- Phàm phu nhìn nhận vấn đề phiến diện, thấp thỏi, ích kỷ, trong phạm vi nhỏ hẹp, ngắn ngủi, nông nổi, nóng nảy, thô tháo, nhơ bẩn, hôi dơ. Chư Phật, Bồ Tát, Thánh tăng nhìn nhận vấn đề đa chiều, lâu dài, rộng lớn, sâu sắc, điềm đạm, nhẹ nhàng, nhu nhuyến, tế nhị, sạch sẽ, thơm mát.
- Với nhiều người, không nhất thiết cứ phải đủ tam tạng mới có thể tu học.
- Pháp môn Niệm Xứ là soi rọi bản chất của mình, và thế giới, để từ đó không dính mắc vào bất cứ cái gì, bằng sự thích ghét.
- Tôn thờ một vị tu sĩ nào, cũng là vướng kẹt.
- Phá bỏ những thứ không cần thiết. Xây dựng những điều cần thiết cho giác ngộ.
- Cẩn thận với những điều ta thấy, ta thích.
- Ai cũng sợ những điều nghịch ý, nhưng không đáng sợ bằng hạnh phúc – vui vẻ, dính mắc với thứ làm ta thích thú.
- Bản thân sự chết không đáng sợ bằng chính tâm trạng sợ chết.
- Con chim khi đậu trên một nhánh cây, nó không tin tưởng vào nhánh cây mà chỉ tin tưởng vào đôi cánh của nó. Đa phần con người thì ngược lại.
- Những gì ta thích thú và khiến ta hạnh phúc, chính là mặt còn lại của thứ ta ghét và khiến ta đau khổ.
- Có người thường ray rứt với chuyện mình đã làm, hơn là đối với những gì mình đã không thực hiện. Nhưng có nhiều người thì ngược lại, hiểu được điều này, thì đã là hiểu được một nửa thế giới.
- Đối với nhiều người, quá khứ là tất cả. Đối với nhiều người, tương lai là tất cả, và có những người chỉ có giây phút hiện tại. Hãy tự xét xem, mình thuộc nhóm nào, và tại sao?
- Những gì chúng ta có được bằng sự nỗ lực, thực ra không quan trọng bằng việc ta sẽ trở thành người thế nào sau quá trình nỗ lực ấy.
- Lời dạy của Đức Phật là món quà cho ta, còn những gì ta hành trì được chính là những gì ta cúng dường cho Ngài.
- Hầu hết chúng ta chỉ có tồn tại chứ không phải sống. Có người sống lâu chỉ để thành món đồ cũ chứ không phải món đồ cổ.
- Khi ta xây dựng cái gì ngoài ta, chính là lúc ta đang xây dựng chính mình. Khi ta kiếm tìm cái gì, thì cũng chính là đang xác định bản thân.
- Trước mắt, ta đã phần nào trở thành con người mà mình muốn thành.
- Con đường dẫn đến bất cứ mục đích nào, như là băng qua thứ gì đó chứ không chỉ đơn giản là lộ trình nhắm tới.
- Hầu hết những gì ta cần làm đều là những thứ ta e ngại.
- Phải sống vị tha nhưng chỉ nên ở bên cạnh người khác để giúp họ, chứ không nên để mình rớt lại phía sau.
- Đời sống thật sự của mỗi người chính là những giây phút ta đang bận rộn cho những toan tính nào đó.
- Hầu hết cuộc sống của ta chỉ là những giây phút diễn xuất.
- Ta gặt hái thứ gì không quan trọng, quan trọng là ta gieo trồng những gì.
- Ta phải là người an lạc, mới có thể giúp người khác an lạc. Muốn cho ai thứ gì thì trước hết ta phải có nó.
- Giây phút nào trong đời sống cũng đều có thể là thời điểm lý tưởng để ta bắt đầu một điều tốt lành nào đó. Nghĩa là không có gì là muộn màng.
- Đừng buồn vì cái đã xảy ra, mà hãy vui vì cái gì đó đã xảy ra.
- Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là tạo ra nó.
- Có người nói, cứ gõ thì cửa sẽ mở. Nhưng nếu cánh cửa không mở, thì ta phải ra cánh cửa khác.
- Chúng ta có hai con mắt, để nhìn cái gì là hiện tượng và cái gì là bản thể.
- Chúng ta có hai bàn tay để giúp mình và giúp người.
- Chúng ta có hai bàn chân, để giữ thăng bằng và đi về phía trước.
- Tham ái có 2 trường hợp là, mong mỏi có được cái mình muốn và mong mỏi tránh được thứ mình ghét.
- Tất cả hạnh phúc và đau khổ trên đời đều đến từ một trong hai nguồn, là: Có thứ gì đó và Không Có thứ gì đó!
- Tình cảm là mật đắng, không phải là mật ngọt, có điều nó thơm và đẹp, khôn hồn đừng chạm vào. Ai thích hay ghét bằng cả lục căn thì chỉ có chết.
- Sân tâm có hai trường hợp, là bất mãn vì không có được cái mình muốn, và không tránh được cái mình ghét.
- Khi bất mãn thứ gì thì ta đau khổ tại chỗ, khi đam mê thứ gì thì ta chuẩn bị cho đau khổ sau này.
- Tu niệm xứ là hạn chế và chấm dứt mọi bất mãn cùng đam mê.
- Tất cả phàm phu thường giải quyết đau khổ bằng cách đầu tư một thứ khổ khác.
- Người tu tập thường tu hành thiện lánh ác với một trong hai lý do. Tránh tội để không bị khổ, hoặc hành thiện để được hạnh phúc.
- Cứu cánh giải thoát là không còn thiện ác, sướng khổ.
- Quả lành của việc bố thí là sự sung túc, giàu có. Nhưng quả lành ấy không có giá trị bằng chính lòng hào sảng đã thực hiện việc bố thí, vì nhân lành chắc chắn đem lại quả lành, nhưng quả lành chưa chắc dẫn đến nhân lành.
- Người hưởng thụ vật chất thì xem sự sung túc vật chất là điều đáng mơ ước. Nhưng người ly dục thì thấy rằng, càng ít ham muốn mới là điều đáng mong muốn.
- Tùy vào nền tảng tâm thức mà trong cùng một việc, mỗi người nhắm đến một mục đích khác nhau.
- Trong cùng một hoàn cảnh và điều kiện sống, mỗi người nhắm đến một cứu cánh riêng.
- Ta học đạo và hành đạo để tìm cách tháo gỡ những vướng mắc và gánh nặng.
- Nhiều người học đạo để chất chứa kiến thức, hành đạo để chất chứa công đức. Muốn chất chứa thì phải có chỗ để chứa. Và cũng chính nơi đó là để chất chứa khổ đau.
- Tùy vào tuệ căn bản thân, có người thấy hạnh phúc khi có thứ gì để cầm, nắm, khiêng, vác. Có người thì lại an lạc khi rảnh tay, nhẹ vai.
- Toàn bộ đời sống chỉ có hai việc để làm. Đó là thêm và bớt thứ gì đó để mình được đẹp hơn, vui hơn, hay ho hơn. Tùy người mà những thứ thêm và bớt ấy là gì.
- Có một cách để thỏa mãn mọi mong ước của mình, là thay vì tìm cách thỏa mãn chúng, thì nên hạn chế những thứ mong muốn.
- Chỉ có sự buông bỏ mới có thể giúp ta sống thanh thản và chết an lành. Nếu tự thấy mình không có khả năng buông bỏ thì nên hạn chế những thứ khó buông bỏ.
- Thứ đáng sợ nhất trên đời chính là lòng sợ hãi.
- Mọi thứ ta sở hữu luôn sẵn sàng rời bỏ ta qua một trong hai cách: ta không giữ được nó, hoặc không còn muốn giữ nó nữa.
- Người hạ căn quan tâm đến con người. Bậc trung căn quan tâm đến sự kiện. Bậc thượng căn quan tâm đến vấn đề.
- Luyến ái là mong người mình thương phải như ý mình muốn. Còn từ tâm là muốn đối tượng được thứ họ cần.
- Việc tốt lành thì không bao giờ là trễ. Người 90 tuổi hoàn toàn có thể giúp người khác vui và tự làm mình vui.
- Người biết Phật pháp và không biết Phật pháp khác nhau ở chỗ, hái táo xong có ăn luôn không, và có tiếp tục trồng nữa hay không.
- Có điều kiện để hưởng thụ, đó là phước của ta. Biết giữ mình để không hưởng thụ là đức của ta.
- Bồ tát là người làm được ba việc. Có thể tự sống an lạc, có thể giúp người khác sống an lạc, và có thể dạy người khác biết sống an lạc.
- Ta thấy giới luật là quan trọng vì ta còn nhiều vấn đề phải giải quyết bằng giới luật. Ta thấy thiền định và trí tuệ quan trọng, vì ta còn thấy nhiều vấn đề phải giải quyết bằng trí tuệ và thiền định. Ta thấy giải thoát là quan trọng vì ta mang thân sanh tử.
- Đôi khi lý luận giúp ta soi rọi, giải quyết vấn đề. Nhưng sự đam mê trong lý luận thường khi lại ngăn chặn ta nhìn ra vấn đề.
- Do hiểu lầm, mà có thích và ghét. Đó là phiền não, sanh tử. Cách giải quyết điều mình thích và ghét, đó là nghiệp luân hồi.
- Tùy thuộc vào căn cơ của mỗi người mà con đường giải thoát trở nên dễ hiểu hơn, khi được chia thành 2,3,4,5,6,7.8 pháp môn.
- Việc cần làm của người bệnh là kiểm soát lượng thuốc mình uống, liệu trình mình áp dụng, và theo dõi tình trạng bệnh tật hiện tại của bản thân, cả 3 việc ấy tuyệt đối không có gì để người bệnh hãnh diện. Người tu học Phật pháp chỉ cần nhớ chừng đó. Tùy lúc, tùy hoàn cảnh mà ta quan tâm đến cái gì để thích và sợ. Người tu Phật chỉ luôn nhớ đến điều tốt nhất mà mình có thể làm. Ở đây không có chuyện thích hay ghét.
- Niệm Phật, trì chú, hay đếm hơi thở đều là pháp môn tu tập của người tu hành bây giờ. Điều cốt lõi là ta phải xem pháp môn nào giúp mình bớt tham, bớt sân, bớt si, niềm tin và sự nỗ lực chỉ là hai trong nhiều hạnh lành phải có để giải thoát.
- Người hỗ trợ ta trong đời sống là bạn ta, người dạy ta điều ta chưa biết là thầy ta, khi ta lệ thuộc quá nhiều vào thầy, bạn, thì họ là cai ngục của ta. Sư phụ nào cũng là địa chỉ tham khảo. Lắm lúc sư phụ ta không hiểu ta bằng chính ta.
- Thức ăn lành và số lượng vừa đủ là nguồn sống của. Khi ta không kiểm soát được số lượng và chất lượng của thực phẩm, thì những thứ ăn vào đều là thứ giết ta. Hành giả chỉ cần nhớ như vậy. Sách vở, chữ nghĩa chỉ là tủ thuốc, thậm chí là một nhà thuốc. Không phải thứ gì ở đó ta cũng có thể cho đi vào cơ thể mình. Thuốc của người này có thể không hẳn có thể dành cho người kia. Các bác sĩ và dược sĩ thì có thể có những hạn chế của họ. Hành giả không nên quên điều này.
- Người không thấy sự hiện hữu của mình là gánh nặng thì mọi công phu tu tập nếu có cũng chỉ là sự chuyển đổi từ nhà tù này sang nhà tù khác, từ phòng giam này sang phòng giam khác, hầu hết người tu Phật bây giờ muốn tiếp tục có mặt để tu hành còn hơn là vắng mặt để giải thoát.
- Tùy vào khả năng nhận thức của bản thân mà mỗi người thấy được bao nhiêu vấn đề của mình. Từ đó, cứu cánh giải thoát của mỗi người cũng khác nhau. Người nghèo thấy giàu có là sự giải thoát, người bệnh thấy khỏe mạnh là sự giải thoát, người mệt mỏi với hôn nhân thấy ly dị là giải thoát, người chán sợ sinh tử thấy Niết bàn là giải thoát.
