TỪ BI – HƠI THỞ CỦA NHÂN LOẠI
Thích Nhật Từ
Từ bi không chỉ là đức tính cao quý, mà còn là cội nguồn sinh tồn sâu xa của nhân loại. Một xã hội dù có phát triển vật chất đến đâu mà thiếu vắng lòng từ bi cũng giống như thân thể lớn không có trái tim – khô cạn yêu thương, lạnh lẽo và vô cảm.
Tình thương và lòng bi mẫn là mạch sống nối trái tim với trái tim, làm mềm lòng kẻ thù, và quan trọng hơn hết – cứu độ chính bản thân người đang thực hành nó. Người có từ bi không phải là kẻ yếu đuối, mà là người đủ trí tuệ để hiểu rằng: tha thứ là giải thoát, bao dung là sức mạnh, và nhẫn nại là vũ khí của người giác ngộ.
Hãy lấy từ bi làm sự nghiệp. Hãy sống như thể mỗi hơi thở của mình đang nuôi dưỡng an lạc cho tất cả. Bởi chỉ khi con người biết cảm thông nỗi khổ của nhau, biết chia cơm sẻ áo, biết nhẹ lời và sâu lòng, thì thế giới này mới có thể hồi sinh từ những đổ vỡ, và thật sự bước vào kỷ nguyên của hòa bình chân chính.
Từ bi là sức mạnh không tiếng động, nhưng đủ lớn để hóa giải khổ đau, vượt qua chia rẽ, và cứu độ muôn loài khỏi vực thẳm sân hận và oán thù.
Từ bi như đóa sen tươi,
Thiếu đi nhân ái, tình người hư vong.
Từ bi như ánh trăng trong,
Xua tan thế giới cuồng phong hận thù.
Người khôn rèn luyện tâm tu,
Một lòng nhẫn nhịn, thản thư tâm hồn.
Lời hiền thay tiếng gió cồn,
Nụ cười thay gậy, đạo tròn trong tâm.
Đẩy lùi gươm giáo đao binh,
Từ bi trí tuệ đời mình thánh thiêng.
Sống trong nhân thế đảo điên,
Từ bi là đạo hóa thù thành thân.
🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹
MƯỜI ĐIỀU HẠNH PHÚC ĐƠN SƠ
Thích Nhật Từ
Một là chớ chấp tâm hoài,
Hờn chi cho nặng, thù dai thêm phiền.
Hai là đừng mắng ai hiền,
Lời thô gieo khổ – oán truyền kiếp sau.
Ba là chớ kiếm chuyện nhau,
Tâm không gây sự, đời mau an hòa.
Bốn không dựng chuyện ba hoa,
Hại người hại chính thân ta kiếp này.
Năm không ngạo mạn ta đây,
Tự cao chấp ngã, rụng đầy phước duyên.
Sáu là sống giữa nhân hiền,
Vị tha vô ngã vững truyền đạo tâm.
Bảy là hãy biết cười thầm,
Tạo duyên hoan hỷ, mười phần nhẹ tênh.
Tám là mở dạ rộng thêm,
Thấy ai đau khổ trao duyên thân tình.
Chín là đóng góp hết mình,
Không mong đền đáp, chỉ sinh thiện lành.
Mười là việc thiện gắng dành,
Mỗi ngày một chút – hóa thành sen thơm.
HẠNH PHÚC
Thích Nhật Từ
Hạnh phúc không phải là món quà sẵn có, cũng chẳng phải điều ta có thể mua được hay trông đợi từ người khác. Trong ánh sáng Phật pháp, hạnh phúc là kết quả trực tiếp từ hành động thân, khẩu, ý thiện lành mà ta gieo trồng mỗi ngày.
Khi biết sống tỉnh thức, biết buông bỏ sân hận, ích kỷ, và hướng đến lòng từ bi, ta đang tự tạo ra suối nguồn hỷ lạc trong tâm.
Như cây cần được vun trồng bằng ánh nắng và nước sạch, hạnh phúc cũng cần được nuôi dưỡng bằng giới, định, tuệ.
Không ai có thể cho bạn hạnh phúc vững bền hơn chính bạn—người đang từng phút định hình số phận và an lạc của mình bằng từng suy nghĩ và hành vi mỗi ngày.

