THỨ NHỨT là lòng thành giác ngộ, Cảnh thế gian quốc độ vô thường, Sắc tâm sanh diệt khôn lường, Tứ đại ngũ uẩn là đường khổ không. Nguồn tội ác bởi lòng gợn sóng, Nghiệp oan gia như bóng theo hình, Suy đi nghĩ lại cho rành, Lần lần thoát khỏi tử sanh luân hồi.
THỨ HAI là ghi lời giác ngộ, Tham dục nhiều lụy khổ thêm nhiều, Dạt dào sanh tử bao nhiêu, Cũng vì tham dục mọi điều gây nên, Muốn sống đời bình yên tự tại, Hãy mở lòng quảng đại vô vi.
THỨ BA hằng nhớ ghi tâm trí, Lòng tham cầu như ý khó vừa, Chất chồng tội ác ngàn xưa, Cũng vì không chán không chừa cầu mong. Bậc Bồ tát giữ lòng biết đủ, An phận nghèo quy củ tu hành, Trau dồi trí huệ thông minh, Huệ là sự nghiệp bình sanh đạo thường.
THỨ TƯ nên nhớ đường giác ngộ, Lười biếng là gốc khổ lầm than, Thường tu tinh tấn không ngừng, Dẹp giặc phiền não ma quân phục tùng, Phá địa ngục muôn trùng kiên cố, Thoát thành sầu cùng khổ ấm duyên.
THỨ NĂM là giác ngộ cơ Thiền, Ngu si là gốc nhân duyên mê lầm, Bậc Bồ tát chuyên tâm học vấn, Nghe thấy nhiều dứt tận nguồn mê, Khai thông tâm trí Bồ đề, Biện tài thành tựu đề huề chúng sanh, Thường giáo hóa an lành tất cả, Ban nguồn vui hỷ xả cho nhau.
THỨ SÁU là nhớ câu giác ngộ, Nghèo khổ nhiều đau khổ càng nhiều, Nợ oan vay trả bao nhiêu, Dây oan buộc chặt lắm điều đắng cay. Bậc Bồ tát ra tay bố thí, Bình đẳng tâm không nghĩ oán thân, Càng thương những kẻ ác nhân, Quên điều lỗi cũ thương phần khổ đau.
THỨ BẢY Giác thân dầu ở tục, Lòng thường vui ngũ dục lánh xa, Giữ gìn ba áo ca sa, Tay bưng bình bát yên hà vui say, Chí xuất gia tháng ngày giữ dạ, Phẩm hạnh lành đức cả cao xa, Sao cho trong sạch lòng ta, Từ bi cứu thoát hằng hà chúng sanh.
THỨ TÁM là đinh ninh giác ngộ, Lửa tử sanh đau khổ vô cùng, Bồ đề tâm phát bao dung, Thảy đều tế độ thoát vòng truân chuyên. Chúng sanh khổ lòng nguyền thay thế, Dầu lao đao chẳng kể chẳng phiền, Miễn cho muôn loại đều yên, Hoàn toàn giải thoát lên miền chơn như.
Tám điều ấy lời chư Phật dạy, Bậc đại nhân như vậy tu hành, Đạo tâm tinh tấn chí thành, Dong thuyền lên bến Vô sanh Niết bàn. Thừa nguyện lực nhơn hoàng trở gót, Bể trầm luân cứu vớt sanh linh, Y theo tám việc thực hành, Tuyên dương tiếp dẫn siêu sanh giác đài, Ngộ tử sanh đêm dài đau khổ, Thoát năm trần siêu độ tâm linh.
Là người con Phật chân thành, Hằng ngày nhứt niệm phước sanh tội trừ, Đoạn sanh tử lên bờ giải thoát, Chứng Bồ đề Cực Lạc thanh nhàn, Cúi đầu lạy Đấng Giác Hoàng, Cầu xin chứng giám đạo tràng từ bi.
+ Vì không thấy được sự thật về vô thường, khổ không và vô ngã của sự vật cho nên tâm ta thường trở thành nạn nhân của tham vọng thù ghét; do tham vọng và thù ghét mà tạo ra bao nhiêu lỗi lầm, cho nên kinh nói “tâm là nguồn suối phát sinh điều ác.”
+ Hạnh phúc chân thật là sự thảnh thơi của thân và của tâm; mà sự thảnh thơi đó là do sự ít ham muốn mà có.
+ Ít ham muốn không chạy theo năm món dục lạc, đó là đạt tới một bước dài của sự tự do và giải thoát.