- Đề mục nào pháp môn Tứ niệm xứ đều nhắm đến ý nghĩa tháo gỡ mọi thích và ghét trong lục trần. Tùy căn cơ mà ta thích hợp với đề mục nào.
- Hiểu rốt ráo sắc pháp cũng sẽ buông bỏ danh pháp. Hiểu rốt ráo danh pháp cũng sẽ nhàm chán sắc pháp. Nhàm chán dẫn đến ly tham và giải thoát.
- Khi ta quá hài lòng hay bất mãn một người, một vật, một sự kiện, thì ta đã thu hẹp vũ trụ và đóng khung nhận thức của mình vào một cốc tù. Sống trong cốc tù, thì ta đã là một tù nhân.
- Hạnh phúc thực sự của một người tu Phật không phải là có được cái gì, hay tránh được thứ gì, mà là sự không nặng lòng với bất cứ thứ gì.
- Như ta đã biết, đời sống chỉ là dựng xây và tháo gỡ. Vấn đề là ta biết rõ, cái gì cần xây dựng, cái gì cần tháo gỡ. Lúc nào thích hợp để làm chuyện ấy. Làm theo cách nào.
- Nên nhìn kỹ vào những gì ta ghét làm nhất, chứ không phải những điều ta muốn làm nhất. Vì hầu hết, những điều có ích cho ta, đều nằm trong số ta ghét làm nhất.
- Nên nhìn kỹ vào đau khổ hơn hạnh phúc, vì trong đau khổ ta mới hiểu rõ được mình và thấy ra được ánh sáng cuối đường hầm. Chính cái này mới là điều mà ta cần đến.
- Nên thay đổi trước khi phải thay đổi. Đôi khi ta phải biết từ chối những lối mòn để mở ra con đường mới, và lưu lại dấu mòn cho người khác.
- Từ tâm cao nhất không phải là công đức, mà là phẩm hạnh.
- Bố thí cấp một là để cầu công đức cho mình, bố thí cấp hai là vì thương người. Bố thí cao cấp nhất là không tìm thấy lý do để không bố thí.
- Người ta luôn sợ những điều tiêu cực như thất bại, xấu xí, đau khổ, và luôn hướng đến những điều tích cực, mà không chịu hiểu rằng, những điều tiêu cực là cái thứ gia vị đắng cay chua chát; còn những điều như ý là thứ gia vị thơm ngon, ngọt bùi. Tất cả những gia vị ấy đều cần thiết cho mâm cơm cuộc đời. Vấn đề là ta đón nhận những điều tích cực và tiêu cực bằng trình độ và thái độ nào. Xưa nay, người ta thường trở nên vĩ nhân nhờ vượt qua những điều tiêu cực, chứ không phải nhờ thưởng thức những điều tích cực.
- Người hiểu đạo phải biết làm việc lớn, nhưng lớn ở đây không phải trên quy mô có thể nhìn thấy bằng mắt, mà là chủ ý và đối tượng lúc hành động.
- Ta có đôi chân, có cặp mắt, và những con đường có sẵn khắp nơi, vấn đề là ta có chịu bước đi và chọn chỗ nào để đến hay không? Nếu không xê dịch đôi chân thì ta không khác gì một người tàn phế, suốt đời ở yên một chỗ.
- Lời Phật dạy luôn có sẵn trong kinh điển. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ người thờ Phật có chịu hành trì hay không?
- Trong rất nhiều thất bại, ta không hề biết rằng, sự thành công chỉ cách mình trong gang tấc. Tất cả chỉ vì ta bỏ cuộc quá sớm.
- Giúp đỡ người khác là chuyện hay ho, nhưng nếu ta không có một đại nguyện cho riêng mình, thì cả đời này, nhiều lắm, ta chỉ cũng chỉ giúp người khách hoàn thành đại nguyện của họ mà thôi.
- Điều duy nhất ta không thể thực hiện được, đó là những việc mà ta chưa bao giờ chịu khởi sự.
- Sống được bao lâu trong cuộc đời không sánh được với việc ta sống được bao nhiêu và sống thế nào. Ta có thể định nghĩa cuộc đời của một Phật tử nằm gọn trong hai khả năng: Có thể sống an lạc và giúp người khác an lạc. Để có được đời sống như vậy, chỉ có thể sống thiện.
- Được người khác tôn trọng không quan trọng bằng việc ta có xứng đáng với sự tôn trọng ấy, kể cả khi không được tôn trọng.
- Đời sống cần phải đơn giản, sở dĩ ta gặp nhiều rắc rối chỉ vì ta không phân biệt được cái gì là thừa.
- Đời sống không có gì để ta sợ hãi, mà chỉ là những gì cần được thấu suốt.
- Hiểu đúng từ ngữ mình vẫn dùng mỗi ngày, cũng là một cách hành trì giải thoát.
- Hợp tác không có nghĩa là lệ thuộc, buông bỏ không có nghĩa là thiếu trách nhiệm. Nhàm chán không có nghĩa là bất mãn, từ tâm không có nghĩa là ái luyến, tiết kiệm không có nghĩa là bủn xỉn.
- Hiểu đúng từ ngữ mình vẫn dùng cũng là một cách tu tập, như hào sảng khác với hoang phí, tiết kiệm khác với bủn xỉn, khiêm tốn khác với tự ti, tự tin khác với kiêu ngạo, tự trọng khác với sĩ diện.
- Người hạ căn muốn cầu giải thoát phải nhờ đến cảnh khổ. Bậc thượng căn thì cảnh nào cũng tu được. Bậc thượng căn khi chưa đạt được cứu cánh sau cùng thì không bị dính mắc với hoa cỏ trên đường. Kẻ hạ căn thường vì hoa cỏ trên đường mà quên mất cứu cánh.
- Xét cho cùng, thì công đức nào cũng là sự buông bỏ. Bố thí là buông bỏ lòng tham, thiền định là buông bỏ phóng dật, giới là buông bỏ thói quen, tật xấu của thân, khẩu. Nhưng hầu hết phàm phu khi nhận được quả lành thì đều thích giữ chặt, nghĩa là khi nhận được quả lành thì sống ngược lại với tinh thần của nhân lành.
- Việc gì được thực hiện thường xuyên thì trở nên lão luyện, đối với nghiệp thiện và nghiệp ác cũng vậy.
- Do sống nặng với cảm giác, nên phàm phu thường trốn khổ tìm vui. Do quá nặng lòng với những khái niệm, nên chúng sinh chìm sâu trong sáu tưởng. Thấy được mọi thứ do duyên mà có, hiện hữu trong những khối tổng hợp và sẵn sàng mất đi, các khái niệm kia chỉ là bọt nước.
- Tùy thuộc vào tánh thiện và ác ở mỗi cá nhân mà ta thích và ghét khía cạnh nào ở 6 trần. Tùy vào đối tượng thích ghét mà ta đi về cảnh giới nào, như có một người nhìn vào đất nước lửa gió, xanh vàng đỏ trắng để tiếp tục sinh vào cõi dục và sinh về cõi dục. Có người nhìn những thứ này như là những đề mục thiền định rồi nhờ vậy mà sinh về Phạm thiên. Có người nhìn những thứ này mà tu tập tuệ quán, chấm dứt sinh tử.
- Dùng trí thức thế gian để sống ở đời là lấy ánh sáng để tạo ra bóng tối, như lấy hiểu biết về vật chất để đam mê chúng hơn. Chỉ có trí tuệ Phật pháp là ánh sáng tạo ra ánh sáng.
- Phàm phu lúc sống ác là trực tiếp tạo ra quả khổ, lúc sống thiện là gián tiếp tạo ra quả khổ. Bậc thượng tri hành thiện, tránh ác bằng nhận thức tuệ quán, rằng mọi thứ do duyên mà có, và đều vô thường, nên nhờ vậy, ở hoàn cảnh nào cũng tìm ra con đường giải thoát.
- Ai chứng Thánh cũng phải thấy rõ tam tướng của danh sắc, nhưng tùy thuộc vào căn cơ mới thấy rõ khía cạnh nào trước, căn cơ này đã được chuẩn bị từ nhiều đời quá khứ, và đã là nền tảng cho việc tu tập công đức, nên khi công đức viên mãn thì mỗi vị có kiếp chót không giống nhau, và hành trình chứng đạo cũng khác nhau, đó là chưa kể đến nếp sống sau lúc chứng đạo.
- Chính cách nhìn của ta về hạnh phúc sẽ tạo ra một cái nhìn khác biệt về đau khổ. Đối với thiện ác cũng vậy, đây là toàn bộ nội dung, nhận thức và hành trì của hành giả.
- Trí tuệ cần có ở một người Phật tử là khả năng nhận thức ngay ở trong mỗi lúc làm, nói, và suy nghĩ, chứ không phải là kiến thức cố gắng nhồi nhét vào đầu mà không đủ để thay đổi chính mình.
- Việc tu tập tuệ quán phải là nhu cầu sống tự nhiên, không phải là thứ công phu mà ta cố ép mình để thực hiện.
- Đời sống thanh thản giống hệt như một giờ thiền tọa.
- Một hành giả không giỏi giáo lý cũng có thể tu tập bằng cách sinh hoạt với một tâm niệm thường trực rằng, mọi thứ đang trôi qua, ta đang tốt hơn hoặc xấu hơn, và chắc chắn, là đang tiến gần đến cái chết hơn.
- Mọi thứ ở đời – kể cả con người luôn cần đến vô số điều kiện để hiện hữu. Vấn đề là điều kiện đó là gì, ta cần tiếp nhận chúng ra sao, và đang trở thành một con người như thế nào, rồi sẽ chết đi theo cách phù hợp với kiểu hiện hữu ấy.
- Đời sống thanh thản giống như một giờ thiền tọa của hành giả với đề mục hơi thở. Chỉ quan sát mà không can thiệp, theo dõi mà không điều khiển. Hít vào đầy phổi đến lúc nào đó tự có yêu cầu thở ra. Khi phổi cạn hơi, thì ta tự có nhu cầu hít vào. Đời sống chỉ là những khoảnh khắc của các nhu cầu. Sống tùy duyên với tinh thần trách nhiệm và tỉnh thức. Không cưỡng cầu.
- Chỉ riêng việc quan sát nội tâm mình với những buồn vui thiện ác thì đã hết thời gian trong ngày. Ta làm gì có thời gian cho những thị phi bên ngoài? Một điều hoàn toàn vô ích, chỉ góp phần làm khổ mình, khổ người, làm cho thế giới càng thêm phức tạp.
- Một nhà hoàn hảo là phải có hai khả năng, cách âm, và cách nhiệt. Một nội tâm hoàn hảo cũng vậy. Khả năng cách âm là bình thản trước mọi thị phi, khả năng cách nhiệt là không bị bất cứ hoàn cảnh nào tác động. Người Phật tử phải biến nội tâm mình thành một căn nhà có được cả hai khả năng, cách nhiệt và cách âm. Cách nhiệt là hoàn cảnh nào ta cũng tu tập được, và cách âm là khả năng tự tại trước mọi thị phi.
- Làm gì thì cũng cần có một niềm tin, nhưng có một khác biệt rất lớn giữa chánh tín và cuồng tín. Không hiểu gì về Phật pháp thì niềm tin chỉ là cuồng tín. Kiến thức hỗ trợ cho nhận thức và nhận thức là nền tảng của hành trì. Không học giáo lý thì không thể hành trì, không hiểu cách nào các bậc Hiền thánh được giải thoát và sống an lạc, không hiểu được hai điều đó thì ta đừng nói đến chuyện an lạc và giải thoát.
- Trên mâm ăn cuộc đời có nhiều món ngon mà không lành, có nhiều món lành nhưng không ngon. Người biết Phật pháp chỉ làm một việc duy nhất là tập cho mình biết ngon miệng với những món lành.
- Tất cả những hướng dẫn giáo lý từ các sư phụ đều đến từ một trong ba nguồn: kiến thức của họ, khả năng suy tư của họ, và sự thực chứng của họ. Lời dạy đến từ nguồn nào thì sẽ cho ra một tác dụng tương đương.