Hạnh phúc chẳng phải xa vời,
Chẳng ai ban tặng, chẳng người trao tay.
Phúc sinh từ chính hôm nay,
Từ tâm ngay thẳng, từ ngày thiện duyên.
Từ bi là ánh đuốc thiêng,
Soi đường tỉnh thức giữa miền khổ đau.
Gieo nhân thiện, tình người sâu
Tự tha lợi lạc, nhiệm mầu Phật duyên.
HẠNH PHÚC LÀ QUẢ CHÍN TỪ NHÂN LÀNH
Thích Nhật Từ
Hạnh phúc không đến từ bên ngoài như một phần thưởng ngẫu nhiên, mà là kết quả của những hạt giống ta âm thầm gieo xuống trong mỗi giây phút hiện tại.
Theo tinh thần Phật giáo, hành động có chánh niệm, lời nói có từ bi, và ý nghĩ không nhiễm ô là ba nền móng đưa đến an lạc nội tâm.
Người tu Phật pháp hiểu rằng, hạnh phúc không thể vay mượn, càng không thể trộm cắp từ người khác. Chỉ khi buông bỏ sân si, bỏ hận thù, bỏ cảm xúc hủy diệt, bỏ tư duy xúc phạm người khác, biết sống thuận theo nhân quả thiện lành thì hạt giống hỷ lạc mới nảy mầm từ chính mảnh đất tâm mình. Đó là hạnh phúc sâu bền – không vì được mà vui, không vì mất mà buồn, mà do chính mình gầy dựng, như mặt trời tự sáng từ trong lửa lòng.
Vì thế, hạnh phúc không phải là đích đến để đuổi theo, mà là con đường tỉnh thức mà ta đang bước từng ngày. Mỗi hơi thở có tránh niệm, mỗi hành động biết nghĩ cho người khác, là đang tưới tẩm hạt giống hỷ lạc trong chính mình.
Đừng mong thế gian luôn thuận chiều ý muốn, hãy mong mình luôn thuận chiều đạo lý chánh chân. Bởi khi tâm an định, hoàn cảnh chẳng còn là nguyên nhân của khổ đau.
Người biết quay vào trong, gạn đục khơi trong nơi dòng ý thức, chính là người tìm được mùa xuân hạnh phúc giữa cõi vô thường. Hạnh phúc, rốt cuộc, không nằm ở chỗ có bao nhiêu vật chất, giàu sang bao nhiêu, mà ở chỗ biết đủ, biết thương yêu, biết sống vị tha, biết buông chấp ngã và biết sống chánh niệm trọn vẹn từng phút giây hiện hữu.
Hạnh phúc chẳng gió thoảng mây,
Cũng không vật lạ ai bày trước ta.
Khi tâm tịnh lặng sâu xa,
Gieo nhân hiền thiện mới ra quả hiền.
Ngày nay gạn sạch ưu phiền,
Ngày sau hoa nở giữa miền không gian.
Hành vi tỏa sáng tâm an,
Gieo gì gặt nấy, muôn ngàn chẳng sai.
MỤC ĐÍCH CUỘC SỐNG LÀ AN LẠC
Thích Nhật Từ
Mục đích chân thật của đời người không phải là danh lợi phù du hay thú vui nhất thời, mà chính là hạnh phúc nội tâm – thứ hạnh phúc vượt lên mọi biến động, được nuôi dưỡng bằng tuệ giác và từ bi.
Hạnh phúc không chỉ là cảm xúc dễ chịu, mà là sự vắng mặt của khổ đau, của vô minh, của hận thù, của chấp thủ, nhất là thái độ cao ngạo cho mình là chân lý. Người sống với tầm nhìn chân chính, tư duy chân chánh, biết nhân nghĩa yêu thương, biết vô ngã vị tha, biết buông xả, biết tỉnh thức trong từng hơi thở, chính là người đã tìm ra mục đích cao cả của đời sống.
Đời không phải để tranh đoạt độc tôn, mà để cho đi và đóng góp; không phải để tồn tại trong hận thù, mà để mở lòng, bao dung, cảm nhận an vui. Như đóa sen giữa bùn nhơ, hạnh phúc chân thật nở từ chính sự tỉnh thức và chuyển hóa nội tâm.