+ Mục tiêu của đạo Phật là đời sống an lạc và hạnh phúc chân thật chứ không phải là đời sống giàu hay nghèo. Chấp thủ vào, bám víu vào những cái gì mà bản chất chúng là vô thường, vô ngã thì chắc chắn sẽ gặt hái khổ đau. Lòng tham là đầu mối của các bám víu, vướng mắc như vậy, cho nên rũ bỏ đi lòng tham vô độ thì đời sống của ta và của người mới nhẹ nhàng, thanh thản, mới có hạnh phúc. Vậy một người nghèo mà tham đắm nhiều thì sẽ khổ vô cùng, còn một người giàu mà ít tham đắm thì vẫn hạnh phúc, thanh thản như thường.
+ Biết tham là khổ đau. Phải xa lìa Tham. Siêng tu để lìa Tham, tinh tấn để lìa tham, vậy Tinh tấn sao đây? Học giáo pháp, tư duy, và tu sửa mình theo giáo pháp. Chọn pháp môn thích hợp với bản thân. "Hạ thủ công phu cho tới khi nào những phiền não căn bản như tham, giận, si mê, kiêu mạn, nghi ngờ và thành kiến đều bị nhổ tận gốc, thì tự nhiên ta thấy thân tâm thoát khỏi ngục tù của sinh tử, của ngũ ấm, của tam giới."
+ Vô minh là cội gốc của mọi tội lỗi, mọi đau khổ. Vậy diệt vô minh bằng cách nào, ra sao? Nỗ lực quán chiếu về sự vô thường, vô ngã và nhân duyên sinh của vạn hữu!
+ Có khi ta biết rằng việc ấy là bất thiện, là không nên làm nhưng ta vẫn cứ làm, không đủ sức cưỡng lại. Hình như nó có một sức mạnh tiềm ẩn nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Ðấy là vô minh.
+ Để diệt trừ vô minh, chỉ có con đường giáo dục, tăng trí tuệ:
1) Có lòng tin vào bậc Ðạo sư: Bước đầu của lộ trình tu tập cần phải nương tựa vào một bậc Ðạo sư, bậc Ðạo sư ấy mình đã biết và tin tưởng rằng có khả năng giúp mình khai mở trí tuệ. Có lòng tin mình mới an tâm qui hướng về Ðạo sư ấy.
2) Ðến gần: Phải đến gần gũi với vị Ðạo sư ấy mình mới có cơ hội tiếp nhận những gì cần thiết.
3) Tôn kính: Tỏ lòng tôn kính Ðạo sư, phục vụ chăm sóc hầu hạ bậc Ðạo sư những gì cần thiết, bày tỏ thành tâm của mình trên con đường tu học.
4) Lắng nghe: Là thái độ thành khẩn thiết tha trong học tập, sẵn sàng lắng nghe bất cứ điều gì từ bậc Ðạo sư. Với thái độ sẵn sàng như vậy, bậc Ðạo sư sẽ sẵn sàng dạy.
5) Nghe pháp: Ðây là giai đoạn bước vào thế giới Phật pháp, những điều bậc Ðạo sư dạy luôn được nghe với sự phấn khởi cần mẫn.
6) Thọ trì pháp: Nhờụ nghe một cách phấn khởi thích thú ta sẽ nhớ những gì được nghe một cách đầy đủ.
7) Suy tư ý nghĩa: Là sự thọ trì một cách đầy đủ lời dạy của bậc Ðạo sư. Qua đó, ý nghĩa sâu sắc của lời dạy dần dần hiển lộ bởi sự suy tư của mình, càng suy tư ý nghĩa càng sáng.
8) Chấp nhận học pháp: Sau khi suy tư hiểu rõ nghĩa lý, tâm không còn thắc mắc chống đối, tâm thuận theo pháp, chấp nhận học pháp ấy. Ðến đây, tư tưởng đã thông suốt.
9) Ước muốn sanh khởi: Sau khi chấp nhận học pháp rồi, niềm hoan hỷ sẽ khởi lên trong tâm, tâm muốn dấn thân thực hiện các học pháp ấy, muốn thực hành.
10) Nỗ lực hành trì: Do ước muốn khởi lên nên tâm nỗ lực hành trì pháp mà Ðạo sư đã dạy để tự mình đạt được những gì đã thông suốt trong lý thuyết.
11) Cân nhắc: Nỗ lực nhưng không bị mù quáng, bởi sự xác quyết trong quá trình thực hành sẽ nảy sinh những mâu thuẫn, lệch lạc. Ta cần phải tỉnh táo để cân nhắc suy xét để tìm ra đường lối thích hợp nhất.
12) Tinh cần tu học: Sau khi vừa học, vừa làm, vừa cân nhắc đã đầy đủ, con đường đã ổn định, sự phát triển hướng đi bằng sự tinh tấn không gián đoạn sẽ có kết quả tốt.
13) Tự thân chứng sự thật: Với sự tinh cần trên, ta sẽ đạt được kinh nghiệm tự thân về thực tại vô ngã,cảm nhận được pháp vị giải thoát.