- Quanh ta luôn có vô số thứ để nghe và nhìn, để chú ý và để ngó lơ, vấn đề là ta có biết chọn lọc những thứ gì để chú ý, nhằm khiến mình được thiện hơn và vui hơn. Hầu hết thiên hạ không để tâm đến điều này, nên cái họ chú ý gần như chỉ là hên xui.
- Muốn có được thứ khó được thì phải làm chuyện khó làm, người tu không cố ý đi tìm cái dễ hay cái khó, mà chỉ lưu ý cái gì cần thiết. Có điều là những gì cần thiết thì không dễ làm. Ta bài xích giáo lý A tỳ đàm thì không hiểu được cái sâu rộng, khó lường của lời Phật. Xem thường kinh tạng thì không thấy được khía cạnh thực dụng trong đời sống. Xem thường luật tạng thì ta chỉ thích sống buông lung. Tu học nghiêm túc là không bỏ qua một khía cạnh cần thiết nào.
- Sống xa Phật pháp là trong mộng đi tìm mộng, sống miên mật trong giáo pháp là trong mộng đi tìm thực. Chưa chứng thánh thì mọi kiến thức và hành trì cũng đều trong mộng. Có điều là mộng của người sắp thức giấc.
- Đời sống và cuộc tu giống hệt như một chuyến bay, và trên đó, hành khách phải ghi nhớ hai câu dặn dò này: Phao cứu hộ nằm ngay bên dưới chỗ ngồi, và khi máy bay gặp sự cố, hành khách phải biết đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình trước khi chăm sóc người lân cận.
- Trên băng chuyền của phi trường, dầu có bao nhiêu va li thì mỗi hành khách phải luôn chú ý để lấy đúng hành lý của mình, cái gì không phải của mình thì quý khách không thể lấy, và nếu có lấy cũng không dùng được. Mỗi người có nhân duyên rất riêng để sống và tu, ta không thể chạy theo quan điểm của người khác.
- Trong mọi chúng sinh đều luôn tồn tại cùng lúc hai khả năng đối trọng, đi lên hoặc đi xuống, tháo gỡ hay dính mắc, hạnh phúc hay đau khổ. Người không có lý tưởng giải thoát thì luôn chọn khuynh hướng dính mắc và đau khổ.
- Người thờ Phật luôn nằm trong 3 nhóm: sợ ác vì sợ khổ, thích thiện vì thích sướng, và nhàm chán mọi hình thức hiện hữu của sướng khổ. Tất cả pháp hội của Đức Phật đều được Ngài tùy duyên thuyết giảng, nhằm vào 3 hạng này.
- Thân và tâm, thời điểm và nơi chốn theo tiền nghiệp của chúng sinh mà mỗi lúc thích hợp cho một sự kiện nào đó, tốt hoặc xấu, vấn đề là ta có biết khai thác để có thể có được những thứ tốt nhất hay không, như lúc bệnh là cơ hội để ta thấy ra những điều mà lúc khỏe ta không thấy được. Giây phút cận tử giúp ta nhận ra những điều mà thuở bình sinh ta không nhận ra, giây phút an lạc giúp ta thấy những điều mà khi đau khổ không nhìn thấy. Có thấy đúng mới có hành động đúng, có hành động đúng mới đến được kết quả như ý.
- Tất cả mọi việc tránh ác hành thiện của người Phật tử chỉ đơn giản là những tưởng tượng cho hành trình trước mắt. Tránh ác thì tránh được những trở ngại, hành thiện là để có được những thuận duyên, và chính trong cái gọi là thiện ấy, có một thứ giúp ta có thể buông bỏ mọi sự, không sợ khổ, không ham sướng, chính là trí tuệ về tính sinh diệt của vạn pháp.
- Tham ái của phàm phu có đa dạng đến mấy cũng chỉ nằm trong các trường hợp sau: do chán chường cái cũ, mà tìm đến cái mới; do dính mắc cái cũ nên không tìm đến cái mới; do tò mò cái mới nên nhàm chán cái cũ; có hiểu vậy ta mới thấy luân hồi chỉ là một cuộc chơi của trẻ con.
- Lòng ta nghiêng về thứ gì thì phản ứng lúc bất ngờ sẽ đổ về phía đó. Cứ nhìn mấy thân cây thì biết. Đó là lý do các Bồ tát sinh ra thường hành thiện, dầu đó là thời điểm không có Phật pháp.
- Không một lời dạy nào của Phật mà không cần đến một sự thực tập, hành trì. Không sống chánh niệm sẽ không hiểu được giá trị của chánh niệm. Không sống quán chiếu sẽ không thấy đời là đau khổ và vô thường. Tùy căn cơ và thời gian thực tập ấy là nhiều hay ít, khi thiếu sự thực tập, hành trì, thì lúc ngộ sự ta sẽ hoang mang, bối rối, và thậm chí nghi ngờ lời Phật.
- Phàm tăng như một con dao bằng sắt, không mài thường sẽ bị mục và bị sét, cuối cùng, thành thứ vất đi. Tu hành là mài dao, mài cho nó luôn bén, sáng, mài cho đến lúc không còn gì nữa để mài thì thôi.
- Người có nội lực tu tập thì chỉ một thoáng thiện cũng đủ chặn dòng chảy bất thiện, người không có tu tập thì chỉ một thoáng bất thiện cũng chặn đứng một dòng thiện.
- Học giáo lý không chỉ đơn giản là chất chứa kiến thức, mà là đi tìm giải pháp cho những vấn đề của bản thân, có nghĩa là người Phật tử không cần phải uyên bác, mà chỉ cần hiểu được những vấn đề gắn liền với nhận thức và hành trì thường nhật của mình. Tức là, học nấu ăn để làm bếp chứ không phải là để viết sách gia chánh.
- Trí Tư là khả năng suy tư những vấn đề cần thiết trong đời sống tinh thần chứ không phải là để thỏa mãn sở thích lý luận bằng những vấn đề xa vời không thực tế. Nếu người nghĩ rằng mình không làm điều gì bất thiện chỉ vì không biết rằng, khi thiện vắng mặt thì ở phàm tâm chỉ có bất thiện, không cần ta phải nói hay làm điều gì cụ thể, và một điều quan trọng nữa, không làm ác chỉ là không vay nợ, ta phải có khả năng làm ra tiền mới có thể không nghèo.
- Trong mỗi người luôn có một nguồn năng lượng rất lớn, nếu ta không biết kiểm soát và khai thác nó đúng cách thì tự nhiên nó trở thành nguồn năng lượng xấu, để ta trở nên bất thiện và đau khổ. Tánh thiện thì phải lưu ý thường xuyên mới có được, nhưng tánh ác thì không. Cứ sơ ý là nó tự bùng phát.
- Rất nhiều người cứ tưởng mình giỏi giáo lý hoặc đang là hành giả trong thiền viện rồi yên tâm sống quên mình. Họ giống hệt người chết khát trên biển. Lượng nước mênh mông chung quanh, không thể giúp họ hết khát. Khi không nhắm đến cứu cánh giải thoát mà chỉ vùi đầu vào công đức, thì rất có thể ta sẽ giống như một người đi biển mang theo nhiều nước ngọt, mà vượt quá sức chở của con tàu. Nghĩa là không chết vì khát, mà chết vì chìm tàu.
- Tu tập tuệ quán là quan sát thân tâm này như đang nhìn một người khác, hành giả không thể tiến bộ khi tu tập với ngộ nhận rằng, tôi đang nhìn tôi, tôi đang nhìn thiện ác, buồn vui của tôi. Cách tu tập này đang đi ngược lại với tinh thần tuệ quán.
- Cho đến tận hôm nay, hầu hết những người đang tự nhận mình là hành giả vẫn có suy nghĩ rằng, ngoài giờ thiền tọa hay thiền hành, thì mình có quyền sống với ngã chấp và thất niệm. Một bệnh nhân đang trong thời kỳ trị liệu không thể tự cho phép mình, lúc nào là lúc chữa bệnh, lúc nào là lúc có thể phung phí sức khỏe.
- Dầu muốn hay không, dầu biết hay không, đời sống của mỗi người chỉ có an lạc và đau khổ. Có người trong đau khổ tiếp tục tìm đến đau khổ, có người trong đau khổ lại chế tác an lạc, có người trong an lạc chế tác đau khổ, có người trong an lạc tiếp tục chế tác an lạc.
- Có người đến với Phật vì thấy Ngài hơn mình, họ thờ Ngài bằng cách ngước nhìn. Có người đến với Phật vì thấy mình có điểm giống Ngài, họ thờ Phật bằng cách nhắm mắt lại.
- Cuộc đời giống như một đêm tối. Ai cũng cần có ánh sáng để mà hoạt động. Tùy vào khuynh hướng cá nhân mà ánh sáng ấy soi rọi cho người ta làm việc gì, có người nhờ ánh sáng mà làm việc hữu ích, có người nhờ ánh sáng mà làm việc bất thiện.
- Tất cả những gì ta có từ tinh thần đến vật chất, gom chung lại thành một chiếc mền để đắp, mền đắp để ấm chứ không phải để trùm cho ngộp.
- Tùy vào cơ địa của mỗi người mà những thứ ta ăn vào để cho ta khỏe, hay khiến ta bệnh. Trong việc tu học cũng vậy, phải xác định mình cần gì, kiêng gì, cách thức, liều lượng ra sao.
- Vĩ đại như ngài Xá Lợi Phất cũng phải có một thần tượng để hướng về, đó là Đức Phật. Ta là một phần của thần tượng mà mình tôn thờ.
- Tu tập với lục căn, không phải là nhắm mắt, bịt tai, mà là giữ lòng không vướng mắc hay bất mãn trước trần cảnh. Lục trần quanh ta như một cánh đồng cỏ. Có người nhìn thấy ở đó là một vùng xanh ngát. Có người thấy ra từng lá cỏ. Cỏ nào rồi cũng héo khô. Có người lấy cỏ khô làm phân nuôi cây. Có kẻ để yên chúng nằm đó, để nuôi trở lại đám cỏ mới. Có người quan sát tánh vô thường của 6 trần để phát triển tuệ quán. Có người dùng 6 trần để nuôi lớn phiền não.
- Tu tập một cách khiêm tốn và kín đáo là tu tập cho mình, tu tập mà mong người khác biết thì chỉ là diễn xuất cho người khác xem. Tu tập kiểu nào thì sẽ nhận kết quả tương ứng như vậy.
- Tu tập là giải quyết các vấn đề của nội tâm, không phải là chỉ chú ý đến các hình thức bên ngoài. Người điều khiển xe bò chỉ chú ý đến con bò chứ không phải thùng xe.
- Dầu tu tập bất cứ công đức nào mà lòng luôn nghĩ về cái tôi và của tôi, thì cũng giống như lấy nước rửa cục đất sét cho sạch.
- Ta phải biết hoan hỷ và trân quý những phúc lành mà mình tu tập được, nhưng theo cách mà một người trân quý một cội cây ngoài vườn, chứ không phải cách trân quý một chậu cây bonsai.
- Màn hình internet mà ta lướt web mỗi ngày, chính là tấm gương soi con người thật của mình. Khi ta đang tìm xem thứ gì cũng là lúc ta đang tìm lại con người thật của mình.
- Giá trị của mỗi con người nằm ngay ở những gì họ thích và ghét. Chiều cao của mỗi con người chính là những gì mà họ hướng đến. Có nhiều người chỉ có thân dài chứ không phải là cao, có những người chỉ béo phì mà không phải là nặng ký.
- Tô chén bằng chất liệu gì cũng được, miễn là đựng món ngon; Ngon dở gì cũng được, miễn là an toàn. Trong hình thức xuất gia hay cư sĩ, đều không quan trọng bằng ta có nội dung hành trì như thế nào.
- Lương Vũ Tích đời Đường có nói rằng, vực sâu được xem là chốn thiêng, không phải vì nước sâu, mà vì có rồng ở. Ngọn núi được xem là non thiêng, không phải vì có núi cao, mà là vì có tiên ở.
- Giới luật là bức tường ngăn kẻ xấu xâm nhập, không phải để giam nhốt chủ nhân bên trong. Giữ giới mà an lạc là đúng, giữ giới mà khiến mình và người khác không an lạc là sai.