Sống không phải để bon chen,
Mà tìm an lạc giữa miền trần ai.
Không do vật đổi sao dời,
Mà do tâm tịnh giữa đời nổi trôi.
Tỉnh ra một phút sáng ngời,
Từ bi gieo giữa cõi người trái ngang.
Phúc an chẳng phải mơ màng,
Thong dong, buông xả, nhẹ nhàng, chánh chân.
AN NHIÊN GIỮA CÕI ĐIÊU NGOA
Thích Nhật Từ
Trăng in đáy nước lặng trôi,
Lòng ai động vọng giữa trời mà chi?
Gió qua, bóng ngả đường đi,
Người hiền chẳng bận thị phi đoạn trường.
Miệng đời ác dữ vô cùng
Kẻ hung phun độc, hiền lương chẳng màn.
Mượn danh chính nghĩa thương dân,
Vừa la vừa đánh, tiểu nhân xếp sòng !
Người khôn đá tảng giữa dòng,
Giữ tâm bất động trước phường gian manh
Một câu nhẫn nhịn yên lành,
Ngàn câu hung hiểm cũng đành gió bay.
Kẻ ưa ngụy ngữ đắng cay,
Ta đem từ ái phủ đầy hận sân.
An yên đứng giữa phong vân,
Gió về càng tỏ đạo phần cao sâu.
Đường tu chẳng ngại bể dâu,
Đạo tâm tỏa chiếu trên đầu thảnh thơi.
Người điên mắng chửi bao người
Ngu tưởng mình trí: trò cười thế gian.
Chánh tâm soi sáng đường trần,
Lặng nhìn vạn tượng, chân nhân bước đều.
Thị phi như bóng qua đèo,
Giữ tâm như nguyệt — sáng treo cõi lòng.
HẠNH PHÚC KHÔNG ĐỨNG CHUNG VỚI GIẢ DỐI VÀ CUỒNG NGÔNG
Thích Nhật Từ
Hạnh phúc chân thật không thể sinh khởi từ sân hận, vọng ngữ hay ý niệm muốn xúc phạm, hạ bệ người khác. Trên hành trình sống tỉnh thức, mỗi lời nói và hành động đều là nhân duyên tạo nghiệp, là hạt giống cho tương lai an lạc hay khổ đau.
Người muốn an vui trước hết phải giữ cho miệng thanh, tâm tịnh, biết dừng lại trước khi lời nói gây tổn thương, biết quán chiếu hậu quả của mỗi ý niệm sinh khởi từ tham, sân, si.
Trong xã hội hiện đại, có những người tự cho mình là lẽ phải, nhưng lại chọn cách xúc phạm, công kích, hoặc vu khống người khác trên mạng xã hội. Dù có khéo léo tránh né pháp luật, thì cũng không thể thoát được quy luật công bằng của nghiệp báo.
Người sống xa quê nhưng vẫn giữ tình yêu nước âm thầm qua hành động tích cực đáng quý. Nếu chỉ rêu rao mà không đóng góp, chỉ kích động mà không xây dựng, thì tình yêu quê hương ấy trở nên rỗng tênh, không tạo được giá trị chân thật.
Càng đáng tiếc hơn khi tiền bạc và địa vị không được dùng để gieo thiện, giúp người, mà lại trở thành công cụ để nuôi dưỡng hiềm hận, nuôi người làm điều trái, gieo lời thô bạo. Những điều ấy không chỉ tạo khổ đau cho người khác, mà còn giam hãm chính mình trong bóng tối của tâm thức và nghiệp quả.
Luật pháp có thể đến muộn, nhưng luật nhân quả không bao giờ vắng mặt. Kẻ gieo ác chưa bị luật pháp xử phạt, ấy là vì quả báo chưa chín muồi, chứ không phải là thoát nạn. Người có trí sẽ không vui mừng khi kẻ ác bị trừng trị, mà lấy đó làm gương sáng cho chính mình tu tỉnh, hành thiện.