14) Trí tuệ thể nhập sự thật: Ðạt được trí tuệ viên mãn, thành tựu giải thoát hoàn toàn.Nghĩa là " minh" sanh, " tuệ" sanh, chấm dứt sanh tử luân hồi.
+ Mình bố thí, mình cứu người, giúp người, chỉ vì con người thật sự của mình có tình thương chân thật, lòng thương đó không cho mình làm khác! Đó mới là chân thật bố thí! Sống giản dị, càng có cơ hội bố thí cho người.
+ Mình bố thí không phân biệt. Kể cả những người đã làm ác với mình, mình cũng vẫn bố thí. Họ càng ác với mình, hoặc ác với người, thì càng thương xót họ!
+ Sống trong đời ô nhiễm mà mình không bị ô nhiễm. Mình như hoa sen sống trong bùn lầy tanh hôi. Mình không để ngũ dục, lục trần làm ô nhiễm tâm. Vẫn trung trinh với hạnh thiểu dục tri túc, siêng tu học, tinh tấn phá phiền não, ma quân, vô minh.
+ Giúp đời, giúp người là hành trình cực khó khăn, gian nan, vất vả. Nhưng đó lại là con đường giúp cho cuộc đời của ta có ý nghĩa cao tột, hạnh phúc có được sau đó thật là thanh cao, lâu dài. Với người tu học, đó mới là hạnh phúc đích thực.
+ Trích lời dạy của Tổ:
"Một là khi quán niệm về thân thể, đừng mong cầu là mình không có tật bệnh: không tật bệnh thì tham dục dễ sinh.
Hai là khi xử thế đừng mong cầu không có sự khó khăn: không khó khăn thì tâm kiêu sa nổi dậy.
Ba là khi quán tâm đừng mong cầu không có chướng ngại: không có chướng ngại thì chỗ sở học dễ bị vượt bực.
Bốn là khi lập chí hành động thì đừng mong cầu không có kẻ quấy phá: không quấy phá thì thệ nguyện không kiên cường.
Năm là khi dự tính công việc đừng mong dễ thành: việc dễ thành thì dễ sinh khinh mạn.
Sáu là khi giao tiếp đừng mong có lợi cho mình: giao tiếp mà vì lợi mình thì hao tổn đạo nghĩa.
Bảy là đối với người đừng mong ai cũng thuận ý mình: thuận ý mình thì tâm sinh tự phụ.
Tám là giúp người đừng mong báo đáp: mong báo đáp tức là tâm có ý đồ.
Chín là thấy lợi thì đừng nhúng tay vào: nhúng tay vào thì si tâm đã động.
Mười là oan ức không cần bày tỏ: bày tỏ oan ức thì oán hận kéo dài.”
+ Bụt khi thuyết giáo đã coi bệnh khổ là thuốc hay,
coi hoạn nạn là sự thảnh thơi,
coi chướng ngại là giải thoát,
coi ma quân là bạn lữ,
coi khó khăn là yếu tố thành công,
coi người đối đãi tệ lậu với mình là tư lương,
coi kẻ chống đối là rừng cây, vườn cảnh,
coi sự thi ân là một đôi dép bỏ đi,
coi sự từ bỏ lợi lộc là sự giàu sang,
coi oan ức là cánh cửa đi vào hành động"
+ Các phương pháp Ba la mật đều được nhắc đến trong kinh: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ.
+ Phương pháp tu học theo kinh Bát đại nhân giác: Trì kinh với sự thực chứng của bản thân, trì kinh khi thân tâm thực sự nhẹ nhàng. Quán chiếu thật sâu với những lời dạy của Chư Phật, Bồ Tát, Hiền Thánh, để khai mở, sửa đổi tiềm thức, tàng thức; thực sự chuyển hóa thân tâm, hướng tới bờ Giác Ngộ giải thoát trong ngày không xa.
+ Các đề tài thiền quán: Vạn hữu Vô thường; Vạn vật khổ đau, trống rỗng; Vô ngã của tự thân (vì vô ngã mà thấy ta trong người, thấy người trong ta); tính cách bất tịnh của thân tâm; càng lắm ham muốn càng nhiều khổ đau; tri túc phá tham dục; tinh tấn phá biếng lười; trí tuệ phá si mê; bố thí bình đẳng; tùy tục bất nhiễm; phát tâm đại thừa.
+ Tiến trình tu tập theo Kinh: 1. Quán sát Tứ niệm xứ (vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh). 2. Lập hạnh tu Thiểu dục. 3. Thực hành pháp Tri túc. 4. Thường niệm Tinh tấn. 5. Nuôi dưỡng Trí tuệ. 6. Bố thí. 7. Tuỳ thuận cuộc đời, nhưng tránh mọi duyên. 8. Thực hiện hạnh lợi tha tuyệt đối.