- Kinh nói tâm ta như một con bò, trần cảnh là một cánh đồng cỏ. Ta biết tu thì ta là một người chăn bò, không biết tu thì ta chỉ là một con bò trên cánh đồng ấy.
- Cuộc đời là một đại dương, có người nhờ biển mà đi đến muôn phương, có người chỉ đánh cá ở một vùng biển nhỏ hẹp, có người chỉ vui chơi bên bờ biển, có người thì chết đuối trong biển.
- Khi sống năng động tích cực, thì ta trở nên con cá khỏe mạnh trong nước; khi sống thụ động tiêu cực thì ta chỉ là một con cua hay con mắm chờ ngày rệu rã.
- Kinh nghiệm tuệ quán có thể có được ở mọi nơi, mọi lúc, và mọi cá nhân, như một bà nội trợ biết rõ phải nêm nếm đường, giấm, muối bao nhiêu để làm ngon một món ăn; biết rõ nhiệt độ bao nhiêu là thích hợp, để thức ăn không bị sống, khét, không để bọt trào nồi. Kinh nghiệm tuệ quán cũng có thể có ở một người đang lái xe ở ngoài xa lộ, tài xế phải biết rõ cái gì nên nhìn, cái gì không nên để ý, biết rõ thế nào là tốc độ đúng luật, muốn đổi làn cũng phải theo luật. Muốn nhận biết 6 trần và kiểm soát 5 triền, đều theo kinh nghiệm của người nấu ăn và người lái xe.
- Phật pháp nói riêng và chuyện đời nói chung, giống như một thỏi chocolate, tùy vào lượng đường và miếng ca cao được thêm bớt mà miếng chocolate ấy khiến ta tiểu đường hay hỗ trợ tim mạch.
- Những sự cố lớn nhỏ diễn ra trong đời mỗi người giống như tiếng chuông báo thức của chiếc đồng hồ, có người nghe tiếng chuông reo thì thức dậy làm việc, có người thò tay tắt chuông rồi ngủ tiếp. Và tệ nhất, có người thức dậy đi làm chuyện quấy. Ta phải xem trạng thái tốt xấu buồn vui của mỗi ngày như là những đổi thay của thời tiết, lúc nào cũng có công việc thích hợp để làm. Lúc nào trời nắng đẹp thì sinh hoạt ngoài trời, hoặc phơi phóng đồ đạc. Trời mưa thì làm việc trong nhà, trời mát mẻ thì đi dạo. Không lúc nào chúng ta rời tu tập.
- Từ pháp học đến pháp hành, dầu thích đến mấy ta cũng không thể và không nên cứ mang một đôi giày không vừa chân của mình. Từ pháp môn tu tập cho đến bạn bè giao tiếp hay trú xứ để ở, đều phải được ta xét đến các khía cạnh, có lợi hay hại gì cho mình, ta có thể tiến hay lùi qua đó không.
- Người Do thái nói, một giọt nước có thể làm hỏng một ly nước sạch, nhưng một ly nước sạch thì không thể hóa giải một giọt nước dơ. Người Phật tử không thể nghĩ rằng, mình là một hành giả với mấy giờ hành thiền mỗi ngày, hoặc là một thí chủ lớn thường xuyên cúng dường tam bảo hay là một tu sĩ tinh thông Phật pháp, và rồi coi thường những giây phút thất niệm.
- Đức Đa Lai Lạt Ma nói rằng, mỗi năm có những ngày đặc biệt mà ta không thể làm việc gì, đó là những ngày mà ta gọi là ngày mai và hôm qua. Điều gì cũng chỉ có thể làm trong ngày hôm nay mà thôi. Hành giả phải tự hỏi mỗi năm, mỗi tháng, hay mỗi tuần ta có được bao nhiêu ngày hôm nay, pháp môn Tứ niệm xứ còn chặt chẽ hơn nữa, ta chỉ có thể tu tập ngay tại đây và bây giờ.
- Mỗi người như một chiếc lá, nếu không nhanh chóng vào bờ mà cứ trôi vô định giữa dòng thì chắc chắn sẽ có lúc chìm xuống đáy bùn. Mỗi người là một cây kim may, ta có thể may vá hoặc đâm chích người khác, ngay cả khi ta ngồi im không làm gì thì cũng đừng để mình là một mối ẩn họa cho người khác khi là một cây kim nằm trong gối.
- Chúng ta giống hệt một ngọn nến, nằm im trong hộp thì vô dụng, muốn có ý nghĩa thì ngọn nến phải được thắp sáng và tồn tại theo cách tự hủy. Chúng ta sớm muộn gì cũng chết, nên phải tranh thủ sống hữu ích trong những ngày tháng còn lại của đời mình.
- Chúng ta không thể là một công chúa ngủ quên trong rừng, kể cả trường hợp nằm ngủ trong một chiếc hòm pha lê. Chúng ta phải nhớ mình đang ở đâu, trong tình huống nào, để ra khỏi khu rừng hoang. Không thấy được sự hiện hữu của mình là khổ, rồi cứ bám víu thơ ngây vào những vị ngọt của đời sống thì ta không thể nào tu hành giải thoát, đặc biệt khó tránh được cái chết sợ hãi, bất an.
- Trong cả đời sống vật chất, tinh thần, ta thường phải cùng lúc đón nhận cả hai thứ, tương sinh và tương khắc. Có cái này thì sẽ gây hại cho cái kia, hoặc sẽ hỗ trợ cho một thứ khác. Mỗi thứ phiền não khi có mặt sẽ gây hại cho một thiện pháp đối lập và ngược lại. Tùy theo khả năng tu học của ta mà trong mỗi giờ mỗi phút, cái thiện thay thế cái ác, hay cái ác thay thế cái thiện. Đời sống và cuộc tu của mỗi người, giống như một vùng đất phải cần đến nước, ta phải kiểm soát được lượng nước đưa vào đó ở mức độ nào là vừa đủ, ở mức độ nào là khô hạn, và ở mức độ nào là lũ lụt, có nhiều người siêng lo bố thí, hoặc tập trung học giáo lý, rồi khiến cho chuyện tu học của mình bị ảnh hướng tiêu cực.
- Người hạ căn chỉ có thể vui với quả lành, bậc thượng căn mới có thể vui được với nhân lành.
- Nhìn vào cái thích và ghét của một người, ta mới có thể đoán ra được phần nào vốn liếng nhân lành, quả lành, nhân xấu, quả xấu của họ.
- Sống bất thiện là đang cài đặt trái bom cho tương lai, và đang kích hoạt những trái bom quá khứ. Người sống thiện là đang gieo trồng hoa trái tương lai và tự chuẩn bị để gặt hái hoa trái quá khứ.
- Chiếc quần che đậy nửa phần dưới của cơ thể, chiếc áo che đậy nửa phần trên của cơ thể. Nhưng để làm sạch cả cơ thể thì ta phải tắm rửa toàn thân. Mọi hình thức sinh hoạt thiếu thiện pháp chỉ là áo quần, chỉ có thiện pháp mới giúp ta được thanh tịnh toàn diện. Xà phòng và dầu gội rất cần thiết cho tắm rửa, nhưng ta cũng không thể không dùng đến nước tắm. Hạnh tu nào cũng cần đến sự hỗ trợ của nhiều hạnh lành khác, như từ bi phải có trí tuệ, tự tin nhưng phải khiêm tốn, khiêm tốn nhưng phải tự tin.
- Người tu hành nên luôn tự trọng chứ không phải tự ái. Tự trọng đến từ tàm, quý; tự ái đến từ kiêu mạn. Nên tự tin nhưng không nên tự đắc. Nên khiêm tốn nhưng không tự ti. Tự ti và tự đắc xuất phát từ phiền não. Tự tin và khiêm tốn đi ra từ thiện pháp.
- Một khu rừng hoàn hảo phải có cây lớn, hoa cỏ, cùng các loại rong rêu, nấm mốc. Trong đời sống và cuộc tu, không điều tốt lành nào là bé nhỏ. Tất cả làm nên sự phong phú và kiện toàn.
- Cuộc đời là ngôi trường lớn, tất cả phàm phu là những học trò trong đó, người có tu học xem mọi đau khổ là bài học khó, người không tu học xem mọi đau khổ là những sự trừng phạt.
- Phàm phu sợ khổ thích sướng thì không hề hiểu rằng, có những điều giá trị phải được nhận thức từ trong đau khổ. Và có những cái đáng sợ ẩn nấp đằng sau những hạnh phúc. Trên hết, mọi sự đều bắt nguồn từ việc, sướng khổ đều vô thường. Người có tu học luôn biết tận dụng sức khỏe của tuổi trẻ và sự chín chắn của tuổi già, nên nhờ vậy, không kiêu mạn với tuổi trẻ và không cô quạnh với tuổi già.
- Chúng ta kính Phật theo cách thương mẹ. Có hiểu nhiều về Mẹ mới có thể có Đạo Hiếu. Mơ hồ về Đức Phật thì ta chỉ có thể thờ Ngài bằng sự cuồng tín, và ta chưa kịp có một hiểu biết nào về Ngài. Thờ Ngài bằng chánh tín đương nhiên đem lại nhiều phước lành, bằng vạn lần cách thờ Phật bằng sự cuồng tín.
- Thế giới được cấu tạo bởi các thành tố danh sắc, tùy căn cơ mà mọi chúng sinh thích hoặc ghét những gì. Do đam mê trong những thành tố nào mà người ta sanh tử. Rồi cũng do nhàm chán những thành tố nào mà người ta giải thoát.
- Đời sống chỉ là những phút giây bận rộn. Tùy thuộc vào việc ta bận rộn với chuyện gì mà khiến mình an lạc hay đau khổ, luân hồi hay giải thoát.
- Mục đích cao nhất của đời sống là sự an lạc, tùy thuộc vào việc ta an lạc với thứ gì mà ta chứng thánh hay tiếp tục luân hồi.
- Sáu trần cảnh là một cuốn sách 6 chương. Ta đau khổ hay hạnh phúc là do ta đọc nhiều chương nào, đọc cách nào.
- Phật pháp mênh mông như đại dương, tùy vào khả năng và nhu cầu của mỗi người mà ta đi đến những vùng biển nào để khai thác thứ gì. Điều quan trọng là đừng bao giờ để mình phải chết khát giữa một nguồn nước bao la.
- Đức Phật có 32 hạnh tướng, tùy vào nội dung tâm thức của mỗi người mà ta có thể thấy đủ 32 hạnh tướng ấy trên hình ảnh đức Phật trong lòng mình hay không.
- Quanh ta trong mọi giây đồng hồ đều có vô vàn những lời nhắc nhở tu tập, từ một chiếc lá vàng vừa rơi, đến tiếng tích tắc trên đồng hồ, nhưng ta thường không nghe thấy những nhắc nhở ấy, nên tiếp tục sống mà quên rằng mình sẽ chết. Mọi thứ mà ta có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, chạm trong mỗi phút giây đều có thể giúp ta tốt hơn hoặc xấu hơn, đau khổ hoặc hạnh phúc. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ cách thức ta tiếp nhận và tiêu hóa chúng ra sao. Bản thân chỉ câu thơ hay lời nhạc không phải là thứ tội lỗi, nhưng hầu hết chúng ta chỉ biết nếm chúng bằng sự thất niệm, nên đối với người tu học chúng bị xem là hàng cấm.
- Một bệnh nhân phải biết rằng, mọi thứ thuốc được đưa vào cơ thể để chữa bệnh rất có thể làm gây tổn hại tới một phần cơ thể nào đó nếu liều lượng không hợp lý. Một hành giả không thể chỉ tập trung vào một pháp môn rồi xem nhẹ những thứ ngoài ra.
- Ngôi chùa mà chỉ có tượng thờ mà không có tăng ni hay người tu học thì chỉ là một ngôi đền. Một hành giả chỉ có hình thức trang nghiêm mà ý nghiệp thiếu kiểm soát thì chỉ là một bức tượng biết đi.
- Mặc cho cuộc đời âm u mờ mịt, mỗi người chúng ta đều có thể tự mình thành một cầu vồng, thứ chỉ có vào những lúc xấu trời.
