, con sẽ phải chấp nhận luôn mặt kia, nhưng nếu con xem hai mặt là bài học giác ngộ, thì cuộc đời thật tuyệt vời với sự đối xứng muôn đời của nó.
249. Khi thực sự trọn vẹn với “cơn đau” thì chỉ có cảm giác đau như nó đang là, chứ không có “người đau” hiện hữu, vì vậy không có ai đối kháng hay chấp nhận cơn đau.
250. Sự hoàn hảo của cuộc sống ở chính ngay nơi bất toàn như nó đang là chứ không phải sự hoàn hảo lý tưởng mà con mong muốn sẽ là.
Vì vậy, khi nào con chưa thấy ra sự hoàn hảo trong cái bất toàn, tức trong tâm vẫn còn cho là, phải là, sẽ là… thì còn khổ đau phiền muộn.
251. Con đừng muốn một sự bình an. Tam giới đều bất an như ngôi nhà cháy chứ đâu phải riêng nhà con. Mỗi nhà bất an mỗi khác, nhưng nói chung bản chất cuộc đời là thế. Khi thấy ra tất cả sự bất an trần thế muôn đời là như vậy, và khi con không còn ảo tưởng được an, thì lúc đó tâm con mới thật sự có thể được bình an.
252. Sự kiện đang đến với con chính là đang giúp con thấy ra chính mình hơn là giữ lại cho con một trạng thái tuyệt vời nào đó. Hãy sống thực để khám phá chân lý còn hơn cố dựng cho mình một tháp ngà an toàn dễ bị tổn thương.
253. Đừng tin vào sự khôn ngoan của bản ngã, vì khôn ngoan của bản ngã đồng nghĩa với vô minh. Hãy tin tưởng, lắng nghe và quan sát thực tại ngay tại đây và bây giờ, thực tại đang muốn nói gì với con qua chính sự kiện đang là ấy.
254. Trở về với thực tại không có nghĩa là chỉ giữ cho mình được bình yên, vì như vậy mình còn có cái “thực tại của Ta” để giữ.
255. Đừng tìm biết quá nhiều mà không còn biết bản thân mình đang như thế nào.
256. Khi xem hạnh phúc là điều kiện lý tưởng mà trong đó mọi việc đều như ý thì người ta sẽ cầu toàn. Nhưng cầu toàn giữa cuộc sống bất toàn thì chắc chắn sẽ chán chường thất vọng. Họ không biết rằng, chính sự bất toàn, bất như ý,… mới thật sự có ý nghĩa sâu sắc đánh thức họ đang ngủ say trong những niềm vui, những thỏa mãn hời hợt giữa cuộc đời.
257. Ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật nếu để đối trị lỗi lầm thì chỉ mang tính tạm thời, dù có làm được cũng chỉ là dồn nén nó vào trong tiềm thức, còn nếu không làm được thì mặc cảm tội lỗi càng tăng thêm mà thôi. Con chưa thể thật sự bình tâm, khi con chưa thấy ra nguyên nhân và bản chất của lỗi lầm.
258. Hãy buông hết tất cả mọi mong muốn đắc thiền thì con liền vào được các bậc thiền dễ dàng mà không hao tổn một lực dụng công nào. Đó mới là chánh định, một thiền định hoàn toàn vô ngã, giải thoát. Nên Phật dạy ly dục, ly bất thiện pháp, chính là ngõ vào thiền định. Ham muốn và nỗ lực đạt được thiền định phải chăng cũng chỉ là ý đồ dụng công của bản ngã tham sân si? Nếu có đắc thì cũng chỉ đắc tà định mà thôi.
259. Chùa chưa hẳn đã là nơi yên tĩnh. Thực ra, chỉ có sự yên tĩnh trong lòng con hay không mà thôi. Tu chỉ là quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi, vậy tại sao con không lấy đời sống của chính mình, lấy việc phụng dưỡng cha mẹ già, lấy công việc mưu sinh để vừa tu phước đức, nhẫn nại, tinh tấn, từ bi, hỷ xả,… vừa phát huy trí tuệ để thấy rõ chính mình và bản chất cuộc sống?
260. Phạm giới không có nghĩa như phạm một quy định hay một luật lệ hình sự, mà là phạm phải lương tâm của chính mình khi làm khổ kẻ khác, vì vậy một người vô lương tâm không bao giờ biết mình phạm giới mà chỉ sợ phạm luật, sợ bị bắt quả tang, sợ bị hình phạt mà thôi.