Sống giữa đời, điều quý nhất không phải là nổi tiếng, thắng thế, hay được tung hô. Mà là giữ được phẩm hạnh giữa bão giông, biết thương người hiền đức, sống khiêm cung, chân thật, và biết quay về với chính mình trong sáng. Đó là con đường đưa đến bình an lâu dài.
Chân lý không cần phải gào thét để toả sáng. Như mặt trời, chân lý tự hiển lộ bằng ánh sáng nội tại – tĩnh lặng, rõ ràng, và bất động trước thị phi. Những ai chọn cách đánh động dư luận bằng ác ngôn và phẫn nộ, chỉ đang phơi bày sự bất an và yếu kém trong chính mình.
Hạnh phúc không đứng chung với cuồng ngông, đạo đức không sinh khởi từ giả dối. Muốn được yêu thương, hãy sống chân thật. Muốn được kính trọng, hãy biết cúi đầu trước lẽ phải. Người có đạo không cần vỗ ngực xưng danh vì chân lý tự nở như sen trong bùn, không cần gọi tên vẫn tỏa hương.
Thích Nhật Từ
Hạnh phúc chân thật không thể sinh khởi từ sân hận, vọng ngữ hay ý niệm muốn xúc phạm, hạ bệ người khác. Trên hành trình sống tỉnh thức, mỗi lời nói và hành động đều là nhân duyên tạo nghiệp, là hạt giống cho tương lai an lạc hay khổ đau.
Người muốn an vui trước hết phải giữ cho miệng thanh, tâm tịnh, biết dừng lại trước khi lời nói gây tổn thương, biết quán chiếu hậu quả của mỗi ý niệm sinh khởi từ tham, sân, si.
Trong xã hội hiện đại, có những người tự cho mình là lẽ phải, nhưng lại chọn cách xúc phạm, công kích, hoặc vu khống người khác trên mạng xã hội. Dù có khéo léo tránh né pháp luật, thì cũng không thể thoát được quy luật công bằng của nghiệp báo.
Người sống xa quê nhưng vẫn giữ tình yêu nước âm thầm qua hành động tích cực đáng quý. Nếu chỉ rêu rao mà không đóng góp, chỉ kích động mà không xây dựng, thì tình yêu quê hương ấy trở nên rỗng tênh, không tạo được giá trị chân thật.
Càng đáng tiếc hơn khi tiền bạc và địa vị không được dùng để gieo thiện, giúp người, mà lại trở thành công cụ để nuôi dưỡng hiềm hận, nuôi người làm điều trái, gieo lời thô bạo. Những điều ấy không chỉ tạo khổ đau cho người khác, mà còn giam hãm chính mình trong bóng tối của tâm thức và nghiệp quả.
Luật pháp có thể đến muộn, nhưng luật nhân quả không bao giờ vắng mặt. Kẻ gieo ác chưa bị luật pháp xử phạt, ấy là vì quả báo chưa chín muồi, chứ không phải là thoát nạn. Người có trí sẽ không vui mừng khi kẻ ác bị trừng trị, mà lấy đó làm gương sáng cho chính mình tu tỉnh, hành thiện.
Sống giữa đời, điều quý nhất không phải là nổi tiếng, thắng thế, hay được tung hô. Mà là giữ được phẩm hạnh giữa bão giông, biết thương người hiền đức, sống khiêm cung, chân thật, và biết quay về với chính mình trong sáng. Đó là con đường đưa đến bình an lâu dài.
Chân lý không cần phải gào thét để toả sáng. Như mặt trời, chân lý tự hiển lộ bằng ánh sáng nội tại – tĩnh lặng, rõ ràng, và bất động trước thị phi. Những ai chọn cách đánh động dư luận bằng ác ngôn và phẫn nộ, chỉ đang phơi bày sự bất an và yếu kém trong chính mình.
Hạnh phúc không đứng chung với cuồng ngông, đạo đức không sinh khởi từ giả dối. Muốn được yêu thương, hãy sống chân thật. Muốn được kính trọng, hãy biết cúi đầu trước lẽ phải. Người có đạo không cần vỗ ngực xưng danh vì chân lý tự nở như sen trong bùn, không cần gọi tên vẫn tỏa hương.