- Nội tâm của hành giả phải như một cánh đồng tuyết lúc chưa bị ai giẫm lên, hoặc chưa bị tan rã trong nắng. Một người tu học với quá nhiều ý niệm ngã chấp thì chỉ còn là một đống tuyết dơ bẩn.
- Giá trị của mỗi một hành giả nằm ở chỗ đem lại bao nhiêu an lạc cho mình và cho người. Chỉ có thể an lạc với chính mình, hoặc chỉ có thể giúp người khác an lạc mà mình thì không an lạc, thì công phu tu tập coi như có vấn đề. Niềm an lạc đúng pháp luôn có khả năng giúp mình và người.
- Người sống có kiểm soát thì khuyết điểm của họ cũng dễ dàng được chấp nhận. Như một mắt gỗ trên một thân cây nhanh mọc.
- Một hành giả tu đúng thì luôn giống như một người lội giỏi, nắm vững kỹ thuật nghỉ ngơi và dưỡng sức để có thể trồi hay lặn lúc nào mình muốn, và có thể hỗ trợ người khác.
- Trong kinh có nói đến 8 ngọn gió đời gồm khen chê, được mất, sướng khổ, vinh nhục, tùy thuộc vào việc ta có thể là một cánh buồn, một chiếc lá hay một con chim, mà những ngọn gió kia có thể giúp ta hay hại ta. Có nhiều người trưởng thành từ những cay đắng của đời sống.
- Sống ở chỗ có không khí trong lành thì thường khó tìm được việc làm. Sống ở vùng đô thị thì ta dễ tìm được việc làm nhưng khó tìm được không khí trong lành. Nhưng khổ nhất, là những người sống ở chỗ ô nhiễm mà không biết tận dụng thời gian để tìm ra việc làm. Đời sống cư sĩ - theo lời Phật dạy, là chấp nhận sống chung với bụi nhưng phải tranh thủ tu học.
- Ai cũng phải có nước mới sống được, nhưng ta phải phân biệt, nước nào sống được, và nước nào chỉ có thể tưới cây. Những gì ta nghe thấy, những ai mà ta quen biết, cũng đều phải được phân biệt rõ ràng để không chuốc khổ.
- Có những người chỉ đọc tin tức dự báo thời tiết để sắp xếp công việc, nhưng lòng họ thì ngày nào cũng vui như có nắng đẹp. Có người ngay trong ngày nắng đẹp mà lòng họ vẫn âm u.
- Một người nội trợ giỏi, thì túi nilon nào, dù dơ hay sạch họ cũng có thể sử dụng. Nếu bỏ cái còn dùng được thì là hoang phí, miễn cưỡng dùng lại cái không còn dùng được thì là cẩu thả. Người tu hành phải là một bà nội trợ giỏi. Hoàn cảnh nào cũng là đề mục để họ tu tập.
- Sáu trần cảnh thường giống như rượu, tùy người mà chai rượu ấy là lợi hay hại, có người dùng làm rượu thuốc thoa ngoài da, có người dùng làm thuốc chữa bệnh nội tạng, có người uống cho vui, có người uống để sinh họa.
- Có người nằm ngủ vì mệt mỏi sau nhiều giờ làm việc, nhưng cũng có người nằm ngủ vì không muốn thức. Có hành giả sống thanh thản nhẹ nhàng sau những giờ thiền tập miên mật, nhưng cũng có những hành giả thanh thản nhẹ nhàng chỉ vì thất niệm. Đúng ra, trần cảnh nào cũng có thể là đề mục để ta tu tập. Nhưng vì căn cơ mỗi người cao thấp khác nhau, nên ta phải chọn ra những trần cảnh đặc biệt để tránh chuyện sa đà, thiếu kiểm soát. Hầu hết hành giả phải trở về thiền viện để tu tập, sống chánh niệm với những thứ mình nghe, nhìn ở đó, chứ không phải ở nhà hay ở chợ.
- Nhiều người cứ có mặc cảm rằng tuổi già mới biết đạo thì quá muộn, họ quên rằng nếu chỉ tính ở kiếp này thì chưa chắc đã muộn, nói gì là cho kiếp sau.
- Hành giả phải là người có khả năng cải táng chính mình nhiều lần. Lần đầu là chôn đi những gì là thói quen, tật xấu. Những lần sau là liên tục chôn đi những kiêu mạn của mình ở từng bước thành tựu.
- Phàm phu sinh tử luân hồi là do vô minh, không hiểu mọi thứ đều là khổ, từ đó mới có thích và ghét, rồi hình thành khái niệm cứu khổ tìm vui.
- Pháp môn tuệ quán dạy ta sống chánh niệm trong từng phút để thấy rằng, đau khổ là cay đắng đã đành, mà hạnh phúc cũng chỉ là sự vắng mặt của đau khổ. Hiểu được vậy mới buông được các thích và ghét. Đủ duyên thì chứng thánh, thiếu duyên thì cũng được an lạc ngay đời này.
- Do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống mà ta thích hay ghét cái gì. Chính đối tượng thích ghét sẽ dẫn ta về một hướng hành động, hướng tư duy và cảnh giới tái sinh tương ứng.
- Loài ngạ quỷ nói riêng và các chúng sinh đói lạnh nói chung chỉ thèm khát miếng ăn, nhưng người không tu học thì suốt đời thèm khát đủ thứ, họ chỉ mang thân người nhưng tâm hồn thì của loài ngạ quỷ.
- Do hiểu lầm nên ta mới thích này nọ, do có thích nên mới có nhu cầu, toàn bộ đời sống và nền văn minh của nhân loại hầu như chỉ để giải quyết những nhu cầu ấy.
- Phật dạy thương thích là gốc khổ, do thương thích mà người ta làm đủ việc thiện ác, rồi cũng do đó, thương thích mới có ghét sợ, rồi để trốn chạy những thứ ghét sợ, người ta cũng làm đủ mọi chuyện.
- Hành giả phải cẩn trọng, có những thành công sẽ dẫn đến một thất bại nặng nề nào đó, có những hạnh phúc sẽ dẫn đến những đau khổ nào đó. Có những toại nguyện sẽ dẫn đến những thất vọng nào đó. Có những kiểu thiện pháp sẽ dẫn đến những ác pháp nào đó. Và có những kiểu giải thoát chỉ dẫn đến những quẩn quanh nào đó, và có những trí tuệ sẽ dẫn đến loại vô minh nào đó.
- Người thích bông hoa phải hiểu rằng, màu sắc nào của hoa rồi cũng sẽ thay đổi. Nếu chỉ biết yêu hoa tươi, mà không chịu được hoa héo, thì sẽ có lúc, bụi hoa nào trong vườn cũng là bi kịch cho họ.
- Ít người nhớ cho rằng, ta ăn ngon vì hai lý do, là ta đang đói bụng hoặc đó là món lạ miệng. Tất cả hạnh phúc trong cuộc đời cũng là những món ăn, ta đam mê trong chúng cũng là vì hai lý do, là ta muốn chạy trốn đau khổ, hoặc niềm hạnh phúc đó là thứ ta chưa kịp quen thuộc. Đối với một hành giả, thì cái gì quen thuộc sẽ cho họ có cơ hội thấy, đó là vô nghĩa, vô ích, vô thường.
- Có những cách tu giống như giăng mùng, có những cách tu như là xịt thuốc muỗi, có những cách tu có tác dụng như việc dọn sạch môi trường của muỗi. Hành giả là người biết rõ, lúc nào phải giăng mùng, xịt thuốc muỗi, đốt nhang muỗi, và dọn sạch môi trường không cho muỗi sinh sôi.
- Không có điện thì tủ lạnh không thể làm lạnh, máy lạnh không thể làm mát, lò sưởi không thể làm ấm, bếp lò không thể nấu nướng. Người tu hành thiếu trí tuệ thì căn nhà nội tâm chỉ gồm toàn những món đồ không thể sử dụng, dù có thể chúng rất đắt tiền.
- Lục trần giống như cây cỏ trong thiên nhiên, tùy người sử dụng mà chúng có lợi hay có hại. Không phải ai cũng được tốt đẹp hơn khi giàu có hoặc nghèo khổ, học nhiều hay học ít, nổi tiếng hay vô danh. Phật pháp giống như ánh nắng, người cần ánh nắng, ánh sáng, hơi ấm, để canh tác thì mới quan tâm đến nắng. Nhiều người cả đời không biết gì đến công dụng của nắng, dù ngày nào cũng nhìn thấy nắng.
- Người tu Phật phải tận lực để có thể chứng thánh đời này, nếu không đủ duyên thì cũng là để trở thành một người có đủ điều kiện và cơ hội để có thể gặp gỡ và tiếp nhận lời dạy của thánh hiền, bởi không phải cơ thể nào cũng có thể tung tăng trong những núi rừng, sa mạc hay đại dương.
- Có lúc trong đời sống ta phải cầm đến cục đất dẻo, cũng có lúc ta phải cầm đến cục đất cứng, thậm chí đất nung như ngói gạch. Người có tu học thì hoại trần nào cũng có thể được tận dụng một cách hữu ích và ý nghĩa.
- Ngài Xá Lợi Phất dạy rằng, ở nhiều người, lòng tốt của họ mênh mông như một hồ nước lớn để ta dễ dàng tắm gội trong đời, nhưng có nhiều người, cái tốt của họ chỉ là một bình nước nhỏ, trên đường, chỉ đủ để ta rửa tay. Người có tu học phải có khả năng nhìn thấy mặt tích cực của mọi người để có thể bao dung.
- (Người ta khi đủ đầy tình yêu, nội tâm phong phú, họ sẽ rất ý tứ lễ nghĩa, hết tham sân si. Người thiếu tình yêu, sẽ rất tham lam, thiếu ý tứ…. Tình yêu thương, sự đủ đầy trong tâm quyết định hành vi của một con người, của một chúng sinh, BB)
- Phàm tâm giống như một cục sắt, nếu không thường xuyên lau chùi thì sẽ bị rỉ sét. Ý nghĩa cao nhất của việc tu tập là lau chùi phàm tâm của mình cho đến lúc nó bị tiêu mòn triệt để, không còn gì để lau chùi nữa.
- Đời sống nào cũng là để tiến về cái chết. Nhưng có người sống như một ngọn nến, mòn hao nhưng giúp ích cho đời. Có người luôn nghĩ mình chỉ là một chiếc lá héo úa từng ngày rồi lìa cành, rồi không để lại một đóng góp nào.
- Tinh thần rốt ráo của pháp môn Tuệ quán là quan sát đời sống của mình để thấy rằng, không có một hiện hữu nào là đáng để sống. Có rất nhiều hành giả tuệ quán càng tu tập chỉ để nuôi lớn ngã chấp theo cách nghĩ thiện pháp của tôi đang lớn dần, tôi tốt lành hơn người khác.
- Giới hạnh là phương tiện giúp ta bỏ bớt cái xấu, không phải là thứ đức hạnh để ta tự mãn. Bố thí cũng vậy, bố thí là cho ra, là bỏ bớt, không phải mục đích là gom vào, là tích lũy.
- Đối với nhiều người tu học, hình thức trang nghiêm của thân khẩu chỉ là áo quần để chưng diện, không phải để che thân.
- Khi ta đi sai đường, tốc độ càng nhanh thì càng xa mục đích. Dầu ta chưa xê dịch một tấc đường nào, chỉ riêng việc chọn đúng đích đến là hướng đi, thì ta đã giải quyết được một phần đường.
- Cây chết mới bị mọt ăn, cá còn sống thì không sợ bị tan rã trong nước. Chỉ có cây khô mới bị mối mọt, chỉ có cá khô mới bị rã trong nước. Người liên tục sống trong thiện pháp thì không sợ bị mất mạng trong 6 trần.
- Người tu tập phải biết rõ lúc nào phải đóng rèm che kín cửa sổ, lúc nào phải kéo rèm cho nắng tràn vào nhà. Việc tu học đại kỵ cách nghĩ cực đoan, suốt đời chủ trương để nắng vào nhà hay ngăn nắng vào nhà.
- Hành trình giải thoát phải được bắt đầu từ nhận thức rằng mọi hình thức hiện hữu là khổ. Từ thứ làm ta hạnh phúc, cho đến cái làm ta đau khổ, thấy mọi thứ là khổ thì ta mới làm được hai điều sau đây: Buông hết mọi thứ ta nhìn thấy được, và buông luôn thái độ tự mãn trong nhận thứ ấy.