261. Học hỏi là hoạt động đầy hứng thú, là khám phá mọi sự luôn mới mẻ mà bản chất của nó là vô thường, vô ngã. Vì muốn thường, muốn ngã, nên mới khổ đó thôi.
Luôn bắt đầu từ không biết gì cả chứ đừng bắt đầu bằng kiến thức đã tích lũy được, cái mới mẻ không bao giờ là cái đã biết.
Hãy viết lên trang giấy trắng những vần thơ vô ngôn đầy cảm hứng và sáng tạo rồi để gió cuốn đi không để lại dấu tích gì.
262. Nếu con thiền chỉ để được thanh thản thì chính con đang phân tâm.
Còn nếu con thấy phân tâm chỉ là phân tâm, mà không cần lấy bỏ gì cả, thì chính là con đang thanh thản đó. Con có nhận ra sự thật vi tế này không?
263. Tình yêu thật sự, hiểu theo cả nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp, là thứ quý giá nhất trên đời. Ngược lại, nó cũng chẳng có ý nghĩa gì hơn là nguyên nhân của khổ đau phiền muộn. Giá trị của tình yêu ở nơi chính nó, chứ không phải nơi đối tượng mà nó muốn có, nếu không có đối tượng thì tình yêu vẫn phải là cái đẹp nhất trên đời. Con có nhận ra điều đó không?
264. Chướng ngại lớn nhất chính là cái Ta của bạn. Nó chỉ biết làm sao có lợi cho mình mà không thấy nguyên lý vận hành của sự sống. Cho nên, nó luôn tìm cách phản kháng cái không thích, và đòi được cái vừa lòng.
Chính vì thái độ lăng xăng đó, cái Ta tạo ra bất an trong khi luôn muốn được bình an.
265. Cuộc đời không có gì là luân hồi sinh tử cả, chỉ có bản ngã tầm cầu lý tưởng của mình mới tác thành luân hồi sinh tử trong ảo mộng mà thôi. Vậy giải thoát là thoát ra khỏi ảo tưởng về cuộc đời chứ không phải là thoát khỏi cuộc đời.
266. Thường người ta hiểu thiền là thiền định nên cố gắng định tâm. Tâm định do cố gắng tập trung tức trụ tướng nên gọi là hữu tướng định.
Vì trụ vào tướng định nên quên những thứ khác là tất nhiên. Định nhiều thì càng thụ động, không còn can đảm học những bài học khó khăn từ cuộc đời, vì vậy an lạc thì có, mà khó giác ngộ được.
267. Chuyện gì đến sẽ đến
Chuyện gì đi sẽ đi
Tùy duyên mà ứng xử
Vô ngại, tâm xả ly.
268. Quan sát những gì xảy ra nơi mình là để có thể thấu hiểu và cảm thông chính mình một cách trọn vẹn, chứ không phải quan sát như là cái ngã này kiểm duyệt cái ngã kia. Bản thân sự quan sát hồn nhiên là đạo, là thiền, là giác ngộ, là giải thoát chứ không phải là phương tiện để tìm ra giải pháp cho một vấn đề.
269. Thực ra không có năng lực nào tốt hơn khả năng có thể kiên trì nhẫn nại trước mọi thử thách cam go đầy phiền não khổ đau trong cuộc sống hiện tại để học ra bài học giác ngộ của mình.
Năng lực đó không xuất phát từ ý chí phấn đấu kiên cường của cái ta dũng mãnh mà từ một tâm hồn giản dị, bình thường, thầm lặng và vô ngã.
270. Chỉ nên sợ lòng mình phức tạp hơn là sợ lòng người rắc rối.
271. Mê đời nên mới chán đời
Không mê không chán thảnh thơi cõi lòng
Khi tâm thanh tịnh sáng trong
Bờ mê bến giác thong dong đi về.
272. Cuộc sống tự nó không phải là vai diễn, mà là pháp đang vận hành đúng với luật nhân quả duyên báo rất tự nhiên. Chính cái ta ảo tưởng lăng xăng phản ứng tạo tác trên cuộc sống mới là vai diễn. Bao lâu còn muốn diễn thì mãi mãi vẫn còn ngột ngạt khôn nguôi.