- Tầng thánh thấp nhất là Sơ quả, chấm dứt triệt để hai thứ phiền não, là tà kiến và nghi hoặc. Đã thấy sai thì không thể nào thấy được triệt để. Chưa triệt để thì còn nghi hoặc. Người muốn hết nghi hoặc phải có được cái thấy triệt để ấy.
- Tam tạng Pháp bảo bao gồm tất cả mọi pháp môn tu tập, cho mọi khuynh hướng và căn cơ của chúng sinh. Tinh thần rốt ráo của mỗi pháp môn luôn chứa đựng trọn vẹn nội dung của các pháp môn khác, đây là lý do hầu hết người chứng đạo không cần thuộc lòng kinh điển, vấn đề là pháp môn mà họ chọn theo, hoặc đường lối hướng dẫn có thích hợp với căn cơ của họ hay không.
- Có kiểu nhà chỉ có tường vách mà không cần cột. Có kiểu nhà phải vừa có cột lẫn tường vách. Nếu tường vách đủ vững chắc để chống đỡ, giữ gìn căn nhà, thì cột nhà không cần thiết nữa. Đây là lý do có sự khác biệt trong cách thức tu học của mỗi người.
- Công dụng buổi đầu của đôi đũa là để gắp thức ăn. Có người thích gắp bằng đầu đũa tròn, có người thích gắp bằng đầu đũa vuông. Nên họ chỉ gọt một đầu đũa thành vuông hay tròn để sử dụng. Nhiều người hiểu lầm hình thức vuông tròn ấy chỉ là để trang trí. Người tu hành cần phải biết cái gì là cần thiết, cái gì là hình thức trang trí.
- Loại động vật nào cũng có thể ôm nhau hoặc là quấn lấy nhau, riêng loài nhím thì không thể. Một người sống với quá nhiều ngã chấp, thì luôn chứa đầy lòng mình những mầm mống mâu thuẫn xung đột, không thể bao dung được ai.
- Người sống ở châu Úc nếu không ra nước ngoài thì không thể biết được rằng, quanh họ, có rất nhiều động vật kỳ quái như chuột túi, chồn,…, một người không thường quan sát mình cũng không thường hỏi ai, thì không thể biết được rằng mình bất thiện cỡ nào.
- Có nhiều người ở sát bờ sông mà cả đời không có nhu cầu sang sông, chỉ đi đò dọc mà không đi đò ngang. Trong số những người sang sông thì phương tiện, mục đích, lắm khi cũng không giống nhau, đó là toàn bộ diện mạo của đời sống.
- Tu đúng là khi làm điều gì cho mình cũng có nội dung khiến người khác an lạc, và khi làm điều gì cho người khác cũng có nội dung khiến mình được an lạc.
- Việc tu học phải có căn bản từ kiến thức đến nhận thức. Việc nôn nóng chẳng khác nào việc di chuyển một máy bay có vấn đề từ máy móc.
- Hành giả nên học theo cách học của người Tây Phương uống thuốc bổ, tập trung thứ gì cần thiết, chứ không phải ôm đồm mọi sự. Thứ gì cũng ôm vào chỉ làm mất thời gian.
- Có nhiều cách giao tiếp, khiến người ta hiểu mình, muốn chia sẻ điều gì đó cho người ta, hoặc liên lạc vì không thể sống cô đơn. Phải chia nhỏ vấn đề để thấy nhóm nào tốt nhất, và mình thuộc nhóm nào.
- Những người đến với Phật pháp, cũng giống như người tắm rửa, luôn là một trong ba nhóm sau đây: Tắm cho sạch, tắm cho mát, và tắm để làm đẹp.
- Khi thị lực có vấn đề thì người ta phải đến bác sĩ để có cặp kính thích hợp, nhưng hiếm người Phật tử nào chịu để ý đến thị lực tinh thần, tức khả năng nhận thức của mình, từ đó, ta không chịu đeo mắt kính, hoặc đeo mắt kính sai.
- Dầu về tinh thần hay vật chất, tình trạng thiếu hay dư đủ rất quan trọng. Người tu học phải làm sao để mình mát mẻ mà không lạnh lẽo, ấm áp mà không nóng nảy, sáng sủa mà không chói mắt.
- Hình thức trang nghiêm của thân khẩu là tấm màn cửa để che nắng. Bớt ánh sáng hoặc giữ sự kín đáo khi cần thiết không phải để che kín sự mờ ám trong căn phòng.
- Các phương tiện hiện đại là dụng cụ tốt nhất để làm việc hiệu quả, nhưng cũng có thể là hung khí để hại người hay tự sát nhanh nhất.
- Hành giả phải có ổ khóa tốt nhưng nhớ đừng làm mất chìa khóa. Nhiều người tự giam nhốt mình trong thành tựu tu học nào đó, mà không biết cách thoát ra.
- Có hai mục đích treo tranh, để nhìn cho đẹp hoặc để học kỹ thuật hội họa. Người đến với Phật pháp cũng tùy một trong hai mục đích tương tự.
- Khi chưa ý thức được sự hiện hữu của mình là vô nghĩa thì mọi công phu tu học cũng giống như việc trang hoàng phòng giam của mình.
- Một người phân tích sâu rộng trong giáo lý thì có hai lý do, bậc đại trí khi chứng ngộ thì thấy ra mọi sự mênh mông sâu sắc như thế, và kể lại cho những người cần được hướng dẫn chi tiết.
- Việc tu tập tuệ quán giống hệt như việc vệ sinh và dưỡng sinh. Mọi lúc, mọi nơi đều phải làm thế, kẹt lắm mới đến bệnh viện hay đi gặp bác sĩ.
- Người tu học xem lịch, xem đồng hồ để biết ngày giờ làm việc, và cũng để nhớ mình còn làm việc được bao lâu nữa.
- Không phải cơ thể nào cũng có thể đón nhận được những lợi ích từ thiên nhiên, thực phẩm, thuốc men giống nhau. Tinh thần Phật pháp bàng bạc khắp nơi, qua những hình ảnh và ngôn từ, nhưng không phải ai cũng cảm nhận được.
- Có lúc, rất nhiều ngàn tỷ đại kiếp không có đức Phật nào ra đời. Nhưng cách nay hai ngàn sáu trăm năm, vừa có một đức Phật ra đời và để lại giáo pháp.
- Cơ hội làm người hiếm hoi hơn cơ hội con rùa mù chui đầu vào lỗ ván trôi trên biển. Cơ hội gặp được chánh pháp còn hiếm hoi hơn được làm thân người.
- Ta chỉ còn lại một ít thời gian để tu học và những giây phút lý tưởng nhất vừa trôi qua. Mỗi một giây phút chánh niệm có thể là một cơ hội giải thoát. Trong giây phút trọng bệnh và cận tử, ta không được như bây giờ, và thời điểm đó ta thường ở vào một trong bốn tình trạng: hôn mê không biết gì, quằn quại đến mất trí, luyến tiếc đến xé ruột, kinh hãi đến thiếu tự chủ.
- Thiện, bất thiện, và khuynh hướng bất thiện ở mỗi phàm phu thường mạnh và nhiều hơn cái thiện. Sự giải thoát chỉ đến ở công phu hành trì. Sự hành trì đúng đắn chỉ có được từ ở nhận thức đúng đắn. Nhận thức ấy phải ở sự thấm thía của bản thân, không phải là ở sự thuộc lòng bài vở của người khác. Cơ hội của một người như vậy sẽ nhiều hơn một người bình thường.
- Hiền thánh trong đời luôn có rất nhiều, ta phải chuẩn bị đủ phước duyên để gặp gỡ. Luôn nhớ nghĩ đến mười Ba la mật để bổ sung cho bản thân mình.
- Song song với chánh niệm, nên thường phát nguyện những điều mình thiết tha nhất, đời đời gặp hiền trí, luôn có lòng yếm thế, dễ dàng chứng thiền định, không lụy các thành quả.
- Phải tránh xa những cá nhân và trú xứ làm suy giảm lòng tu của mình, dầu thầy bạn của ta bất ngờ không còn ai, hoặc trở nên bất xứng, thì ta vẫn phải tiếp tục tinh thần tu tập này. Chỉ nhìn miếng rác để nhặt, không nhìn kẻ ném rác để giận.
- Mọi ăn uống đều chỉ để tạo nguồn năng lượng cho ngày mới an lành. An là quả xấu không làm ta khổ, lành là hoàn cảnh nào cũng sống với nhân lành.
- Đời sống chỉ là sự luôn luôn trên dòng duyên khởi. Con nguyện luôn lưu tâm để chỉ trôi ngược trên dòng chảy ấy.
- Còn hiện hữu thì còn lệ thuộc các duyên. Con nguyện chỉ tận dụng các duyên để đi lên và đi ra.
- Người Phật tử phải học cách nhìn sâu để không tiếp tục nông cạn, thiển cận; sống với các chiều rộng để không cục bộ một chiều.
- Người Phật tử phải dùng chuyện đời để dưỡng nuôi tâm đạo, không đứng trong cửa đạo cầu tư tầm đời.
- Nguyện nhìn cái gì cũng thấy pháp Phật, không tìm trong lời Phật ngõ dẫn về đời.
- Người Phật tử phải hiểu sống trong ghi nhớ, không sống trong tưởng nhớ.
- Người Phật tử phải sống trong nhàm chán mà không ghét bỏ vật chi hay người nào; sống trong yêu thương mà không ái luyến người nào hay vật chi. Sống trong yêu thương, ta không đòi hỏi điều chi ở đối tượng. Sống trong ái luyến ta sẽ khổ khi đối tượng không được như ý ta.
- Người Phật tử phải tu học để xây cầu cảm thông, không phải để dựng tường ngăn cách.
- Người Phật tử phải tu học để ngày một nhẹ và sáng, không để mình tự trở nên nặng và tối.
- Người Phật tử phải sống giải thoát bằng cách không giam nhốt mình trong những thứ có và không, thích và ghét.
- Người Phật tử không sống trong ngục tù, thành kiến và định kiến.
- Người Phật tử chỉ vui vẻ vì buông cái gì, không phải vui vẻ vì nắm được cái chi.
- Người Phật tử không quan tâm mình là ai, chỉ luôn tự hỏi mình là chi, và có mặt ở đời để làm gì.
- Sống ác để khổ, chắc chắn không nên; sống thiện để vui không phải ý nghĩa tối hậu của hiện hữu. Mục đích tối thượng của cuộc tu là để không còn chốn về, không phải dựng xây một chốn về.
- Người nói đúng thì ta lắng tai nghe để học hỏi, người làm đúng thì ta lấy mắt nhìn để học hỏi. Không cuồng tín thờ phụng một thần tượng nào.
- Tất cả pháp môn đều là đường đi, không phải thứ để nắm giữ. Mọi hạnh lành chỉ là thuốc chữa bệnh, không phải thứ để tâm đắc.
- Người Phật tử không hờn giận, bất mãn để mình khổ đau ngay bây giờ. Không thương thích, say đắm để mình đau khổ sau này.
- Ta tốt với người không phải vì người là ai mà vì ta là ai.
- Trên đời này không có gì là cạn, chỉ vì đầu óc ta không sâu sắc mà nói đó là cạn mà thôi!
- Chánh tín là niềm tin được trí tuệ dẫn đạo. Tu hành là đổ rác, không phải là hốt rác.
- Mọi thứ đều là giả, mọi thứ đều là khổ, cái gì giả là khổ, cái gì khổ là giả. Cái gì khổ giả đều không phải là Ta, không phải của Ta.
- Chúng ta luôn nhìn vấn đề từ nền tảng nhận thức của mình. Mình có cái gì thì luôn đánh giá vấn đề dựa trên cái mình có hoặc không có.
- Thu thúc lục căn không phải là lấy cái gì che mắt, che mũi, bịt lỗ tai, mà là thái độ nhận thức của mình đối với 6 trần, là khả năng buông bỏ của người tu.
- Người Phật tử luôn phải ghi nhớ ba điều: Thế tôn không thể cho con món con thích, nhưng có thể dạy con không thích thứ gì; Thế tôn không thể giúp con thoát ra được cái chết nhưng có thể dạy con không sợ chết; Thế tôn không thể đưa con đi khắp vô lượng vũ trụ nhưng có thể dạy con hiểu rằng, đi đâu cũng vậy mà thôi.
- Khi khỏe phải nhớ lúc bệnh, khi khỏe phải nhớ lúc già, khi sống phải nhớ lúc chết, khi vô sự phải nghĩ lúc hữu sự.
- Chánh niệm là biết rõ việc mình đang làm, biết rõ mọi thứ đang diễn ra như thế nào, danh sắc đang làm việc, chứ không có cái Tôi ở đây.
- Tiện nghi không quý bằng thích nghi. Cái gọi là nhu cầu là do mình mặc định mà thôi. Ta cứ nghĩ ra bao thứ nhu cầu rồi một đời quần quật để thỏa mãn nó. Mọi sự có mặt trên đời này là khổ, nên mọi sự ưa thích của ta đều là vui thích trong khổ.
- Tất cả công đức lớn nhỏ, kể cả thập thiện cũng đều là thập độ hay ba la mật, duyên lành giải thoát khi ta thực hiện chúng với mục đích giải thoát.
- Thật ra, thập giá cũng là một hình ảnh đẹp trong lòng người Phật tử, nếu ta nhìn thấy ở đó hai hình ảnh sau đây: Đó là hình ảnh một người đang đứng giang tay bao dung cuộc đời, và một chữ I được gạch ngang, tượng trưng cho tinh thần Vô ngã, xóa bỏ cái tôi.
- Mặt trăng xa hơn nhà hàng xóm, nhưng nhiều lúc ta không thấy được nhà hàng xóm, mà chỉ thấy được mặt trăng. Đôi khi vấn đề không nằm ở khoảng cách mà ở hai điều kiện, là ta có chịu nhìn và có gì che khuất ta hay không.
- Hầu hết những sự khiến ta nặng lòng, chỉ tồn tại khi ta nghĩ đến chúng.
- Trong kinh nói dòng luân hồi có bốn cái đáng sợ. Do thói quen nhiều đời, ác dễ làm hơn thiện, do đó, bạn xấu thường nhiều hơn bạn lành, do đó thường bị xúi dại nhiều hơn là được dạy khôn. Do luân hồi quá nhiều kiếp nên cái ngu của ta sâu dày hơn cái khôn.
- Sống sao để cuối đời mình trở thành đồ cổ, chứ không phải đồ cũ.
- Một nội tâm thường xuyên có niệm và tuệ thì không có phiền não.
- Rêu không bám trên hòn đá lăn, ruồi không đậu trên nồi nước sôi.
- Phải sống như ngọn nến, mỗi giây phút hao mòn là mỗi giây phút bừng sáng và đóng góp cho đời.
- Nhiều người đeo đồng hồ mà không có nhu cầu xem giờ. Sắm nhiều đồ camping cắm trại, mà không thích sinh hoạt dã ngoại. Nhiều Phật tử thích học giáo lý mà không muốn hành trì lời Phật dạy.
- Phát hiện tâm bất thiện của mình chính là luôn sống thiện.
- Những bàn tay nào lượm kim cương luôn thô ráp, sần sùi, nhưng bàn tay mua bán kim cương thường mập mạp, to bè; còn bàn tay đeo kim cương thường thon nhỏ xinh đẹp. Học giáo lý, chỉ là đào kim cương, tu tập tuệ quán là đeo kim cương, pháp sư và dịch giả chỉ là người bán kim cương.
- Khi ta sống thiện trong hiện tại thì ngay hôm nay ta có một tương lai đẹp, và ngày mai ta có một quá khứ tốt lành.
- Thế giới này ra sao là tùy thuộc vào việc anh nhìn nó như thế nào. Chính trình độ dẫn đến thái độ. Giá trị của một người tương đương với cái gì có thể làm cho anh ta vui, buồn, khổ, giận và phấn khích.
- Mọi sự ở đời do cái duyên mà có. Cái gì đã có thì có lúc mất đi.
- Người Phật tử có hai cách tu tập. Tu theo cách thả diều là lòng luôn trông đợi quả lành nhân thiện, hay một hồi đáp nào đó từ cuộc đời. Tu theo cách thả chim là thực hiện công đức chỉ để cầu giải thoát.
- Chúng ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì mình nói năng, hành động, suy nghĩ, kể cả khi mình sống một mình trong bóng tối.
- Nhiều khi chỉ bằng vài chất liệu, như ánh mắt, giọng nói, nụ cười, hoặc một chút kỷ niệm nào đó cũng đủ cho chúng ta dựng lên một tượng đài, của mình ghét hay thương.
- Phật tử thời nay rất quan tâm đến việc thờ phụng xá lợi, và để ý xem ai có để lại xá lợi hay không, mà không chịu hiểu rằng, xá lợi phải là di cốt của người phải trải qua hai lần chết. Chết lần một là ý niệm ngã chấp của họ không còn nữa, và chết lần hai là lúc họ tắt thở.
- Cách tu tập an toàn nhất là hướng đến việc không còn là phàm nữa, không phải để chứng thánh.
- Người tu đúng thì không làm gì để người khác chê trách nhưng lại dửng dưng trước sự chê trách của cuộc đời. Chỉ làm những việc đáng được khen ngợi nhưng lại dửng dưng trước việc được ngợi khen. Bởi có vậy ta mới có thể sống an lành giữa đời. Chỉ hành thiện tránh ác mà còn bận tâm thị phi, thì chỉ mới là lành mà chưa có an.
- Xòe tay bằng lòng từ bi là bố thí. Xòe tay bằng trí tuệ là buông bỏ. Xòe tay vì không muốn nắm giữ là giải thoát.
- Im lặng là vàng, vì vậy ta chỉ nên nói những gì quý hơn vàng.
- Việc gì trên đời cũng cần một thời điểm thích hợp để bắt đầu, và một thời điểm thích hợp để hoàn tất.
- Hạnh phúc của thế gian chỉ có được khi ta u mê trong bóng tối.
- Mọi hiện hữu là khổ, thích cái gì cũng là thích trong khổ. Muốn hết khổ thì đừng thích trong khổ nữa. Sống bằng 3 nhận thức đó chính là con đường thoát khổ, cũng chính là con đường Bát chánh đạo.
- Ngày nào ta sống thiện đó là ngày Phật đản, ngày nào ta sống bất thiện, ngày đó Phật Niết bàn.
- Có rong chơi đến bao xa cũng nhớ quay về, vì tục lụy muôn đời cũng là một cội cây sống bằng nước mắt của kẻ trầm luân.
- Người ta thường nói đến chuyện vãng sanh, mà không hiểu rằng, vãng là đi khỏi. Khi lòng còn vương vấn với những thích thú này nọ thì khi chết rồi sẽ quay lại, không thể đi luôn.
- Hạnh phúc chỉ là sự vắng mặt của phút giây đau khổ.
- Một người sống nhiều với quá khứ chẳng khác gì việc kiếm nhà người quen bằng cách tìm lại con bò năm trước ăn cỏ ở đó.
- Trong mỗi phút đi qua, chúng ta đang âm thầm kín đáo gầy dựng cho ta một chốn đi về trong tương lai.
- Hạn chế được cái thích thì hạn chế được cái ghét – một từ đồng nghĩa của khổ. Hạn chế ước muốn hạnh phúc thì bớt được nhiều cái ghét. Sân là khổ hiện tại, tham là khổ về sau.
- Tu tập là liên tục phát hiện rác rến trong đầu mình.
- Sống bất thiện giống như một người bán mình để sống. Nhẹ thì bán máu, nặng thì bán thận.
- Khi nào ta phân biệt được cái mình thích và cái mình cần, ta đã đi hết được một nửa đường rồi.
- Mỗi ngày ta nên dành 5 phút để nghĩ đến vô lượng chúng sinh bằng lòng từ bi hỷ xả. Lòng từ là mong cho muôn loài sống với nhân lành quả lành, bi là mong muôn loài đừng sống với nhân xấu quả xấu, hỷ là lòng vui khi nhìn thấy chúng sinh đang sống với nhân lành, quả lành. Xả là ý thức rõ ràng rằng, mỗi cá nhân trong đời luôn có hạnh nghiệp riêng để sướng khổ, thiện ác.
- Chỉ sống bằng ý thức buông bỏ mới sống an lạc, chết thanh thản.
- Ý nghĩa của tuệ quán không phải để có thêm cái gì mà là bỏ được những gì.
- Kịp thời phát hiện ác tâm của mình cũng là đang trau dồi thiện tâm.
- Khi ái luyến ai đó, người Phật tử chỉ cần nhớ rằng, tình cảm của ta không thể giúp họ bằng chính phước lành của họ. Khi căm ghét ai đó, người Phật tử chỉ cần nhớ rằng, không ai hại được họ bằng chính ác nghiệp của họ.
- Người tạo nghiệp lành, dù tái sinh ở đâu, nghiệp thiện chờ sẵn họ như người thân đón kẻ xa mới về. Người ác tái sinh ở đâu, nghiệp ác đó chực chờ sẵn như kẻ thù đang đợi họ.
- Trẻ con nhìn xuống để bắn bi, nhìn lên để thả diều. Người lớn nhìn xuống để học địa chất, nhìn lên để nghiên cứu thiên văn.
- Chỉ cần nghĩ nhiều về những chuyện buồn sắp tới trong tương lai gần hoặc xa, thì ta đã bớt đam mê với những ngọt ngào trước mắt, nhờ vậy mai này bớt khổ.
- Ta phải sống thiện để gieo duyên với người thiện thì sau này mới có cơ hội gặp người thiện.
- Người Phật tử phải luôn tu học với tâm niệm này và phải lên đỉnh núi để nhìn thấy thiên hạ, không phải để thiên hạ nhìn thấy ta.
- Mật mã để mở tủ sách phải luôn nằm ngoài tủ sách. Nhiều người học giáo lý và tu tập tuệ quán bằng tác động của thân kiến, ngã chấp.
- Đại bi là xem người khác như chính mình, đại trí là nhìn mình như nhìn người khác. Người giải thoát có thêm cách nhìn thứ ba, lúc nào người khác là người khác, lúc nào mình là mình.
- Mọi người chỉ là một bức tranh cát trong hồ thủy sinh. Một xê dịch hay tác động rất nhỏ cũng đủ khiến bức tranh ấy thay đổi. Tất cả chỉ vì cát thì luôn mong manh. Biết Phật Pháp mà không thể sống an lạc thì rõ ràng cái biết đó có vấn đề.
- Đời sống hoàn hảo của người Phật tử phải hoàn hảo đủ ba khía cạnh: Yêu sự thật bằng trí tuệ, Sống trách nhiệm bằng từ tâm, Sống trọn vẹn với chính mình bằng chánh niệm.
- Người Phật tử phải luôn tự hỏi, ta đang là chủ nhân của những gì mình đang sở hữu hay chính chúng là chủ nhân điều khiển buồn vui của ta?
- Phúc thay cho những ai có trí tuệ và phúc duyên để có thể sống trí tuệ và chánh niệm.
- Nhờ biết rằng mọi thứ ở trên đời đều là khổ, nên người Phật tử không đau khổ trước đắng cay và không nâng niu cái ngọt ngào. Không làm được vậy, cả đời ta chỉ có đau khổ.
- Theo Kinh Phật, thì chính chúng sinh là nền cảnh giới tái sinh. Cảnh giới tái sinh chỉ là biểu thị của tâm thức chúng sinh sống ở đó. Vì vậy, việc xây dựng con người quan trọng hơn việc trang hoàng một chỗ ở.
- Trong từng giây phút, dầu biết hay không, dầu muốn hay không, ta vẫn luôn kín đáo có mặt trên con đường dẫn về đâu đó của nẻo luân hồi.
- Chỉ có sống buông bỏ thì mới chết thanh thản. Nếu tự xét thấy khả năng buông bỏ yếu thì đừng nên sở hữu cái gì hết.
- Ta hiểu Phật ra sao thì Phật trong lòng ta có tôn dung thế ấy.
- Hiểu được mọi sự ở đời đều do nhân duyên mà có thì trừ được đoạn kiến. Hiểu được cái gì đã có phải mất thì hiểu được thường kiến.