273. Thiền không phải là phương pháp bên ngoài mình đem về áp dụng nơi mình. Thiền chỉ là thấy ra sự thật nơi chính mình để ngay đó tự nó điều chỉnh. Ai đến học thiền với Thầy cũng mong được dạy một phương pháp bài bản để đem về cứ áp dụng là xong, nhưng với Thầy, thiền mỗi lúc một mới. Không phải nhớ ngày hôm qua thiền có kết quả tốt quá, hôm nay làm sao cũng phải được như vậy.
274. Năm tháng vẫn qua đi
Nhưng mỗi ngày một mới
Chỉ có nỗi sầu bi
Ôm niềm đau đã cũ!
275. Con xem cuộc đời là cái chợ để con chọn đồ tốt nên mới sợ đồ giả, còn nếu con xem cuộc đời là trường học giác ngộ thì sinh khắc gì cũng đều giúp con giác ngộ cả, có gì phải sợ!
276. Cuộc đời chính là trường thiền vĩ đại nhất, với đầy đủ pháp môn tự nhiên nhất, thiết thực nhất cho mọi căn cơ, trình độ, qua những tình huống xảy ra mà trao bài học đến cho từng cảnh ngộ, nghiệp duyên của mỗi người. Chính những tình huống thực tại đó là những bậc thầy ngày đêm không mệt mỏi, tình nguyện chỉ dạy cho con sống thiền một cách cụ thể và chính xác hơn bất cứ hướng dẫn của vị thiền sư nào.
277. Của Trời trả cho Đất
Bàn tay luôn mở ra
Cho đi nào có mất
Mất vì giữ cho ta!
278. Nếu con vẫn tìm kiếm cái tốt hơn những gì đã xảy ra thì con sẽ không thể sống một cách trọn vẹn và chân lý, dù luôn hiện diện ngay bây giờ và ở đây, thì đối với con vẫn trùng trùng xa cách.
279. Dù đang sống giữa bùn nhơ thì quan trọng vẫn là đóa hoa tâm nào sẽ nở từ đống bùn tối tăm và nhầy nhụa ấy.
280. Tham ái chỉ bị chặn đứng bởi đau khổ và diệt tận bằng trí tuệ. Sám hối, xưng tội, trì chú hay tha tội chỉ là động tác tâm lý để người làm tội bớt đi mặc cảm mà vươn lên thôi, chứ trên thực tế không có hiệu quả tận gốc.
281. Nếu ngồi Thiền để đạt được điều gì đó thì đã bị cái Ta ảo tưởng lừa rồi.
282. Càng ước mơ hạnh phúc
Càng thấy nhiều khổ đau
Cả hai đều mộng ảo
Đâu có khác gì nhau!
283. Sớm muộn gì bạn cũng sẽ nhàm chán thành tích đã đạt được, bởi vì cái gì có sinh tất có diệt, và cái gì có được từ tham cầu thì không bao giờ thỏa mãn, và lòng tham ái sẽ tiếp tục nỗ lực tìm cầu cái chưa có.
284. Hãy nhìn tính chất vô thường của các pháp, hãy để cho mọi kinh nghiệm của thân tâm đều trôi qua, không giữ lại dấu vết gì cả, nếu không, kinh nghiệm chỉ làm tăng trưởng bản ngã mà thôi… Để cho lòng thanh tịnh thì phải buông hết mọi kinh nghiệm và chỗ nương tựa đi mới được.
285. Cố sức giữ một ly nước cho nước đừng chao theo ý mình, khác xa với ly nước yên mà thấy thì nó tự không chao nữa. Đối với tâm cũng vậy thôi. (Có cái “ý của ta” “Ta” ở đâu, thì ở đó hết tĩnh. Ta không nên can thiệp vào Pháp, không đòi hỏi, không yêu cầu, thì ta yên)
286. Khi con còn ghét điều ác, chứng tỏ con chưa thấy ra hết bản thân mình.
Nếu con trở về lắng nghe, quan sát, tự chiêm nghiệm lại mình một cách trọn vẹn, thì con sẽ có lòng thông cảm và bao dung.
287. Nên sẵn sàng cởi mở để học hỏi bất cứ điều gì đúng với lẽ thật, từ bất cứ nguồn nào, chứ không phải chỉ riêng Phật giáo và Thiên chúa giáo, nhưng đồng thời cũng không nên theo bất kỳ tổ chức, tôn giáo nào mà chỉ nên theo chân lý thôi. Chân lý thì không thuộc về tổ chức nào cả, chân lý khác xa với tổ chức.