- Hành giả tu tứ niệm xứ không thiết tha trong ác thiện vì họ biết ác dẫn đến sa đọa, và thiện dẫn đến nhân thiện, cái nào cũng dẫn đến sanh tử, cho nên hành giả tứ niệm xứ chỉ nên có quan sát và quan sát mà thôi.
- Chết trong chánh niệm là sống trong chánh pháp, sống trong thất niệm là chết trong tà đạo.
- Trong mắt người tu học thì toàn thế giới chỉ có hai đối tượng, người xấu là người đáng thương và người tốt là người dễ thương.
- Sống ở đời muốn được an lạc, chuyện đầu tiên là bớt thích và cuối cùng là không thích. Khi không còn chỗ anh thích thì không còn chỗ để anh ghét.
- Không có gì để bất mãn thì đương nhiên anh được an lạc.
- Vấn đề lớn nhất của mình là mình không biết vấn đề nằm ở đâu.
- Phàm phu hạnh phúc vì tránh được thứ mình ghét và có được thứ mình thích. Còn thánh nhân an lạc là vì các Ngài không còn gì để thích hay ghét.
- Gặp nhau để tu tập, đừng để chỉ là tụ tập.
- Thiện đời này là nhân vui cho đời sau, ác đời này là nhân buồn cho đời sau. Vui đời này là quả thiện của đời trước, khổ đời này là quả ác của đời trước.
- Chúng ta thường xây dựng những bức tường ngăn cách thay vì nối những cây cầu cảm thông.
- Lời nguyện sớm chiều cho Phật tử: Xin cho con đừng bao giờ bị lừa bịp bởi vẻ hào nhoáng ngọt ngào dầu về tâm linh hay tình cảm. Xin cho con kiếp kiếp không thiết tha quả lành, chỉ dốc lòng tạo quả lành. Xin cho con đừng bao giờ có điều kiện tạo nhân xấu, nếu gặp cảnh xấu thì cũng là điều kiện cho con tạo nhân lành. Xin cho con kiếp kiếp sớm nhận ra cái gì là cốt lõi, cái gì là cành lá. Xin cho con kiếp kiếp gặp được minh sư, thiện hữu. Xin cho con đời này được ra đi an lành, bằng cách chết sạch, chết yên, chết tỉnh. Chết sạch là đừng hôi hám, tanh tưởi, phiền người. Chết yên là đừng giãy dụa đau đớn. Chết tỉnh là đừng hôn mê, nói sảng.
- Ý nghĩa rốt ráo của đời sống là nhận thức được rằng, đời sống nào cũng là vô nghĩa.
- Tinh thần càng đơn giản, không dây dưa với những vấn đề tạp niệm thì mới có chỗ cho những suy tư minh triết. Trong một trú xứ càng ít những thứ vô dụng thì mới có chỗ cho những thứ giá trị. Đây là luật của muôn đời.
- Bói tương lai không bằng tạo tương lai.
- Điều ta cần là cái đúng, không hẳn là cái thích; điều ta phải tránh là cái sai, không hẳn là cái ta ghét.
- Không một lời dạy nào của Đức Phật mà không cần đến sự hành trì bởi chánh niệm. Chứng thánh hay ngộ đạo chỉ là thay đổi cách nhìn của mình về chúng sinh và vũ trụ. Giáo lý cung cấp cho ta cái nhìn căn bản và sự thực chứng, đem lại cho ta cái nhìn rốt ráo và bỏ hẳn cách nhìn của phàm phu xưa giờ.
- Chính vì khả năng buông bỏ của ta không được bao nhiêu cho nên ta phải cảm ơn sự ra đi với bàn tay trắng.
- Hành trì tu tập hạnh từ bi phải trải qua bước sau đây: Trước hết, không thấy ra lý do để ghét ai, và sau cùng, không thấy ai để mình thương hay ghét.
- Người tu học phải có được bốn góc nhìn. Ở dưới nhìn lên để học hỏi. Ở trên nhìn xuống để bao dung. Ở trong nhìn ra để cảm thông. Ở ngoài nhìn vào để trung thực.
- Tham ái có hai trường hợp, muốn có thứ mình thích và muốn không có thứ mình ghét. Sân tâm cũng có hai trường hợp. Bất mãn vì không được thứ mình thích và bất mãn vì đang có thứ mình ghét.
- Người Phật tử phải thuộc nằm lòng 4 nguyên tắc sống: Kinh, Quyền, Hành, Tàng. Kinh là phải biết sống có nguyên tắc. Quyền là phải biết linh động, hợp lý với các nguyên tắc. Hành là biết lúc nào là dấn thân hành động. Tàng là biết lúc nào nên dẹp mọi thứ để rút lui tập trung nội quán.
- Sống đúng lời Phật chỉ là sự chuẩn bị cho cái chết. Tinh hoa Phật pháp, cốt lõi của Phật pháp là sự buông bỏ. Bỏ ác về với thiện. Bỏ riêng về chung. Bỏ cũ lên mới.
- Ngồi bao lâu không quan trọng bằng ngồi thế nào. Sống bao lâu không quan trọng bằng sống thế nào.
- Tâm có chánh niệm gọi là tâm tứ niệm xứ. Tâm không có chánh niệm gọi là tâm tứ xứ.
- Tất cả nhân lành đều tạo ra quả lành. Nhưng tất cả phàm phu thường có khuynh hướng dùng quả lành để tạo nhân bất thiện.
- Có phước lộc để hưởng thụ gọi là có phúc. Biết từ chối thì gọi là Đức. Nhiều người hôm nay chỉ có phúc mà không có đức.
- Nên đọc nhiều sách, nhưng không biết lựa sách để đọc thì đọc cả đời cũng vô công. Xin nhớ rằng, thời gian ta có không nhiều, mà thứ không đáng đọc có thể tính bằng số triệu.
- Quen biết nhiều thì tốt, nhưng không biết lựa bạn lành thì coi như đã trao thân nhầm chỗ.
- Ăn gì cũng thấy ngon miệng thì có thể nói là chuyện tốt, nhưng gặp gì ngon cũng ăn là chuyện xấu.
- Đi nhiều chưa hẳn là chuyện xấu, nhưng đi không có mục đích đàng hoàng chỉ là lang thang trôi dạt, phí tiền phí sức, phí thời gian, phí đủ thứ.
- Giai đoạn tu học nào cũng tốt, nhưng một khi dừng lại để tâm đắc với nó thì coi như là tiêu tùng. Giới luật, thiền định, tri kiến đều vậy cả.
- Bớt ngủ nghỉ thì tuyệt. Nhưng bị mất ngủ thì tuyệt đối không nên.
- Phật giáo thiếu chùa chiền thì tứ chúng sinh học thế nào? Nhưng coi nặng hơn việc đào tạo nhân sự tài đức thì hỏng.
- Bài xích hay chống đối tôn giáo khác là chuyện không nên, nhưng nếu lưu ý việc họ cải tạo các Phật tử, họ giỏi hay ta dở? Vấn đề không phải là sự tranh giành mà là nhiều chuyện khác. Muốn giữ nước hay giữ đạo không thể bỏ qua mấy điều này. Có lý thuyết ngon lành nhưng thiếu hành động thì cũng là đánh tập trận trong mơ, có hành động nhưng thiếu lý thuyết ngon lành thì cũng chỉ là cỏ lau tập trận.
- Chỉ vì khoái mùi vị món thịt mà ăn mặn là gieo chủng tử loài ăn thịt sống. Chỉ biết ăn chay mà không biết gì hơn là gieo chủng tử loài ăn cỏ. Thực đơn menu trong đầu quan trọng hơn trên bàn ăn.
- Chỉ biết lo sướng thân mà không màng gì ngoài ra, dù trong đạo hay ngoài đời chỉ là trẻ con. Biết mà không dám bày tỏ là người câm. Có người bày tỏ mà mình vẫn không màng, đó là người điếc. Nghe bày tỏ mà không nhận thức được nổi vấn đề đích thị người điên. Biết mà không hành động hẳn là người bại liệt.
- Những kẻ chống đối này nọ thường mang trong máu những thứ mà họ đang chống đối.
- Một anh nhân viên khu bảo tồn ở Kenya nói hiếm khi sư tử đuổi kịp con nai, và anh giải thích rằng, sư tử chỉ chạy để kiếm miếng ăn, còn con nai phải chạy để giữ mạng sống. Chuyện gì để xem là đường sinh tử thì người ta mới dốc sức đến tận cùng.
- Sự ràng buộc tâm lý còn ghê gớm gấp vạn lần những dây trói và nhà tù vật chất, thứ có thể bị tan rã bởi hỏa hoạn hay bom đạn. Sự ràng buộc ấy có thể chỉ là chút ám ảnh, thứ ấn tượng nào đó nhưng suốt đời không thể tháo gỡ, vượt thoát. Vậy mà khi đủ duyên, chỉ một búng tay, mọi ràng buộc chỉ là cơn ác mộng của người vừa thức giấc. Vươn vai, ngáp nhẹ và quên sạch.
- Trên cùng một con đường, có người thấy ra hướng đi, nhưng có người chỉ thấy ngõ cụt.
- Khi chỉ còn lại một mình, ta phải luôn đối diện với chính bản thân. Mọi đối thoại hay độc thoại đều là giả niệm. Chỉ có chánh niệm với ở đây, lúc này, mới cho phép ta nhìn thấu thực tại.
- Một đời nhặt nhạnh tưởng tri, ghép nên một khối tư duy tật nguyền. Nguyên câu vạn hữu do duyên, hôm nào tỉnh giấc bến thuyền đều không.
- Một chum nước, một đèn khuya, một vầng trăng lạnh vừa về bên hiên.
- Ngồi chơi chẳng phải ngồi thiền, Chỉ thanh thản ngó chút phiền đang trôi.
- Ai giải thoát, ai luân hồi. Đêm trăng một bóng ta ngồi với ta.
- Thế giới chỉ là khối tổng hợp của những thành tố, vượt trên nền tảng nhận thức của bản thân gồm nội hàm và góc nhìn ta có một cái nhìn khác nhau để thấy ra cái gì.
- Mê đắm trong ngũ dục là luân hồi hạ cấp, mê đắm trong thiền định là luân hồi kiểu cao sang.
- Tu quán mà chưa thực sự chán sợ sinh tử thì coi chừng tăng thượng mạn, tức còn hơi sức để soi gương trong ngôi nhà đang cháy.
- Không biết gì để nói là dốt, nói quá chỗ biết của mình là phét, nói không kiểm chứng là ẩu, biết không cần thiết mà vẫn nói là nhảm, biết điều cần thiết mà không nói là hiểm.
- Biết mình là thượng đế của mình chắc chắn là dễ sống hơn là tin rằng mình được ai đó an bài mọi thứ. Thật lạ khi không hiếm kẻ trí thức vẫn cứ chọn cách nhận thức thứ hai. Rõ ràng nhận thức về tính Vô ngã giúp ta thanh thản hơn tin tưởng vào một cái gì đó. Nhưng lạ là khi phần lớn thiên hạ cứ sợ mình bị ngốc.
- Nhiều người cứ tưởng lúc nhận là vui hơn lúc cho. Nhưng nằm nghĩ ngược lại, mới đúng. Hiếm có một món quà nào khiến ta vui suốt mấy chục năm. Nhưng một nghĩa cử đẹp ta trao lần nào đó sẽ khiến ta vui hoài không chán.
- Ai cũng tưởng đông người chung quanh sẽ vui hơn sự cô độc, nhưng kỳ thực, sự lẻ loi khiến khi làm khổ ta như sự chung đụng.
- Ngồi ngó vách lâu ngày sẽ nghĩ tới cảnh phải chơi.
- Cái gì dễ được cũng dễ mất. Tình hay sự tu tập đều như thế. Cứ tưởng có một căn phòng riêng để sống tĩnh mịch hay sống tâm linh gì đó thì cao siêu. Ai ngờ lúc có rồi cứ ngại bước vào, hoặc có vào cũng chỉ để nằm nghĩ vẩn vơ một lát rồi ngủ.
37 cuốn sách của Krishnamurti
13, 04, 2025